Tình hình công khai lịch tiếp công dân
Hết năm nay 100% người có công là hộ nghèo phải ở nhà khang trang
Ngày đăng
08/08/2019 | 09:42
| View count: 4114
Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia và Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đang chuẩn bị hướng tới đợt cao điểm vì người nghèo năm 2019, đặt ra mục tiêu 16.500 hộ nghèo có người có công được ở trong nhà khang trang.
Sáng 7/8, tại Trụ sở Chính phủ, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia và Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn đã chủ trì cuộc họp chuẩn bị cho chương trình "Cả nước chung tay vì người nghèo" năm 2019, điểm nhấn của đợt cao điểm vì người nghèo năm nay.
Vẫn như 2 lần tổ chức trước, sau khi tái khởi động lại chương trình có ý nghĩa an sinh xã hội sâu sắc này, chương trình "Cả nước chung tay vì người nghèo" sẽ diễn ra vào ngày 17/10/2019 nhằm hướng ứng Ngày vì người nghèo Việt Nam và lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ "Cả nước chung tay vì người nghèo - Không ai bị bỏ lại phía sau".
Cả nước tiếp nhận hơn 2.200 tỷ đồng ủng hộ người nghèo
Thay mặt Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Phó Chủ tịch Hầu A Lềnh cho biết kết quả và hiệu quả huy động và sử dụng tiền ủng hộ tăng qua từng năm.
Theo đó, trong và sau chương trình trực tiếp "Cả nước chung tay vì người nghèo" năm 2018, cả nước đã nhận được 945 tỷ đồng ủng hộ qua Quỹ vì người nghèo Trung ương và các chương trình an sinh xã hội của các bộ, ngành. Trong đó, đăng ký qua Quỹ là 81,7 tỷ đồng, qua các chương trình an sinh xã hội của các bộ, ngành trên 857 tỷ đồng và 6,3 tỷ đồng bằng nhắn tin qua Cổng thông tin điện tử nhân đạo quốc gia 1400 (gấp 1,5 lần năm 2017).
Tới hết tháng 7/2019, Quỹ vì người nghèo Trung ương đã tiếp nhận trên 43,8 tỷ đồng. Còn với các chương trình an sinh xã hội, 22 đơn vị đang tích cực triển khai, hỗ trợ trực tiếp các địa phương.
Theo báo cáo của 63 tỉnh, thành phố, đã tiếp nhận 534,6 tỷ đồng qua Quỹ vì người nghèo ở 3 cấp (tỉnh, huyện xã) và 1.700 tỷ đồng an sinh xã hội trong năm 2018.
Quỹ vì người nghèo Trung ương đã phân bổ trên 15 tỷ đồng tặng quà Tết hộ nghèo, 3,48 tỷ đồng làm nhà đại đoàn kết ở 13 tỉnh, hỗ trợ học sinh khó khăn, người ốm đau 1,86 tỷ đồng. Nguồn tiền từ tin nhắn đã dành 5 tỷ đồng mua áo ấm cho người già và trẻ em miền núi và 1,3 tỷ đồng mua các phương tiện nghe, nhìn.
Còn nguồn Quỹ vì người nghèo địa phương và chương trình an sinh xã hội đã hỗ trợ xây dựng và sửa chữa hơn 18.600 căn nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo, giúp đỡ hỗ trợ hơn 105.000 hộ nghèo phát triển sản xuất, hỗ trợ 350.000 cháu có hoàn cảnh khó khăn được học tập, hỗ trợ 850 công trình cầu đường, lớp học, trạm xá...
Tốc độ giảm nghèo vượt yêu cầu của Quốc hội
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn cho rằng, chương trình đã và đang có sức lan toả sâu rộng tới mọi tầng lớp trong xã hội, có ý nghĩa nhân văn và an sinh xã hội sâu sắc, thể hiện rõ tinh thần đạo lý "lá lành đùm lá rách" của dân tộc, góp phần giúp người nghèo vươn lên thoát nghèo.
Còn Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung cung cấp số liệu mới nhất và công tác giảm nghèo, khi cả nước tới nay còn 5,23% hộ nghèo (1,3 triệu hộ), chứ không phải là 5,35% như thông báo hồi tháng 6/2019. Với tỷ lệ hiện nay, tốc độ giảm nghèo (trên 1,5%) đã vượt yêu cầu của Quốc hội giao là từ giảm từ 1,3- 1,5%.
Số hộ cận nghèo còn 1,2 triệu hộ, chiếm 4,95% tổng số hộ của cả nước. Hiện cả nước còn 3 tỉnh có tỷ lệ hộ nghèo trên 30% là Điện Biên (gần 38%), Cao Bằng và Hà Giang. Tỷ lệ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số là 55,27%. Số hộ thiếu đói giảm mạnh trong 7 tháng qua với mức giảm 31,7%.
"Kết quả trên có được ngoài việc nỗ lực của các cấp, ngành Trung ương, địa phương và của toàn xã hội, cũng như tình hình thiên tai bão lũ từ đầu năm ít hơn trước. Đây cũng là dấu hiệu cho thấy công tác giảm nghèo đã bền vững hơn", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đánh giá.
Ông Đào Ngọc Dung đề nghị sử dụng khoảng 40 tỷ đồng của Quỹ vì người nghèo Trung ương 2018 chưa được phân bổ để tập trung xây mới và sửa chữa cho khoảng 1.000 căn nhà đại đoàn kết từ tháng 10 để người nghèo đón Tết trong nhà mới.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng thông tin hiện cả nước có 900.000 người khiếm thị và 1,1 triệu người khiếm thính, trong số này có khoảng 400.000 người thuộc diện "nghèo kinh niên".
Tại cuộc họp, lãnh đạo các bộ, ngành cũng đóng góp nhiều ý kiến nhằm hướng tới tổ chức chương trình "Ngày vì người nghèo 2019" thành có sức lan toả và thành công hơn năm 2018.
Nhân lên tinh thần "tương thân, tương ái"
Kết luận buổi làm việc, thay mặt Chính phủ và Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ bày tỏ cảm ơn tới các tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước đã tích cực tham gia chương trình bằng tình cảm chân thành và trách nhiệm đối với những hoàn cảnh còn khó khăn, góp phần thực hiện phong trào thi đua "Cả nước chung tay vì người nghèo - Không ai bị bỏ lại phía sau" do Thủ tướng Chính phủ phát động.
Phó Thủ tướng đánh giá chương trình và các hoạt động thiện nguyện đã góp phần khơi dậy và lan toả được truyền thống tương thân tương ái của dân tộc, không chỉ trong tháng cao điểm vì người nghèo, mà cả trong cuộc sống, lao động, làm việc hàng ngày của các tổ chức, cá nhân.
Phó Thủ tướng đề nghị Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phối hợp với Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia tiếp tục đôn đốc việc tiếp nhận và sử dụng hiệu quả Quỹ vì người nghèo Trung ương.
Về phương hướng sử dụng nguồn hỗ trợ người nghèo của năm 2019, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị tập trung xây nhà ở cho người nghèo, đặc biệt là hộ gia đình có người có công và xử lý dứt điểm, không để người có công còn phải ở nhà đơn sơ, nhà tạm trong năm 2019 (hiện cả nước còn 16.500 hộ nghèo thuộc đối tượng người có công). Ngoài ra, nguồn lực ủng hộ sẽ tập trung chăm lo Tết cho người nghèo sung túc hơn và bố trí dành học bổng kịp thời cho các học sinh, sinh viên nghèo đang học ở các trường nghề, cao đẳng, đại học trong tháng 9/2019.
Phó Thủ tướng giao Bộ LĐTB&XH báo cáo việc đề xuất hỗ trợ công nghệ cho người khiếm thị, bảo đảm tính khả thi để triển khai trong thực tiễn.
Thay vì khởi động nhắn tin ủng hộ người nghèo tới Cổng thông tin nhân đạo quốc gia 1400 từ 1/10 như mọi năm, Phó Thủ tướng đồng ý với các bộ, ngành triển khai sớm hơn từ ngày 19/8/2019, kéo dài trong 3 tháng để thu nhận nhiều hơn ủng hộ của toàn xã hội. Giao lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương chủ động, cùng toàn thể cán bộ, công nhân viên tích cực ủng hộ chương trình.
Bộ TT&TT phối hợp với các nhà mạng viễn thông đổi mới công nghệ, phương pháp thực hiện để vừa huy động đóng góp mọi tầng lớp nhân dân, nhất là người có điều kiện, người có ảnh hưởng trong xã hội đóng góp thuận lợi ở mức cao hơn qua tin nhắn, huy động nhiều hơn tiền ủng hộ của xã hội qua Cổng 1400.
Để sức lan toả của chương trình sâu rộng hơn trong toàn xã hội, Trưởng ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia đề nghị các cơ quan báo chí tích cực tham gia bằng nhiều hình thức truyền thông khác nhau, tôn vinh những tổ chức, cá nhân đóng góp của chương trình và khai thác sâu rộng các gương điển hình trong thoát nghèo để nhân rộng ý chí và cách làm hay.
Phó Thủ tướng giao Đài Truyền hình Việt Nam - đơn vị chủ trì triển khai chương trình "Cả nước chung tay vì người nghèo" năm 2019 và Đài Tiếng nói Việt Nam tiếp tục đổi mới phương thức thực hiện để lan toả tính nhân văn, tăng sự hấp dẫn đối với nhân dân ở trong và ngoài nước.
Theo chinhphu.vn
Thông tin từ các Sở, Ban, ngành
- Sở Nội vụ
- Sở Ngoại vụ
- Sở Tài Chính
- Sở Y tế
- Sở Tư pháp
- Sở Công thương
- Sở Xây dựng
- Sở Kế hoạch và Đầu tư
- Sở Giáo dục và Đào tạo
- Sở Tài nguyên & Môi trường
- Sở Giao thông Vận tải
- Sở Khoa học & Công nghệ
- Sở Thông tin & Truyền thông
- Sở Văn hóa, Thể thao & Du lịch
- Sở Lao động, Thương binh & Xã hội
- Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn
- Thanh tra tỉnh
- Ban dân tộc