Tình hình công khai lịch tiếp công dân

Lan tỏa nghĩa tình Đắk Nông đến với Trường Sa
Ngày đăng 04/07/2019 | 07:53  | View count: 6960

Vừa qua, 2 thí sinh đạt giải nhất Cuộc thi tìm hiểu biển đảo Việt Nam 2018 (do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Đắk Nông phối hợp với Quân cảng Sài Gòn tổ chức) là Nguyễn Trường Giang (nông dân, xã Đắk Sắk, huyện Đắk Mil) và Trần Thị Ngọc Huế (học sinh lớp 10A3, Trường THPT Đắk Song) đã được thăm quần đảo Trường Sa và thềm lục địa phía Nam cùng với Đoàn “Hành trình vì biển đảo quê hương 2019”, do Trung ương Đoàn tổ chức, cùng những món quà từ vùng đất Đắk Nông đã đem đến những cảm xúc dạt dào.

 

Chuẩn đô đốc Ngô Văn Thuân, Phó Chủ nhiệm Chính trị Quân chủng Hải quân trao huy hiệu "Chiến sĩ  Trường Sa" cho em Trần Thị Ngọc Huế. Ảnh: Lương Trường

Gửi gắm đến Trường Sa

Trước chuyến đi, Ban Tổ chức Cuộc thi (BTC) đã nhận được lời đề nghị từ một số doanh nghiệp, tập thể, cá nhân mong muốn được gửi gắm tình cảm của mình đến cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân đang công tác, sinh sống ở quần đảo Trường Sa và thềm lục địa phía Nam. Được sự đồng ý của Quân chủng Hải quân, BTC đã đồng ý tiếp nhận những món quà "ngoài kế hoạch" này. Chỉ trong vòng chưa đầy 1 tuần, BTC đã nhận được 90 kg cà phê; 50 kg tiêu; hơn 650 kg trái cây; đồ dùng học tập cho học sinh, đồ dùng cá nhân cho chiến sĩ (trị giá ước tính khoảng 20 triệu đồng); đồ dùng thờ tự cho các chùa nơi đảo xa.

Có thể nói, giá trị những món quà là không lớn, nhưng tình cảm gửi gắm thì thực sự lớn lao. Giáo viên và phụ huỵnh Trường mầm non Vàng Anh, huyện Krông Nô đã trực tiếp cùng nhau đến tận vườn lựa chọn những sản phẩm ngon nhất để có được hơn 200 kg xoài, 200 kg chanh dây cùng hàng chục kg hồ tiêu, cà phê rang xay trực tiếp. Huyện ủy Đắk Song gửi tặng 200 kg chanh dây. Chùa Pháp Hoa gửi 3 thùng quà cho 3 ngôi chùa ở các đảo Song Tử Tây, Sơn Ca, Trường Sa trong hành trình Đoàn ghé đến. Giáo viên, học sinh trường THPT Đắk Song góp gửi hơn 11 triệu đồng. Các bạn trẻ ở Công Ty TNHH MTV Cà Phê Bazan Đắk Nông, ngoài phần quà của mình, còn giảm một nửa giá cho số cà phê BTC mua làm quà tặng. Có cả những cá nhân gọi về đề nghị xin gửi mươi kg đậu xanh, hay vài chục kg khoai lang, hoặc chỉ là 1 kg ca cao bột do nhà mình tự làm, vài trăm ngàn đồng gửi về nhờ chuyển thành quà tặng, v.v…

Tất cả những món quà nghĩa tình ấy, đều được BTC tiếp nhận, đóng gói thành 54 thùng quà chia cho từng điểm đảo mà Đoàn dự kiến ghé thăm. Và đó là những món quà rất thiết thực. Đến 10 đảo, điểm đảo (Song Tử Tây, Đá Nam, Đá Thị, Sơn Ca, Sinh Tồn Đông, Len Đao, Đá Đông A, Đá Tây C, Sơn Ca, Trường Sa Đông, Trường Sa) và Nhà giàn DK1/16, ở nơi đâu các món quà nghĩa tình của Đắk Nông cũng được đón nhận với tình cảm dạt dào nhất. Chiến sĩ trẻ Phạm Minh Khôi, ở đảo chìm Đá Đông A, khi nghe tiết lộ về món quà của Đắk Nông đã ngạc nhiên đầy hứng khởi "Tuyệt vời, nóng nắng giữa đảo chìm mà có ly chanh dây tươi thì không từ nào tả nổi".

Chuyển quà lên Tàu

Hành trình lan tỏa hình ảnh, tình cảm Đắk Nông

Đoàn Đắk Nông là đoàn hết sức đặc biệt của hành trình. Trần Thị Ngọc Huế là thành viên nhỏ tuổi, "nhỏ con" nhất và cũng là học sinh THPT duy nhất; Nguyễn Trường Giang là "nông dân" chính hiệu. Có những ngại ngần trong những ngày đầu, nhưng rồi dần qua, hai người bạn, thành viên này đã trở thành những nhân tố hoạt động tích cực của toàn Đoàn.

Lên đảo, việc đầu tiên của 2 bạn trẻ là gửi gắm tình cảm của Đắk Nông, chia nhau tặng những món quà nhỏ cho từng chiến sĩ (là những đồ dùng sinh hoạt cá nhân như: bấm móng tay, dao cạo râu, thẻ cào điện thoại, v.v…) và tham gia vào các hoạt động giao lưu. Trở về tàu, 2 bạn đã góp phần lan tỏa hình ảnh Đắk Nông đến mọi miền đất nước.

Trong cuộc thi "Cặp đôi hoàn hảo", cạnh tranh với 7 đội, mà thành viên là những cây hoạt động phong trào nổi trội ở các trường đại học, các địa phương, nhưng 2 bạn đã tự tin thể hiện và đã đoạt giải nhì. Trong đêm văn nghệ giao lưu giữa các đoàn, tiết mục của Nguyễn Trường Giang (là bài thi hùng biện tại vòng chung kết của Cuộc thi tìm hiểu biển đảo) đã tạo ra nhiều cảm xúc cho tất cả các thành viên hành trình, đến độ ông Lê Hải Bình, nguyên người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam, không giấu được những giọt nước mắt xúc động, ôm chầm lấy bạn trẻ khi phần trình diễn của Giang vừa kết thúc.

Hai bạn trẻ Đắk Nông tham gia một hoạt động văn hóa trong hải trình – phần thi ứng xử của "Cặp đôi hoàn hảo"

Bài thuyết trình của Giang, sau đó, được chỉ huy hành trình Chuẩn đô đốc Ngô Văn Thuân, Phó Chủ nhiệm Chính trị Quân chủng Hải quân chỉ đạo phát trực tiếp trên hệ thống truyền thanh của tàu và in vào kỷ yếu của hành trình. Trần Thị Ngọc Huế, cô học sinh tưởng chừng không được đi (vì Cục Chính trị, Quân chủng Hải quân lo ngại với vóc dáng bé nhỏ sẽ không chịu nổi sóng gió biển khơi), nhưng lại tham gia rất năng nổ vào mọi hoạt động của Đoàn, từ giúp các chú bộ đội nấu ăn, dọn rửa trên tàu đến biểu diễn văn nghệ cùng các chiến sĩ trẻ khi lên đảo. Trần Thị Ngọc Huế được bình chọn là 1 trong những thành viên tiêu biểu của Hành trình tuổi trẻ vì biển đảo quê hương 2019.

Đại diện BTC trao những bài thi xuất sắc của Cuộc thi tìm hiểu biển đảo Việt Nam cho Đảo Trường Sa. 

Từ những món quà thân thương, đến sự thể hiện của 2 bạn trẻ, địa danh Đắk Nông đã lan tỏa đến gần 200 đại biểu, đến từ mọi miền Tổ quốc, tham gia hải trình. Thực sự tự hào và vững niềm tin. Không có biển, nhưng với tinh thần "tất cả vì Trường Sa thân yêu, vì chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc", Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh Đắk Nông luôn một lòng hướng về biển, đảo. Đó không chỉ là tình cảm đơn thuần mà là trách nhiệm, nghĩa vụ của mỗi công dân đối với việc bảo vệ toàn vẹn chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.

Theo Báo Đắk Nông điện tử