Tình hình công khai lịch tiếp công dân

Việt Nam với Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF)
Ngày đăng 26/06/2018 | 14:46  | View count: 5109

Kể từ khi hoạt động, Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF) đã tài trợ 457.18 triệu USD để thực hiện 107 dự án về môi trường trong nhiều ngành, lĩnh vực và tại nhiều địa phương. Tổng số dự án từ Quỹ Tín thác GEF tài trợ là 56 dự án quốc gia với tổng kinh phí là 153.8 triệu USD; và 47 dự án khu vực và toàn cầu với tổng kinh phí là 294 triệu USD; Tổng số dự án từ Quỹ Biến đổi khí hậu đặc biệt (SCCF) tài trợ là 02 dự án quốc gia với tổng tài trợ là 8 triệu USD và 02 dự án khu vực/toàn cầu với tổng số tài trợ là 917.431 USD. Các dự án do GEF tài trợ được triển khai đã phát huy hiệu quả nhất định, trong đó có nhiều dự án điển hình đã đóng góp quan trọng và tích cực trong việc giải quyết các vấn  đề môi trường ở Việt Nam.

Năm 2010, dự án "Cộng đồng tham gia phục hồi tự nhiên và khai thác bền vững Cua Đá Cù Lao Chàm" được triển khai với mục đích để Cua Đá Cù Lao Chàm được phục hồi và cộng đồng địa phương tham gia trực tiếp bảo tồn và khai thác hợp lý loài động vật này.

Từ sau khi kết thúc dự án đã hỗ trợ cho cộng đồng bảo tồn hơn 75% số lượng Cua Đá tại Cù Lao Chàm, thu nhập của người dân khai thác Cua Đá vẫn tăng cao. Người khai thác Cua Đá đóng góp được lệ phí khai thác. Khách du lịch thỏa mãn được nhu cầu của mình tại Cù Lao Chàm.

Cua Đá Cù Lao Chàm - Ảnh: internet.

Tiếp theo là Dự án "Quản lý tổng hợp nguồn nước và bảo tồn đa dạng sinh học Vườn quốc gia Chư Yang Sin", mà Trọng tâm là Vườn quốc gia Chư Yang Sin với gần 60.000ha rừng có giá trị bảo tồn đa dạng sinh học cao và thượng nguồn sông Sê-rê-pôk - một trong những nhánh lớn nhất của sông Mê-kông.

Vườn Quốc gia Chư Yang Sin. Ảnh: http://www.vietnamtourism.com

Khảo sát trong khuôn khổ dự án đã phát hiện cho khoa học không dưới 17 loài mới trong giai đoạn từ năm 2007 đến năm 2009, xây dựng được sự hiểu biết toàn diện về động, thực vật trong vườn và thiết lập một loạt công cụ quản lý quan trọng như bản đồ mật độ che phủ rừng để giám sát sự thay đổi độ che phủ rừng và qui hoạch đường tuần tra, các tài liệu dịch dùng để cải thiện nhận thức về các giá trị môi trường dành cho nhiều đối tượng khác nhau. Bên cạnh đó, Dự án cũng giúp Ban quản lý vườn quốc gia nâng cao năng lực quản lý bảo tồn thường ngày và giúp Ban quản lý thu hút sự tham gia của cộng đồng trong quản lý và bảo vệ rừng. Hiện đã có sự công nhận rõ ràng hơn về các giá trị của vườn trong giới những người ra quyết định ở tỉnh và trung ương.

Dự án" trồng rừng bền vững và phát triển sinh kế cho nông dân nghèo tại Việt Nam" được thực hiện từ năm 2005 đến năm 2015 tại các tỉnh Bình Định, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Thừa Thiên Huế, Nghệ An và Thanh Hóa, đã mang lại lợi ích về xã hội, môi trường và kinh tế cho các cộng đồng địa phương. Trong khuôn khổ dự án, đã có trên 43.000 hộ gia đình tại các tỉnh miền Trung Việt Nam đã được vay vốn vi mô và hỗ trợ kỹ thuật để trồng trên 76.500 ha rừng. Nhiều hộ gia đình hoàn thành quy trình cấp Chứng chỉ Quản lý Rừng Quốc tế đã bán được gỗ với giá cao hơn 20-30% so với gỗ không có chứng chỉ.

Dự án "tạo các liên kết: các kết nối và quản lý bền vững trong bảo tồn thiên nhiên ở Kon Ka Kinh và Kon Cha Rang". Đây là dự án qui mô trung bình do GEF/UNDP tài trợ này có mục tiêu lâu dài là bảo tồn đa dạng sinh học độc đáo của Khu vực Cảnh quan ưu tiên Trung Trường Sơn của Việt Nam, trong đó Vường Quốc gia Kon Ka Kinh (VQG KKK) và khu bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng (KBT KCR) là hai địa điểm đa dạng sinh học có tầm quan trọng toàn cầu.

Nhiều giải pháp bảo tồn, phát triển Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh - Ảnh: tinmoitruong.vn

Kết quả chính của dự án là tăng cường năng lực thể chế cho Chi cục kiểm lâm tỉnh Gia Lai về quản lý và bảo vệ rừng, chú trọng vào khu vực trong và quanh KKK NP và KCR NR; Nâng cao nhận thức cộng đồng địa phương, những người ra quyết định, các nhà khoa học và các nhà tài trợ về những giá trị bảo tồn độc đáo của khu bảo tồn; Thiết lập nền tảng cho quản lý rừng bền vững và chứng nhận quản lý rừng ở các lâm trường Đắc Rông và Trạm Lập hướng tới duy trì sự toàn vẹn của hành lang rừng giữa KKKNP và KCR NR.

Ngoài ra, còn một số dự án đang thực hiện như: Xây dựng năng lực để loại bỏ những tồn dư thuốc trừ sâu từ các chất gây ô nhiễm hữu cơ khó phân huỷ ; Khắc phục môi trường tại các điểm nóng ô nhiễm Dioxin tại Việt Nam; WB/GEF POL: Môi trường các thành phố ven biển và Dự án Vệ sinh môi trường - theo Quỹ đầu tư đối tác WB/GEF để giảm ô nhiễm tại LME của Đông Á; Phát triển giao thông đô thị Hà Nội; Tài trợ khẩn cho biện pháp tạm thời để xây dựng năng lực trong lĩnh vực ưu tiên (Giai đoạn II); Phát triển kế hoạch hành động quốc gia cho Việt Nam trong tiến trình gia nhập, thực hiện và thực thi Công ước Stockholm về các chất gây ô nhiễm hữu cơ khó phân huỷ mới được ký kết; Hoạt động trợ giúp cho cơ chế đầu mối chia sẻ thông tin của Công ước về đa dạng hoá sinh học,...

Mặc dù không phải là quốc gia nằm trong danh mục đầu tư lớn của GEF nhưng Việt Nam đã xây dựng chiến lược để sử dụng và huy động nguồn lực của GEF hiệu quả nhất. Việc này bao gồm: giải quyết các nguyên  nhân gốc rễ của sự suy thoái môi trường; nhân rộng các thói quen tốt; hỗ trợ các hoạt động có tính chất đổi mới và có ảnh hưởng sâu rộng; huy động sự ủng hộ và tham gia của toàn xã hội; thể chế hóa chính sách; tạo ra các tác động lớn nhất và thực hiện với chi phí hợp lý - đồng thời thực hiện các giải pháp khả thi có tác động quốc gia và toàn cầu ngày càng tăng tại địa phương.

Để đạt được những cam kết trong các hiệp định về biến đổi khí hậu và các mục tiêu phát triển bền vững sẽ là thách thức lớn nếu như các hành động kịp thời không được thực hiện. Nguồn tài trợ GEF đóng vai trò quan trọng trong việc giúp đỡ Việt Nam - một đất nước đang phát triển, chịu ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu - có các biện pháp thực hiện các cam kết toàn cầu của mình và cân bằng giữa phát triển với môi trường.

H.M