Tình hình công khai lịch tiếp công dân

Hội nghị trực tuyến triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới
Ngày đăng 10/01/2019 | 08:57  | View count: 139261

Chiều ngày 9/1, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức hội nghị trực tuyến với các tỉnh, thành phố trong cả nước triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ chủ trì hội nghị.

Dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Đắk Nông có các đồng chí: Tôn Thị Ngọc Hạnh - TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Văn Toàn - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo; lãnh đạo các Sở ngành có liên quan và lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo các huyện, thị xã.

Hội nghị trực tuyến tại điểm cầu tỉnh Đắk Nông

Chương trình giáo dục phổ thông mới được chia làm hai giai đoạn: Giai đoạn giáo dục cơ bản (từ lớp 1 đến lớp 9) và giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp (từ lớp 10 đến lớp 12). Ở giai đoạn giáo dục cơ bản, tất cả học sinh đều học nội dung giáo dục về cơ bản giống nhau. Ở giai đoạn giáo dục sau THCS, học sinh được phân luồng và lựa chọn môn học theo sở thích, năng lực và định hướng nghề nghiệp.

Thời gian thực học trong 1 năm học tương đương 35 tuần. Các cơ sở giáo dục có thể tổ chức dạy học 1 buổi/ngày hoặc 2 buổi/ngày và đều phải thực hiện nội dung giáo dục bắt buộc chung thống nhất đối với tất cả các cơ sở giáo dục trong cả nước.

Lộ trình áp dụng Chương trình giáo dục phổ thông mới bắt đầu từ năm học 2020 - 2021 sẽ bắt đầu áp dụng đối với lớp 1; từ năm học 2021 - 2022 áp dụng đối với lớp 2 và lớp 6; từ năm học 2022 – 2023 áp dụng đối với lớp 3, lớp 7 và lớp 10; từ năm học 2023 - 2024 áp dụng đối với lớp 4, lớp 8 và lớp 11; từ năm học 2024 - 2025 áp dụng đối với lớp 5, lớp 9 và lớp 12.

Kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đề nghị ngành Giáo dục các tỉnh cần tham mưu, đề xuất với UBND cùng cấp xây dựng kế hoạch thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới theo đúng lộ trình quy định tại Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT từ năm học 2020 - 2021. Ngành Giáo dục và Đào tạo các địa phương cần tăng cường bồi dưỡng chuyên môn, chú trọng nâng cao đạo đức nghề nghiệp cho giáo viên. Quan tâm đảm bảo các điều kiện cũng như chế độ, chính sách cho giáo viên, qua đó, tạo động lực cho giáo viên thực hiện tốt chương trình giáo dục phổ thông mới…

Tấn Lê