Tình hình công khai lịch tiếp công dân
Chuyến thăm chính thức Việt Nam lần này của Thủ tướng Italy Giuseppe Conte nhằm thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Italy trên các lĩnh vực; thúc đẩy phối hợp và ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn đa phương, trao đổi các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm.
Nhận lời mời của Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Cộng hòa Italy Giuseppe Conte sẽ thăm chính thức Việt Nam từ ngày 5-6/6/2019.
Cộng hòa Italy (Italian Republic), nằm ở phía Nam châu Âu, ba mặt giáp biển Địa Trung Hải, phần biên giới phía Bắc là đất liền giáp với Áo, Pháp, Thụy Sĩ, Slovenia. Ngoài ra, trong lòng Italy tồn tại hai quốc gia nhỏ là Vatican (nằm trong thủ đô Roma) và San Marino (miền Trung Italy).
Italy hiện là nền kinh tế đứng thứ 9 trên thế giới. Nền kinh tế Italy đa dạng với nhiều ngành công nghiệp, tuy nhiên ngành công nghiệp Italy phải nhập đến 75% nguyên liệu từ nước ngoài. Italy có mô hình phát triển kinh tế khá gần gũi với Việt Nam, với hệ thống các doanh nghiệp vừa và nhỏ rất năng động và hiệu quả, đóng góp tới gần 2/3 GDP.
Từ giữa năm 2011 đến nay, Italy chịu tác động nặng nề của cuộc khủng hoảng nợ công. Đầu tháng 11/2011, EU phải can thiệp để Ngân hàng Trung ương châu Âu đẩy mạnh mua trái phiếu Italy trên thị trường nhằm tránh cho Italy là "nạn nhân" tiếp theo của khủng hoảng nợ công sau Hy Lạp.
Hiện nay, dù đang trên đà phục hồi, kinh tế Italy vẫn tăng trưởng chậm mức 0,9% năm 2018 và 0,1% năm 2019, nợ công ở mức cao 132%, cao thứ hai sau Hy Lạp và tỷ lệ thất nghiệp là 11,4%, tuy nhiên lên tới 36% trong giới trẻ từ 18-24 tuổi.
Chính sách thương mại của Italy hiện nay gắn với chính sách kinh tế chung của EU. Italy quan hệ buôn bán chủ yếu với các nước EU, Mỹ và các nước khu vực Địa Trung Hải (Libia, Tuy-ni-di...). Hiện nay, Italy đang đẩy mạnh ngoại thương với các nền kinh tế châu Á như Ấn Độ, Trung Quốc, Indonesia.. và các nước ASEAN, trong đó ưu tiên thúc đẩy thương mại với Việt Nam.
Đầu tư của Italy ra nước ngoài còn khiêm tốn so với các nước EU khác như Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Anh, tuy nhiên tăng mạnh từ năm 2000. Tổng giá trị đầu tư của Italy tại nước ngoài tính đến hết 2017 khoảng 608 tỷ USD (năm 2000 là 180 tỷ USD) và tổng đầu tư nước ngoài tại Italy năm 2017 đạt khoảng 495 tỷ USD, tập trung phần lớn tại miền Bắc Italy, nơi có ngành công nghiệp rất phát triển.
Kể từ ngày thiết lập quan hệ ngoại giao và sau hơn 5 năm thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược, quan hệ Việt Nam-Italy tiếp tục trên đà phát triển tích cực, ngày càng sâu rộng trên tất cả các lĩnh vực, từ chính trị, kinh tế, văn hóa giáo dục và hợp tác địa phương.
Việt Nam và Italy chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 23/3/1973. Quan hệ chính trị giữa hai nước từ đầu những năm 90 được củng cố và phát triển. Italy là nước Tây Âu đầu tiên tích cực ủng hộ việc tăng cường hợp tác giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu, trên các diễn đàn quốc tế lớn cũng như việc bình thường hoá quan hệ giữa Việt Nam và các tổ chức tài chính, thương mại, tiền tệ quốc tế đầu những năm 90. Trong các cuộc tiếp xúc, Lãnh đạo cấp cao Italy khẳng định quyết tâm thúc đẩy quan hệ hợp tác nhiều mặt với Việt Nam, coi Việt Nam là nước ưu tiên phát triển quan hệ ở khu vực Đông Nam Á.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chứng kiến Lễ ký Tuyên bố chung thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam-Italy trong chuyến thăm cấp Nhà nước tới Italy từ ngày 20-22/1/2013.
Ngày 21/01/2013, Việt Nam và Italy đã ký Tuyên bố chung về thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược nhân chuyến thăm Italy cấp Nhà nước của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Hai bên đã xây dựng được nhiều cơ chế phối hợp như Đối thoại chiến lược cấp Thứ trưởng Ngoại giao, Đối thoại chính sách quốc phòng cấp Thứ trưởng Quốc phòng, Ủy ban hỗn hợp về hợp tác kinh tế. Hai bên duy trì thường xuyên các chuyến thăm cấp cao, Hai bên phối hợp chặt chẽ trên các diễn đàn quốc tế và đa phương như Liên hợp quốc, ASEM, ASEAN – EU, IPU...
Italy là một trong những nước Tây Âu đầu tiên nối lại và phát triển các quan hệ hợp tác với Việt Nam sau thời kỳ ngưng đọng (những năm 1979 - 1989). Kim ngạch thương mại hai chiều tăng đều trong những năm qua, năm 2016 đạt 4,7 tỷ USD; năm 2017 đạt 4,4 tỷ USD. Năm 2018, tổng kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam - Italy đạt 4,67 tỷ USD. 3 tháng đầu năm 2019 xuất khẩu của Việt nam vào Italy đạt 918 triệu USD, nhập khẩu của đạt 472 triệu USD. Hiện Italy đang là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Việt Nam trong khối EU và Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Italy trong khối ASEAN.
Tính đến hết năm 2017, Italy đứng thứ 32/128 quốc gia và lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam với 86 dự án đầu tư với tổng số vốn là 388 triệu USD chủ yếu trong các ngành: công nghiệp chế biến, chế tạo, giày da, xây dựng, thiết bị vệ sinh, bình nóng lạnh, chế biến thép. Chính phủ Italy đưa Việt Nam vào danh sách 10 thị trường mới nổi ưu tiên phát triển quan hệ thương mại và đầu tư. Hai bên đã thành lập Ủy ban hỗn hợp về hợp tác kinh tế và đã họp phiên đầu tiên tại Hà Nội vào tháng 10/2014, lần thứ hai vào tháng 10/2015, lần 3 vào tháng 11/2016, lần 4 vào tháng 11/2017 và lần 5 sẽ tổ chức vào tháng 12/2018 tại Roma, Italy.
Về hợp tác phát triển, Italy bắt đầu cung cấp ODA cho Việt Nam vào những năm 1980 trong các lĩnh vực hợp tác ưu tiên giữa Italy và Việt Nam gồm: cấp thoát nước, bảo vệ môi trường, phát triển nguồn nhân lực, y tế, hỗ trợ thể chế... Uỷ ban Hỗn hợp về Hợp tác Phát triển Việt Nam – Italy khởi động lại họp tại Roma tháng 12/2009 đã thông qua một số dự án trong các lĩnh vực ưu tiên (y tế, bảo vệ môi trường và hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ).
Tháng 3/2014, Italy thông báo dừng cam kết viện trợ phát triển cho Việt Nam cho từng giai đoạn như trước đây và chuyển sang chương trình hỗ trợ theo dự án, tùy thời điểm và điều kiện tài chính, cho các lĩnh vực: đào tạo nghề và phát triển nguồn nhân lực, bảo vệ môi trường và quản lý nguồn nước, hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, y tế. Hiện nay, Chính phủ Italy đang hỗ trợ Việt Nam trong 11 dự án đang triển khai và 6 dự án khác trong giai đoạn chuẩn bị, với tổng số vốn cam kết hơn 100 triệu Euro. Các lĩnh vực chủ yếu mà Italy hỗ trợ Việt Nam bao gồm: quản lý nguồn nước, phát triển nguồn nhân lực, bảo vệ môi trường, hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, y tế. Một số dự án đã được Italy cam kết tài trợ gồm: Dự án nâng cao năng lực sản xuất và cạnh tranh của doanh nghiệp của doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh Đồng Nai và Bình Dương, dự án "Hỗ trợ tạo việc làm và hòa nhập xã hội tại các trường dạy nghề Việt Nam"...
Hợp tác địa phương, Bộ Ngoại giao đã chủ trì và phối hợp tổ chức các buổi tọa đàm, hội nghị kết nối các địa phương Việt Nam với cơ quan đại diện của Italy và Hiệp hội doanh nghiệp Italy. Tăng cường quan hệ cấp địa phương Việt Nam và Italy thông qua việc hỗ trợ tổ chức các chuyến thăm và làm việc của Đại sứ, Tổng Lãnh sự Italy với lãnh đạo các địa phương Việt Nam (các tỉnh Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Ninh Thuận và Bắc Ninh) và Đoàn chuyên gia Vùng Tút-xca-ni về nho và rượu vang đến tìm hiểu hỗ trợ phát triển ngành trồng nho của tỉnh Ninh Thuận (8/2017).
Một số thỏa thuận giữa các địa phương nước đã được ký kết như giữa Thành phố Hà Nội – vùng La-di-ô/ Thành phố Rô-ma; Thành phố Hồ Chí Minh – Tu-rin, Thành phố Hải Phòng – vùng Li-gu-ri-a/ Thành phố Giê-nô-va; tỉnh Vĩnh Phúc – Vùng Tốt-xca-na; tỉnh Bình Dương – vùng Ê-mi-li-a Rô-ma-nha; Tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu - Vùng Veneto. Ngoài ra, tỉnh Quảng Ngãi, Phú Yên, Yên Bái, Phú Thọ thành phố Cần Thơ cũng đang xúc tiến ký thỏa thuận hợp tác với các địa phương của Italy.
Về hợp tác trong lĩnh vực an ninh - quốc phòng, thông qua cơ chế Đối thoại chính sách quốc phòng cấp Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, lãnh đạo Italy bày tỏ mong muốn thúc đẩy hợp tác quốc phong với Việt Nam, khẳng định sẵn sàng hợp tác nghiên cứu chế tạo, chuyển giao công nghệ sản xuất tàu quân sự và dân sự, hợp tác đào tạo và chia sẻ kinh nghiệm tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc; mong muốn mở rộng hợp tác trong lĩnh vực tương trợ tư pháp thông qua việc ký kết các hiệp định dẫn độ tội phạm, chuyển giao người bị kết án… Hiện hai nước đang đàm phán ký kết một số hiệp định như: Hiệp định dẫn độ, Hiệp định chuyển giao người bị kết án phạt tù, Hiệp định tương trợ tư pháp hình sự giữa Việt Nam và Italy…
Về văn hóa, giáo dục và khoa học – công nghệ, Hai bên thường xuyên tổ chức các tuần lễ/tháng văn hoá tại Italy và Việt Nam. Hai nước đã tổ chức thành công sự kiện Năm Việt Nam tại Italy và Năm Italy tại Việt Nam 2013 nhân dịp kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1973-2013). Việt Nam đã tham dự tích cực tại Triển lãm Toàn cầu Expo 2015 được tổ chức tại Milan (01/5-31/10/2015), có Nhà triển lãm được đánh giá là một trong những nhà trưng bày đẹp nhất tại Expo. Từ năm 2003 đến 2013, Chính phủ Italy phối hợp với UNESCO giúp đỡ Việt Nam trùng tu khu di tích Mỹ Sơn với tổng kinh phí 1,5 triệu USD. Tháng 10/2018, hai bên đã ký Chương trình hợp tác văn hóa 2018 – 2021 và hiện đang chuẩn bị ký kết Chương trình hợp tác giáo dục giai đoạn 2018 – 2021, Hiệp định công nhận văn bằng tương đương Việt Nam – Italy.
Số lượng sinh viên tại Italy tăng nhanh trong một vài năm gần đây, khoảng 1000 sinh viên và nghiên cứu sinh đang học tập tại Italy, tập trung chủ yếu tại khu vực miền Bắc Italy (Milan 447 người, Trento 213 người, Turin 161 người…). Việt Nam và Italy đã ký kết và hợp tác 72 dự án giáo dục, đào tạo. Hàng năm, Bộ Ngoại giao Italy dành cho Việt Nam một số học bổng cho các khoá học tiếng Italy và cao học, mở các khoá học tiếng Italy tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh. Hai bên triển khai tích cực Chương trình hợp tác về khoa học – công nghệ theo giai đoạn. Thông qua 5 chương trình từ 1998 đến nay, 80 dự án hợp tác nghiên cứu chung đã được ký kết, triển khai trong các lĩnh vực: bảo tồn, phục chế di tích cổ, công nghệ sinh học và nông nghiệp, nghiên cứu cơ bản và công nghệ thông tin. Chương trình giai đoạn 2017-2019 được ký kết vào tháng 11/2016.
Trong bối cảnh mối quan hệ chính trị tốt đẹp cùng chính sách thu hút du lịch của Việt Nam trong những năm qua, Việt Nam đang nổi lên là một trong những địa điểm du lịch chính tại châu Á, thu hút du khách Italy và Italy cũng luôn là một trong những điểm đến hàng đầu của du khách Việt Nam khi tham quan châu Âu. Năm 2017 đã có gần 60.000 khách Italy đến Việt Nam. Hiện có khoảng gần 5 nghìn người Việt Nam cư trú ổn định tại Italy, phần lớn tại các tỉnh phía Bắc Italy là nơi có ngành công nghiệp phát triển, có nhiều cơ hội việc làm. Tại Roma, có khoảng 200 người là tu sĩ, giáo dân làm việc cho các cơ quan giáo hội Vatican.
Chuyến thăm chính thức Việt Nam lần này của Thủ tướng Italy Giuseppe Conte nhằm thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam-Italy trên các lĩnh vực chính trị, ngoại giao, quốc phòng, an ninh, kinh tế, thương mại, đầu tư, hợp tác phát triển, ứng phó với biến đổi khí hậu và quản lý nước, nông nghiệp, năng lượng, văn hóa, giáo dục, khoa học công nghệ và du lịch; thúc đẩy phối hợp và ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn đa phương, trao đổi các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm./.
Theo dangcongsan.vn
Thông tin từ các Sở, Ban, ngành
- Sở Nội vụ
- Sở Ngoại vụ
- Sở Tài Chính
- Sở Y tế
- Sở Tư pháp
- Sở Công thương
- Sở Xây dựng
- Sở Kế hoạch và Đầu tư
- Sở Giáo dục và Đào tạo
- Sở Tài nguyên & Môi trường
- Sở Giao thông Vận tải
- Sở Khoa học & Công nghệ
- Sở Thông tin & Truyền thông
- Sở Văn hóa, Thể thao & Du lịch
- Sở Lao động, Thương binh & Xã hội
- Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn
- Thanh tra tỉnh
- Ban dân tộc