Hội thảo là dịp để những nhà khoa học, những người đang công tác trong lĩnh vực lý luận tư tưởng, những cán bộ đang tham gia xây dựng chính sách, chỉ đạo, triển khai và tổ chức thực hiện công tác thương binh, liệt sĩ và người có công, cùng nhau trao đổi những kết quả nghiên cứu về quan điểm, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với công tác đền ơn đáp nghĩa và vận dụng tư tưởng của Người vào quá trình thực hiện chính sách đối với thương binh, liệt sĩ, người có công trong giai đoạn hiện nay.
Tại hội thảo, các đại biểu đã nghe 5 tham luận gồm: Chủ tịch Hồ Chí Minh với công tác thương binh liệt sĩ - Một tấm lòng trân trọng, một trách nhiệm cao cả của TS. Ngô Vương Anh, Ban lý luận tuyên truyền - Báo Nhân dân; Những tư tưởng cơ bản của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác thương binh liệt sĩ của Thạc sĩ Nguyễn Văn Quang, Giảng viên khoa Giáo dục chính trị - trường Đại học Sư phạm Huế; Một số tư liệu về công tác chăm sóc binh sĩ bị nạn, gia đình chiến sĩ trận vong từ sau Cách mạng tháng Tám 1945 đến trước ngày Toàn quốc kháng chiến ở Thừa Thiên Huế của nhà báo Dương Phước Thu - Phó chủ tịch Thường trực Hội nhà báo tỉnh Thừa Thiên Huế; Tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác đền ơn đáp nghĩa và thực tiễn trên địa bàn tỉnh thành phố Huế của Trưởng phòng LĐTB và XH thành phố Huế Dương Xuân Mân; Một số kiến nghị nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về ưu đãi người có công với nước hiện nay của Thạc sĩ Cao Thị Hoài Thu, Giảng viên khoa Giáo dục chính trị - trường Đại học Sư phạm Huế.
Thảo luận tại hội thảo, các đại biểu đều đánh giá cao vai trò, tư tưởng và tình cảm của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với các Anh hùng liệt sĩ, thương binh và người có công với cách mạng; đặc biệt tư tưởng của Người về công tác "Đền ơn đáp nghĩa" là sự kế thừa, đúc kết đạo lý "Uống nước nhớ nguồn", một truyền thống tốt đẹp ngàn đời của dân tộc Việt Nam. Không chỉ kiến tạo nền tảng tư tưởng, trong suốt 24 năm trên cương vị người đứng đầu Nhà nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cùng Chính phủ thể chế hóa tư tưởng về công tác "Đền ơn đáp nghĩa" thành những văn bản pháp quy của Nhà nước đối với thương binh, liệt sĩ, người có công; đặc biệt tình cảm yêu thương chân thành, sự cảm thông, chia sẻ với những mất mát đau thương của Chủ tịch Hồ Chí Minh dành cho thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng mãi mãi là tấm gương sáng mẫu mực cho các thế hệ con người Việt Nam noi theo cũng như nhắc nhở chúng ta phải giữ gìn và phát huy truyền thống "Uống nước nhớ nguồn". Một điều khẳng định rằng, đến hôm nay, những tư tưởng và chính sách mà Người vạch ra vẫn giữ nguyên giá trị, đang được Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta tiếp tục vận dụng, kế thừa nhằm thực hiện tốt hơn nữa công tác thương binh, liệt sĩ và người có công.
Ông Phan Tiến Dũng, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, Hội thảo hôm nay là dịp để chúng ta nhìn nhận lại những kết quả đã đạt được, xác định rõ trách nhiệm và hành động thiết thực của các cấp, các ngành trong thực hiện công tác đền ơn đáp nghĩa. Đây cũng là dịp để mọi người cùng thảo luận và nhân rộng các cách làm hay, hiệu quả, để công tác này ngày càng đi vào chiều sâu; khẳng định sự nhân văn của tư tưởng Hồ Chí Minh và tình cảm thiêng liêng của Người dành cho thương bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng. Qua đó, nâng cao trách nhiệm của toàn xã hội về công tác thương binh, liệt sĩ cũng như chăm lo tốt hơn đời sống vật chất và tinh thần cho các thương bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công theo tư tưởng của Người và đạo lý tốt đẹp của dân tộc Việt Nam./.
Theo dangcongsan.vn