Tình hình công khai lịch tiếp công dân
Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 6 Quốc hội Khóa 14, chiều ngày 05/11, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Cảnh sát biển Việt Nam. Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông Võ Đình Tín đã tham gia góp ý kiến đối với 2 vấn đề liên quan đến dự thảo Luật nói trên.
Đại biểu Quốc hội Võ Đình Tín thảo luận tại Hội trường Kỳ họp 6 Quốc hội khóa 14 |
Về chức năng của Cảnh sát biển Việt Nam
Theo quy định tại khoản 2 Điều 3 của dự thảo luật, Cảnh sát biển Việt Nam có các chức năng như sau:
Tham mưu cho Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đề xuất với Đảng, Nhà nước về chính sách, pháp luật bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn trên biển;
Bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia trong vùng biển Việt Nam;
Quản lý về an ninh, trật tự, an toàn và bảo đảm việc chấp hành pháp luật Việt Nam, thỏa thuận quốc tế, điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
Theo đại biểu Võ Đình Tín, quy định trên cho thấy chức năng thứ nhất và thứ hai của Cảnh sát biển Việt Nam đều có quy định về phạm vi để thực hiện chức năng của Cảnh sát biển Việt Nam (trên biển hoặc trong vùng biển Việt Nam). Tuy nhiên, ở chức năng thứ ba của Cảnh sát biển Việt Nam không giới hạn phạm vi (điều này có nghĩa là Cảnh sát biển Việt Nam thực hiện chức năng này cả trên không, trên đất liền...), dẫn đến việc chồng lấn với chức năng của các cơ quan khác và không thống nhất với quy định tại Điều 11 của dự thảo Luật về phạm vi hoạt động của Cảnh sát biển Việt Nam. Do vậy, đại biểu Võ Đình Tín đề nghị chỉnh lý khoản 2 Điều 3 của Dự thảo Luật như sau:
"2. Cảnh sát biển Việt Nam có chức năng tham mưu cho Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đề xuất với Đảng, Nhà nước về chính sách, pháp luật và chiến lược bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự an toàn trên biển; bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia trong vùng biển Việt Nam; quản lý về an ninh, trật tự, an toàn và bảo đảm việc chấp hành pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên trong vùng biển Việt Nam."
Về việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển Việt Nam
Điều 36 của dự thảo Luật quy định "Cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển Việt Nam được đào tạo, bồi dưỡng tại cơ sở đào tạo của Cảnh sát biển Việt Nam…".
Đại biểu Võ Đình Tín cho rằng, quy định này chưa phù hợp với chủ trương của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội, chỉ đạo của Chính phủ và không thống nhất với quy định khác trong dự thảo Luật. Cụ thể như sau :
Thứ nhất, việc quy định như vậy là chưa phù hợp Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả ; dẫn tới cách hiểu là Cảnh sát biển Việt Nam phải có cơ sở đào tạo, bồi dưỡng riêng, thực tế hiện nay Cảnh sát biển đã có cơ sở đào tạo trong hệ thống các trường đào tạo của Bộ Quốc phòng; nếu đưa nội dung này vào dự thảo luật sẽ gây khó khăn cho Chính phủ khi tiến hành sắp xếp, tinh giản biên chế trong thời gian tới. Mặt khác, quy định như trên cũng chưa phù hợp với quy định tại khoản 1 Điều 2 của Nghị quyết số 56/2017/QH14 ngày 24/11/2017 của Quốc hội về việc tiếp tục cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đó là: "Không lồng ghép các quy định về tổ chức bộ máy, biên chế vào các luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội không thuộc lĩnh vực tổ chức bộ máy nhà nước; trường hợp cần thiết thì phải có quy trình thẩm định, thẩm tra, đánh giá tác động chặt chẽ để Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội có cơ sở xem xét, quyết định" .
Thứ hai, tại Báo cáo số 285/BC-CP ngày 20/6/2017 của Chính phủ báo cáo cho Đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách bộ máy hành chính Nhà nước giai đoạn 2011 - 2016, trong phần kiến nghị có nêu "Đề nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo các cơ quan, tổ chức, đơn vị khi xây dựng các dự án Luật, Nghị quyết, Pháp lệnh của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội không đưa các quy định về tổ chức, bộ máy và biên chế (thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ) vào trong văn bản luật, pháp lệnh không thuộc lĩnh vực tổ chức Nhà nước".
Thứ ba, việc quy định về việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển Việt Nam tại Điều 36 của Dự thảo Luật là trùng lắp và không thống nhất với quy định tại khoản 1 Điều 34 là việc đào tạo, bồi dưỡng đối với cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển Việt Nam được thực hiện theo Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam, Luật Quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng, Luật Nghĩa vụ quân sự và quy định khác của pháp luật có liên quan.
T.T
Thông tin từ các Sở, Ban, ngành
- Sở Nội vụ
- Sở Ngoại vụ
- Sở Tài Chính
- Sở Y tế
- Sở Tư pháp
- Sở Công thương
- Sở Xây dựng
- Sở Kế hoạch và Đầu tư
- Sở Giáo dục và Đào tạo
- Sở Tài nguyên & Môi trường
- Sở Giao thông Vận tải
- Sở Khoa học & Công nghệ
- Sở Thông tin & Truyền thông
- Sở Văn hóa, Thể thao & Du lịch
- Sở Lao động, Thương binh & Xã hội
- Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn
- Thanh tra tỉnh
- Ban dân tộc