Tình hình công khai lịch tiếp công dân

Phong phú, đa dạng văn hóa vùng công viên địa chất
Ngày đăng 03/09/2019 | 09:30  | View count: 47585

Công viên địa chất (CVĐC) Đắk Nông trải dài qua 6 huyện, thị xã và có nhiều giá trị về địa chất, địa mạo, văn hóa, đa dạng sinh học… Trong đó, văn hóa truyền thống các dân tộc vùng CVĐC rất đa dạng và phong phú, tạo nên nét đặc trưng.

Bản sắc văn hóa sinh động

Là dân tộc bản địa nên trong quá trình sinh sống, đồng bào các dân tộc M'nông, Mạ, Ê đê vẫn giữ được những nét văn hóa riêng vốn có. Đó là, đời sống gắn liền với công việc nương rẫy, sinh hoạt cộng đồng, nhất là các lễ hội truyền thống. Một số lễ hội đặc trưng của đồng bào như Lễ sum họp cộng đồng, Lễ mừng lúa mới, Lễ cúng bến nước, Lễ cúng thần rừng, Lễ cưới hỏi… vẫn được gìn giữ một cách nguyên bản. Mỗi khi có điều kiện, bà con lại xin phép chính quyền địa phương để tổ chức, phục dựng, tạo cho đời sống tinh thần thêm phong phú, xây dựng tình đoàn kết dân tộc.

Đồng bào M'nông diễn tấu cồng chiêng đón Đoàn chuyên gia UNESCO vào thẩm định chính thức CVĐC Đắk Nông

Bên cạnh đó, các dân tộc phía Bắc như Mông, Tày, Nùng, Thái, Dao… di cư vào Đắk Nông lập nghiệp, sinh sống cũng đã mang theo nhiều giá trị văn hóa tốt đẹp, đặc sắc và đang được gìn giữ, lan tỏa trên vùng đất mới. Chính điều này đã tạo cho vùng CVĐC Đắk Nông một bản sắc văn hóa thật sinh động.

Đàn Tính hát Then được đồng bào Tày, Nùng gìn giữ, phát huy trên quê hương Đắk Nông

Với bề dày lịch sử văn hóa, hiện tại, CVĐC Đắk Nông có số lượng văn hóa phi vật thể rất lớn được UNESCO công nhận. Năm 2005, Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên được công nhận là Kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể của nhân loại. Với sự vào cuộc của chính quyền các cấp, tình trạng "chảy máu" cồng chiêng không còn nữa và đồng bào vẫn thường xuyên diễn tấu cồng chiêng trong các lễ hội của cộng đồng. Năm 2014, sử thi (Ót N'drong) cũng được công nhận là Di sản phi vật thể cấp quốc gia và chính là niềm tự hào của người M'nông trên địa bàn tỉnh.

Tỉnh Đắk Nông đã và đang áp dụng những tiêu chí mà UNESCO đưa ra là bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa vùng CVĐC

Hiện tại, khi đến với CVĐC Đắk Nông, du khách không những thưởng ngoạn, trải nghiệm những thắng cảnh đẹp nguyên sơ mà còn được hòa mình vào bản sắc văn hóa độc đáo của các dân tộc đang sinh sống trong vùng CVĐC. Vào dịp đầu năm mới, du khách có thể tham gia vào một số lễ hội, nghi thức truyền thống của các dân tộc đang sinh sống trên địa bàn tỉnh như Lễ mừng lúa mới của người M'nông, Lễ cúng sức khỏe, Lễ sum họp cộng đồng của người Mạ, Lễ hội lồng tồng của người Tày, Nùng…

Đồng bào M'nông ở bon Kon Hao, xã Đắk Ha (Đắk Glong) gìn giữ nghề truyền thống

Nhiệm vụ trọng tâm

Để khai thác và phát huy văn hóa vùng CVĐC, thời gian qua tỉnh Đắk Nông đã ban hành các nghị quyết, kế hoạch cụ thể để chỉ đạo các cấp, các ngành triển khai thực hiện, trong đó chỉ ra các nhiệm vụ và giải pháp để bảo tồn. Đặc biệt, được sự hỗ trợ của tổ chức UNESCO và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các sở, ngành liên quan đã xây dựng các chương trình, kế hoạch để triển khai thực hiện. Hàng năm, ngoài việc tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, thu hút đông đảo người dân và du khách tham gia, một số lễ hội truyền thống của đồng bào các dân tộc cũng được quan tâm, bảo tồn.

 

Với mục tiêu xây dựng CVĐC Đắk Nông là CVĐC toàn cầu, tỉnh Đắk Nông đã và đang áp dụng những tiêu chí mà UNESCO đưa ra là giữ gìn, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa vùng CVĐC. Trên cơ sở đó, Đắk Nông đã xây dựng Làng nghề đan lát M'nông ở bon Kon Hao, xã Đắk Ha (Đắk Glong); Buôn văn hóa Ê đê tại buôn Nui, xã Tâm Thắng (Cư Jút); Nhà trưng bày đàn đá, Nhà trưng bày cồng chiêng tại thị xã Gia Nghĩa… Do đó, hình ảnh CVĐC Đắk Nông đã được bạn bè trong và ngoài nước biết đến. Những tiến bộ về bảo tồn văn hóa vùng CVĐC được thể hiện rõ nét thông qua nhiều hoạt động thiết thực.

 

Theo bà Lê Thị Hồng An, Phó Giám đốc Ban Quản lý CVĐC Đắk Nông, trước xu thế phát triển, hội nhập toàn cầu đang diễn ra đã gây thêm áp lực, sự mâu thuẫn giữa phát triển và bảo tồn các giá trị di sản văn hóa. Văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc vùng CVĐC đang có nguy cơ bị mai một bởi tác động của kinh tế thị trường, ảnh hưởng của văn hóa ngoại lai... Vì vậy, việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa vùng CVĐC là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn hiện nay. Bởi, các di sản được bảo tồn, khai thác góp phần vừa phát triển kinh tế - xã hội bền vững vừa phát huy hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh của tỉnh. Các địa phương trong vùng CVĐC cần chung tay, tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức cho các nhà quản lý, nhà đầu tư và cộng đồng về bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa theo hướng khai thác đi đôi với bảo tồn.

Theo Báo Đắk Nông điện tử