Tình hình công khai lịch tiếp công dân
Nằm ở thôn Tân Hòa, xã Đắk R’moan, (gần cầu Đắk R’Tih), thành phố Gia Nghĩa, điểm gỗ hóa thạch là một trong những điểm địa chất đặc trưng (geosite) của Công viên địa chất Đắk Nông, nơi du khách được trải nghiệm, khám phá và hiểu biết thêm về những hiện tượng kỳ lạ, lý thú của Mẹ Thiên nhiên.
Điểm gỗ hóa thạch trong vùng Công viên địa chất Đắk Nông - Ảnh: BQL |
Gỗ hóa thạch (Cây biến thành đá) có nguồn gốc từ những cây rừng nguyên sinh, bị chôn vùi trong dòng dung nham nóng chảy của núi lửa phun trào. Các khoáng vật trong lớp dung nham này đóng vai trò như "lá chắn" để bảo vệ "thân cây chết" thoát khỏi quá trình oxy hóa và sự tấn công của vi sinh vật. Chính vì thế, sự phân hủy vật chất diễn ra rất chậm.
Trong khi đó, các bùn, tro núi lửa chứa các khoáng chất theo nước mưa thấm dần và lắng đọng vào thân gỗ. Khi cấu trúc của cây dần bị phá vỡ, những vật chất hữu cơ (sợi gỗ) dần bị thay thế bởi Silicat (thạch anh) và các khoáng chất vô cơ khác. Quá trình này có thể kéo dài đến hàng triệu triệu năm cho đến khi tất cả các vật chất hữu cơ của cây đều được thay thế bằng khoáng vật nhưng vẫn giữ lại cấu trúc mô thân ban đầu.
Gỗ hóa thạch khá đa dạng về màu sắc nhưng thường gặp nhất là màu xám, xám trắng, cam, đỏ, vàng, đen nâu, … Do nằm sâu trong lòng đất hàng triệu năm, nhiều người cho rằng, gỗ hóa thạch được hưởng những tinh hoa, ánh sắc và năng lượng tích cực của vũ trụ.
Ngày nay, trên thế giới, gỗ hóa thạch được tìm thấy ở nhiều nơi như: Cộng hòa Séc, Hy Lạp, Hoa Kỳ, Argentina, Úc, Bỉ, Brazil, Trung Quốc, Đức, Myanma, Indonesia... Tại Việt Nam, gỗ hóa thạch chủ yếu được tìm thấy tại khu vực Tây Nguyên – nơi tập trung các đợt phun trào núi lửa xảy ra hàng triệu năm trước. Gỗ hóa thạch nơi đây có nhiều hình dạng đẹp, độc đáo và có nhiều vân bên trong. Không giống như các mẫu gỗ hóa thạch chứa nhiều silicat được tìm thấy tại khu vực, gỗ hóa thạch trong vùng Công viên địa chất Đắk Nông đặc biệt hơn cả vì khoáng vật thay thế là hydroxit sắt, nên thường có màu nâu đỏ đặc trưng.
Mẫu gỗ hóa thạch trưng bày tại Trung tâm thông tin CVĐC Đắk Nông - Ảnh: Bạch Vân |
Có thể không ít du khách đã từng chiêm ngưỡng nhiều mẫu gỗ hóa thạch đẹp trên thế giới, nhưng tại Việt Nam, chỉ có thể đến với điểm gỗ hóa thạch trong vùng Công viên địa chất Đắk Nông, du khách mới có thể quan sát được các tầng chứa gỗ hóa thạch, được bảo tồn nguyên vẹn, nằm dọc hai bên đường tránh thành phố Gia Nghĩa. Theo các nhà khoa học, có ít nhất hai tầng chứa có thể quan sát được bằng mắt thường tại điểm địa chất này. Một tầng chứa cách mặt đất khoảng một mét, tầng chứa còn lại thấp hơn, cách mặt đất từ hai đến ba mét. Các tầng chứa gỗ hóa thạch này có thể được hình thành từ các pha phun trào núi lửa khác nhau và cách nhau hàng triệu năm tuổi.
Đây là một điểm địa chất khá thú vị, mang tính giáo dục cao. Trong tương lai điểm du lịch này sẽ phát huy được vai trò là "sứ giả" gắn kết du khách với những di sản địa chất – kết tinh của lịch sử hình thành và phát triển Trái đất, để giúp du khách và cộng đồng địa phương thêm hiểu và trân quý những đặc ân của Tạo hóa đối với cuộc sống của chúng ta ngày nay.
Bạch Vân
Thông tin từ các Sở, Ban, ngành
- Sở Nội vụ
- Sở Ngoại vụ
- Sở Tài Chính
- Sở Y tế
- Sở Tư pháp
- Sở Công thương
- Sở Xây dựng
- Sở Kế hoạch và Đầu tư
- Sở Giáo dục và Đào tạo
- Sở Tài nguyên & Môi trường
- Sở Giao thông Vận tải
- Sở Khoa học & Công nghệ
- Sở Thông tin & Truyền thông
- Sở Văn hóa, Thể thao & Du lịch
- Sở Lao động, Thương binh & Xã hội
- Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn
- Thanh tra tỉnh
- Ban dân tộc