Tình hình công khai lịch tiếp công dân

Phát triển hồ tiêu ở Đắk R'lấp: Hướng đến sản phẩm an toàn gắn với chuỗi giá trị
Ngày đăng 14/03/2017 | 10:16  | View count: 4050

Là địa phương hiện có diện tích hồ tiêu lớn thứ hai của tỉnh Đắk Nông, để hướng đến sản xuất ổn định, lâu dài, huyện Đắk R’lấp đang chú trọng phát triển hồ tiêu theo hướng an toàn gắn với chuỗi giá trị.

 

Ở nơi từng là "cánh đồng tiêu chết"

Xã Đắk Sin cũ nay là 2 xã Đắk Sin và Hưng Bình từng là vùng đất "nổi tiếng" với việc phát triển hồ tiêu.  Những năm 1998 - 2000,  nơi đây đươc coi là "thủ phủ" của hồ tiêu. Hộ dân nào ít thì 3 - 5 sào, hộ nhiều cũng từ 2 - 3 ha đã đem về cho bà con nguồn thu nhập tiền tỷ hàng năm.

Tiêu phát triển tốt, thu nhập cao đã trở thành cơn sốt đối với  người dân, nhiều người đã ồ ạt trồng tiêu mà không chú ý đến các yếu tố kỹ thuật. Chính vì thế đến các năm 2005 - 2006, hồ tiêu ở đây đã chết hàng loạt làm cho nhiều hộ dân điêu đứng.

 

Ông Nguyễn Văn Hùng, nguyên Chủ tịch UBND, Bí thư Đảng ủy xã Đắk Sin (Đắk R'lấp) (1993-2007) khẳng định hồ tiêu là cây có sức đề kháng tốt vì nó vốn là cây rừng

Ông Nguyễn Văn Hùng, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Đắk Sin, hiện sống ở thôn 10 là người khá am hiểu về loại cây này, trên cương vị công tác cũ ông cũng đã có nhiều trăn trở.

Ông nhớ lại: "Thời đó, thấy dân đổ xô trồng tiêu, đảng ủy, chính quyền, đoàn thể các cấp vào cuộc vận động nhiều lắm nhưng không hiệu quả mấy. Bà con đua nhau trồng, giống cắt từ cây này sang ươm cho cây khác như dây khoai lang bất chấp cây mẹ có khỏe mạnh hay không, kỹ thuật trồng, chăm sóc am hiểu không nhiều. Đến nay, đúc rút lại nguyên nhân tiêu chết là do con người chứ không phải do cây tiêu. Bản thân cây tiêu vốn có sức đề kháng với dịch bệnh khá lớn bởi nguyên thủy nó là cây rừng. Yếu tố kỹ thuật sai lầm nhất mà nông dân Đắk Sin đã mắc phải đó là mùa mưa cào bồn, bón phân cho cây. Nhiều người nghĩ sao nắng lên là cây chết nhưng thực chất nó đã chết từ mùa mưa sang. Rồi nhiều người khi tiêu bị bệnh đã dùng thuốc bảo vệ thực vật sai cách, sử dụng nhiều càng làm cho cây nhanh chết hơn".

Theo bà Nguyễn Thị Tuyết ở thôn 7 thì trước đây, gia đình bà cũng đã lao đao vì hồ tiêu chết. Sau nhiều lớp tập huấn, bà đã học được cách canh tác hồ tiêu an toàn hơn với dịch bệnh. Bà chia sẻ: Đúc rút lại thì bệnh chủ yếu trên cây tiêu đều từ rễ, lây từ đất mà ra. Do đó, bên cạnh việc chọn được cây giống bảo đảm thì quá trình chăm sóc có vai trò quyết định đối với vấn đề cây có bị bệnh hay không. Tôi không bao giờ dùng cuốc để làm cỏ, thi thoảng chỉ dùng xạc cỏ bên ngoài, cỏ mọc trong gốc thì dùng tay nhổ. Cùng với đó,  tôi đã biết cách sử dụng phân bón cân đối hơn giữa hóa học và sinh học, hữu cơ để cây phát triển tốt.

Còn ông Mai Quách Lộc ở thôn 16 đã phát triển kinh tế gia đình ổn định nhờ việc trồng hồ tiêu trên nhiều loại cây trụ sống khác nhau. Theo đó, các loại cây từ mít, bơ, điều... đều được ông dùng làm trụ cho tiêu leo. Điều đáng chú ý là các loại cây đều có sự bổ trợ cho nhau, cây tiêu có trụ sống bám lên cao cho mức năng suất ổn định từ 5- 8 kg/gốc.

 

Ông Hoàng Xuân Quý, Chủ tịch UBND xã Đắk Sin cho biết, diện tích hồ tiêu của xã so với thời kỳ "hoàng kim" đã giảm xuống còn 1/3, hiện ở mức gần 800 ha, năng suất trung bình đạt 3 tấn/ha. Ông Quý nhấn mạnh: "Cùng với cao su, cà phê, hồ tiêu vẫn được xã coi là cây trồng chủ lực. Tuy nhiên, chỉ đạo, định hướng phát triển theo hình thức thâm canh, chú ý bảo đảm an toàn dịch bệnh".

 

Theo chuẩn quốc tế gắn với chuỗi giá trị

Sau nhiều năm, hiện nay, diện tích hồ tiêu của huyện Đắk R'lấp đã phát triển trở lại, hiện ở mức lớn thứ hai của tỉnh, đạt khoảng 4.300 ha, trong đó diện tích kinh doanh là 2.600 ha, sản lượng 6.200 tấn. Tuy nhiên, cấp ủy đảng, chính quyền đến người dân đã có những nhận thức, cách làm mới để phát triển hồ tiêu an toàn với dịch bệnh.

Theo ông Phạm Quang Vượng, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp - PTNT huyện thì hiện nay, địa phương đang đẩy mạnh việc phát triển hồ tiêu theo chuỗi giá trị, nhấn mạnh yếu tố an toàn cả về dịch bệnh và sức khỏe cho người tiêu dùng. Theo đó, huyện sẽ có những hành động mạnh mẽ, tích cực giúp nông dân từ cung ứng đầu vào bằng việc xây dựng một số vườn nhân giống đạt chuẩn, phổ biến các quy trình, kỹ thuật canh tác, chế biến, bảo quản sau thu hoạch, tạo đầu ra cho sản phẩm và tranh thủ tốt các ưu đãi về vốn vay của các ngân hàng, dự án.

Cũng theo ông Vượng, sản xuất an toàn sẽ được hướng theo các tiêu chuẩn quốc tế gắn với chuỗi giá trị của mình. Bởi hiện nay, ở Nhân Cơ đã có hai địa chỉ sản xuất đươc hồ tiêu an toàn được chứng nhận và  xuất khẩu sang các thị trường lớn, khó tính. Cụ thể như tổ hợp tác trồng cà phê, hồ tiêu do bà Lê Thị Kim Liên, thôn 17 đứng đầu sản xuất trên diện tích 30 ha.

 

Theo bà Liên thì trong quá trình sản xuất, vườn hồ tiêu được bón phân cân đối, đào rãnh thoát nước để cây không bị úng, tránh làm tổn thương bộ rễ để hạn chế bệnh tuyến trùng và thường xuyên dùng phân bón hữu cơ và thảo mộc. Nhờ trồng tiêu theo hướng sinh học bền vững, sản phẩm làm ra an toàn, sạch nên đã được Công ty TNHH Hương Gia vị Sơn Hà (Bắc Ninh), đơn vị chuyên sản xuất gia vị. Năm 2014, sản phẩm tiêu của trang trại được gửi đi kiểm định tại châu Âu và được cấp chứng chỉ tiêu sinh thái theo tiêu chuẩn GlobalGap, nên giá tiêu bán ra tăng từ 20-30% so với giá thị trường. Hiện nay, gia đình bà đã phát triển được hơn 10 ha tiêu theo hướng an toàn cho người tiêu dùng.

Cũng ở xã Nhân Cơ, Hợp tác xã Hồ tiêu Đồng Thuận đang sản xuất hồ tiêu theo hướng hữu cơ trên diện tích khoảng 20 ha.

Ông Đặng Tấn Huynh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã cho biết: Thực tế trong suốt quá trình sản xuất, từ lúc mới xuống giống đến thu hái, chúng tôi chỉ dùng các sản phẩm có nguồn gốc hữu cơ. Cụ thể như chủ yếu bón bằng phân bò, sử dụng các loại chế phẩm hữu cơ để hạn chế sâu bệnh và hoàn toàn không dùng thuốc bảo vệ thực vật.

Hồ tiêu của HTX Hồ tiêu Đồng Thuận Nhân Cơ (Đắk R'lấp) đạt tiêu chuẩn sản xuất nông nghiệp tốt toàn cầu

Cũng theo ông Huynh, thu hoạch phải bảo đảm bao bạt sạch sẽ, hái khi cây có tỷ lệ quả chín đạt trên 50% trở lên. Mọi hoạt động đều được ghi chép cẩn thận, rõ ràng nên có thể dễ dàng kiểm tra, đối chiếu khi cần. Chính vì thế mà sản phẩm hồ tiêu của hợp tác xã hai năm nay đã được Công ty TNHH Hương Gia Vị Sơn Hà (Bắc Ninh) thu mua và xuất khẩu sang các nước châu Âu, đạt tiêu chuẩn sản xuất nông nghiệp tốt toàn cầu (Global Gap). Toàn xã Nhân Cơ hiện có khoảng 200 ha hồ tiêu với năng suất trung bình là 3 tấn/ha.

Về vấn đề sản xuất hồ tiêu an toàn gắn với chuỗi giá trị, ông Lê Văn Thị, Chủ tịch UBND huyện Đắk R'lấp khẳng định: "Từ hai địa chỉ sản xuất hồ tiêu an toàn đã xuất khẩu sang châu Âu, huyện sẽ nhân rộng ra các hộ, vùng khác có khả năng, tiềm lực. Sản xuất hồ tiêu của huyện sẽ không chạy theo năng suất mà nâng cao chất lượng nông sản. Cùng với đó, địa phương sẽ chú trọng vào các hoạt động như  mời các nhà khoa học đầu ngành về phổ biến kỹ thuật canh tác cho bà con, tổ chức các đoàn đi học hỏi kinh nghiệm, phát triển các nhà máy chế biến giúp bà con xây dựng thương hiệu gắn với chỉ dẫn địa lý".

 

Theo Đăk Nông Online