Tình hình công khai lịch tiếp công dân

Trăn trở bảo tồn văn hóa truyền thống Tây Nguyên
Ngày đăng 17/07/2017 | 09:12  | View count: 4491

Sau 1975, dưới chế độ mới xã hội chủ nghĩa, cho đến nay đời sống kinh tế, xã hội ở Đắk Nông cũng như của Tây Nguyên nói chung có bước chuyển mình mạnh mẽ theo hướng văn minh, hiện đại, trong khi đó văn hóa truyền thống lại biến đổi và mai một bản sắc rất đáng lo ngại.

Không gian văn hóa cồng chiêng đang bị mất dần. Ảnh: Y Krăk

Trước đây, thiết chế cổ truyền Tây Nguyên thông qua luật tục để điều hành xã hội nhưng ngày nay luật tục đã được thay thế bởi luật pháp nhà nước. Đó là điều tất yếu trong quá trình vận động, phát triển của lịch sử nhưng điều quan ngại là các giá trị nhân văn và yếu tố tích cực của luật tục lại dần bị lãng quên.

Hệ thống các nghi lễ, lễ hội nông nghiệp và vòng đời cực kỳ phong phú, gắn liền tín ngưỡng đa thần giáo của đồng bào Tây Nguyên, nay gần như vắng bóng, thay vào đó là một vài lễ hội tiêu biểu được các cấp, ngành tổ chức nhưng nội dung, hình thức, ý nghĩa và giá trị tinh thần đã được chuyển dịch, biến thể.

Sự mai một và mất đi của các nghi lễ và lễ hội truyền thống làm cho cồng chiêng bị mất dần. Bởi lẽ, cồng chiêng chỉ xuất hiện, trình diễn trong các nghi lễ và lễ hội. Đó là nguyên nhân chính dẫn đến vấn nạn "chảy máu" cồng chiêng, từ vật linh thiêng biến thành đồng nát.

Nghệ thuật diễn xướng và nhạc cụ cổ truyền của các dân tộc Tây Nguyên cũng như ở Đắk Nông đang có nhiều biến đổi. Những đêm hát kể sử thi, những nhạc cụ dân tộc và các hình thức hát dân ca, dân vũ vẫn đang được cố gắng duy trì thông qua các phong trào văn nghệ nhưng lại thiếu linh hồn vì tâm lý, ý thức cộng đồng và không gian diễn xướng thay đổi.

Hiện trạng nhà mồ và tượng nhà mồ truyền thống rất ấn tượng và độc đáo trước đây, nay gần như không còn nữa. Kiến trúc dân gian đặc trưng được thay thế bằng những nhà văn hóa cộng đồng bê tông hóa và lợp mái tôn, xa rời truyền thống văn hóa từ vị trí, kiến trúc, trang trí đến công năng sử dụng.

Nghề thủ công truyền thống của đồng bào chủ yếu là dệt thổ cẩm, đan lát, hiện nay đang tồn tại lay lắt, thậm chí có một số nghề đã mất hẳn. Những nỗ lực của nhà nước như hỗ trợ thành lập các hợp tác xã dệt thổ cẩm đã thất bại vì sản phẩm không có đầu ra và nghệ nhân không đủ sống với nghề này.

Một bộ phận thanh niên không hiểu biết và lãng quên văn hóa truyền thống do ông cha ngàn đời sáng tạo.

Sự biến đổi của văn hóa Tây Nguyên có tính quy luật phát triển của lịch sử – văn hóa. Trong đó, nguyên nhân cơ bản là do sự biến đổi của môi trường tự nhiên và xã hội; trách nhiệm và cách làm của các cơ quan quản lý trong việc xử lý các yếu tố ngoại lai cũng như cách thức bảo tồn văn hóa truyền thống. Sự biến đổi ấy dẫn đến nguy cơ làm biến mất bản sắc văn hóa Tây Nguyên.

Nguyên nhân thì đã rõ, giải pháp cũng được nói  đến khá nhiều nhưng còn nặng lý thuyết và hô hào, vẫn còn có những lúng túng trong triển khai thực hiện và hiệu quả thì không được như mong muốn. Vậy trong thời gian tới đây, văn hóa truyền thống cần phải được bảo tồn như thế nào?

Công tác bảo tồn ở đây cần xác định lại cách tiếp cận về vấn đề bảo tồn văn hóa Tây Nguyên là bảo đảm để phát triển bền vững xã hội, cần bảo tồn có chọn lọc, trọng tâm, trọng điểm. Bảo tồn phải gắn liền với khai thác, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống để phục vụ sự phát triển kinh tế, xã hội.

Muốn bảo tồn văn hóa Tây Nguyên, cần trả lại không gian văn hóa cho Tây Nguyên, đặc biệt là không gian văn hóa cồng chiêng. Theo đó, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể tại chính cộng đồng bằng phương pháp "bảo tồn sống" là giải pháp quan trọng và có ý nghĩa thiết thực nhất.

Việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa độc đáo và đa dạng của Tây Nguyên phải được thực hiện từ gốc. Cần hạn chế những buổi trình diễn mang tính chất "sân khấu hóa" vì nó bị biến thể và cách điệu hóa. Phải tạo các điều kiện thực tế để văn hóa dân tộc tự cất lên tiếng nói trong "không gian thực" của nó.

Các cơ quan nhà nước chỉ nên đóng vai trò định hướng, quản lý, huy động các nguồn lực phục vụ nghiên cứu và phục dựng các giá trị cổ truyền. Người dân mới là chủ thể của những giá trị văn hóa đó và chính họ mới có khả năng nuôi dưỡng và phát huy tốt nhất các giá trị văn hóa truyền thống.

Với sự nỗ lực của người dân, nhà nước giúp cho người dân sinh kế bằng chính văn hóa truyền thống của họ. Phải làm cho nó trở thành sản phẩm hàng hóa phục vụ du lịch để giúp cho đồng bào sống được. Sản phẩm dệt, mây tre, rượu cần, nhạc cụ, đồ lưu niệm… làm ra đồng tiền thì đó mới là cách bảo tồn bền vững nhất.

Những giải pháp đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, sưu tầm, xuất bản, giao lưu, biểu diễn nhằm giới thiệu các giá trị văn hóa dân tộc; đầu tư cho công tác đào tạo, các hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc… phải dựa trên chính thực tiễn của cộng đồng.

Văn hóa Tây Nguyên không thể bảo tồn bằng ý chí, mệnh lệnh chủ quan. Nó chỉ có thể được bảo tồn trên cơ sở môi trường không gian tự nhiên và xã hội của nó, cùng với những chủ trương, chính sách và sự hỗ trợ đúng đắn, hiệu quả của nhà nước, ý thức và sự nỗ lực của người dân – chủ thể sáng tạo ra nó.

Theo Đắk Nông Online