Tình hình công khai lịch tiếp công dân
Sau 3 năm thực hiện Nghị quyết 03/NQ-HU của Huyện ủy Đắk Song (Đắk Nông) về phát triển hồ tiêu bền vững, huyện Đắk Song đã từng bước hình thành vùng sản xuất hồ tiêu hữu cơ, kết nối thị trường tiêu thụ, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân trên địa bàn.
Người dân Đắk Song ngày càng chú trọng sản xuất hồ tiêu theo hướng hữu cơ bền vững |
Hình thành vùng sản xuất tiêu hữu cơ
Qua thống kê, hiện nay, trên địa bàn huyện có khoảng 15.216 ha hồ tiêu; trong đó, diện tích trồng mới 724 ha, diện tích kinh doanh 8.616 ha, kiến thiết cơ bản 5.876 ha.
Thời gian qua, cấp ủy, chính quyền, các ngành liên quan đã tập trung xây dựng kế hoạch, hướng dẫn, quán triệt, nội dung mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của Nghị quyết 03 đến cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và người dân. Ngành chức năng đã triển khai xây dựng 18 mô hình điểm sử dụng chế phẩm sinh học phát triển hồ tiêu theo hướng bền vững; 8 điểm mô hình tưới nhỏ giọt. 28 nông dân của 2 xã Nam N'Jang và Thuận Hạnh được đưa đi học tập kinh nghiệm về sản xuất hồ tiêu sạch theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp tại tỉnh Bình Phước và Đồng Nai.
Huyện đã phối hợp Trung tâm xúc tiến đầu tư tỉnh Đắk Nông mời các đơn vị cung ứng vật tư đầu vào và thu mua sản phẩm tổ chức hội nghị về liên kết phát triển chuỗi giá trị hồ tiêu trên địa bàn huyện, thu hút 240 nông dân tham gia. Ngành chức năng của huyện phối hợp Sở Nông nghiệp-PTNT còn tổ chức hội thảo chuyên đề giải pháp canh tác hồ tiêu bền vững với 280 nông dân tham dự. Các cơ quan chuyên môn phối hợp với doanh nghệp tổ chức 60 lớp tập huấn quy trình sản xuất tiêu bền vững cho 2.400 nông dân trên địa bàn.
Trong giai đoạn 2016-2019, huyện đã hỗ trợ thành lập được 9 hợp tác xã (HTX) sản xuất và cung ứng vật tư sản xuất hồ tiêu theo hướng bền vững cũng như hỗ trợ HTX hồ tiêu Thành Tâm và HTX Thuận Phát xây dựng chứng nhận VietGAP với diện tích 138 ha tiêu. Hiện nay, người dân ngày càng chú trọng đến việc sử dụng các biện pháp sinh học để chăm sóc, phát triển hồ tiêu một cách bền vững. Tổng diện tích hồ tiêu sử dụng các biện pháp sinh học trên địa bàn huyện đạt khoảng 3.700 ha.
Bên cạnh đó, trong các năm qua, huyện đã bố trí trên 920 triệu đồng để xây dựng và nhân rộng các mô hình. Người dân đã đầu tư mua sắm 30 lò sấy thường, 2 lò sấy hồng ngoại để nâng cao chất lượng sản phẩm tiêu. Một số chủ trang trại, HTX còn tổ chức chế biến tiêu đỏ, tiêu sọ, tạo sự đa dạng về sản phẩm, góp phần nâng cao giá trị, tăng thu nhập.
HTX Thuận Phát (xã Thuận Hà) sản xuất tiêu 5 màu nâng cao giá trị sản phẩm trên thị trường |
Kết nối thị trường, bao tiêu sản phẩm
Việc liên kết phát triển chuỗi giá trị hồ tiêu bền vững, kết nối thị trường, bao tiêu sản phẩm luôn được ngành chức năng, doanh nghiệp, chủ trang trại chú trọng. Điển hình, niên vụ 2016-2017, HTX Thuận Phát, xã Thuận Hà đã ký hợp đồng bán cho Công ty gia vị Hương Sơn Hà 20 tấn hồ tiêu với giá 110.000 đồng/kg, trong khi giá thị trường cùng thời điểm là 58.000 đồng/kg. Niên vụ 2017-2018, Công ty gia vị Hương Sơn Hà tiếp tục thu mua 151 tấn hồ tiêu đạt tiêu chuẩn an toàn sinh học của các thành viên HTX với giá 90.000 đồng/kg, trong khi giá thị trường 45.000 đồng/kg. Năm 2019, công ty và HTX đang tiếp tục ký kết bao tiêu sản phẩm.
Năm 2017, Công ty cổ phần xuất nhập khẩu Trân Châu đã liên kết với 245 hộ dân ở các xã Thuận Hà, Thuận Hạnh, Nam Bình thu mua sản phẩm tiêu của 604 ha, với sản lượng đạt 1.973 tấn. Đây là số hộ dân và số diện tích tiêu đạt các tiêu chuẩn do công ty đặt ra. Bên cạnh đó, công ty cũng thu mua tất cả sản phẩm tiêu đen của nông dân đã tham gia chương trình theo giá thị trường tại thời điểm. Sản phẩm tiêu đen đạt chuẩn theo quy định được công ty thưởng thêm 2% trên giá thu mua trong 2 năm đầu triển khai dự án.
Năm 2019, Công ty Cổ phần Haprosimex đang triển khai chương trình liên kết nhóm nông hộ tại xã Nâm N'Jang phát triển sản xuất tiêu theo hướng bền vững, an toàn, với việc hướng dẫn kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm. Quy mô chương trình khoảng 250-300 ha, sản lượng từ 700-1000 tấn tiêu đen/năm, với 250 hộ tham gia và đạt tiêu chuẩn Rainforest Alliane.
Theo ông Lê Hoàng Vinh, Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đắk Song, huyện đang tiếp tục kết nối với các công ty, đơn vị thu mua để họ trực tiếp làm việc với người dân về quy trình sản xuất, kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm với giá cả có lợi nhất. Trong thời gian tới, cùng với đẩy mạnh hoạt động khuyến nông, áp dụng các mô hình hiệu quả vào sản xuất, huyện tiếp tục xây dựng các mô hình trình diễn, tập huấn, hội thảo chuyển giao kỹ thuật trồng tiêu tiên tiến cho nông dân. Trong đó, công tác theo dõi, giám sát, dự báo chính xác tình hình sâu bệnh trên cây hồ tiêu sẽ theo hướng bài bản, hiệu quả hơn để có biện pháp xử lý kịp thời. Đặc biệt, trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng như hiện nay, huyện động viên, khuyến khích nông dân trồng hồ tiêu tham gia, phát triển sản xuất theo mô hình tổ hợp tác, HTX để chia sẻ kinh nghiệm, khó khăn, vững vàng vươn ra biển lớn.
Theo Báo ĐắkNông điện tử
Thông tin từ các Sở, Ban, ngành
- Sở Nội vụ
- Sở Ngoại vụ
- Sở Tài Chính
- Sở Y tế
- Sở Tư pháp
- Sở Công thương
- Sở Xây dựng
- Sở Kế hoạch và Đầu tư
- Sở Giáo dục và Đào tạo
- Sở Tài nguyên & Môi trường
- Sở Giao thông Vận tải
- Sở Khoa học & Công nghệ
- Sở Thông tin & Truyền thông
- Sở Văn hóa, Thể thao & Du lịch
- Sở Lao động, Thương binh & Xã hội
- Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn
- Thanh tra tỉnh
- Ban dân tộc