Tình hình công khai lịch tiếp công dân
Những năm qua, Huyện ủy Krông Nô chú trọng công tác lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy đảng, các đoàn thể nâng cao trách nhiệm trong việc bảo tồn và phát huy tinh hoa văn hóa các dân tộc tại địa phương.
Hiện nay, trên địa bàn huyện Krông Nô có 20 dân tộc anh em sinh sống. Trong đó, có hai dân tộc bản địa cư trú lâu đời tại đây là Ê đê và M'nông, với tổng dân số gần 7.000 người sinh sống tại 23 bon, buôn trên địa bàn các xã, thị trấn. Qua kết quả khảo sát, điều tra, một số nét bản sắc văn hóa của các dân tộc thiểu số nói chung và dân tộc thiểu số bản địa nói riêng đang bị mất dần như: Văn hóa cồng chiêng, lễ hội, dân ca, dân vũ, trò chơi dân gian. Các dân tộc thiểu số ở các tỉnh phía Bắc đã định cư trên địa bàn huyện, dân tộc nào cũng có bản sắc văn hóa độc đáo riêng, nhưng do điều kiện kinh tế khó khăn nên việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa gặp nhiều trở ngại.
Sinh hoạt văn hóa của các dân tộc Tày, Nùng ở phía Bắc được tổ chức thường xuyên hơn |
Trước thực trạng trên, Huyện ủy đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy đảng, ban, ngành, đoàn thể mà nòng cốt là ngành Văn hóa tổ chức thực hiện bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp của các dân tộc anh em cùng sinh sống trên địa bàn. Trong đó, cấp ủy chính quyền địa phương tập trung hướng vào mục tiêu là nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân.
Với vai trò của mình, thời gian qua, ngành Văn hóa huyện đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động bằng nhiều hình thức, nhất là vùng sâu, vùng xa để nâng cao nhận thức cho cấp ủy, chính quyền cơ sở và cộng đồng dân cư về công tác này. Hằng năm, ngành Văn hóa huyện đã phối hợp với các ban, ngành tổ chức nhiều hội thi, hội diễn cấp huyện, xã để tôn vinh, bảo tồn, lan tỏa các nét đẹp văn hóa các dân tộc.
Nhiều bộ cồng chiêng quý được ngành Văn hóa huyện Krông Nô giúp các bon, buôn gìn giữ khá nguyên vẹn |
Bên cạnh đó, huyện triển khai Đề án về phục hồi văn hóa vật thể, mời các nghệ nhân trong tỉnh đến mở các lớp truyền dạy cho thanh niên dân tộc Ê đê, M'nông dệt thổ cẩm, chế tác nhạc cụ dân tộc, đan gùi, làm cây nêu, hướng dẫn làm nhà sàn đặc trưng của bà con dân tộc Tây Nguyên… Huyện còn mở được trên 20 lớp học đánh cồng chiêng, hát dân ca M'nông, chế tác và sử dụng các loại nhạc cụ dân tộc với sự tham gia của nhiều nam, nữ thanh niên các bon, buôn.
Qua quá trình học tập và thực hành, nhiều thanh niên bản địa đã quen dần, yêu thích việc đánh cồng chiêng và sử dụng thành thạo các loại nhạc cụ dân tộc. Điển hình như tại Bon O'l, xã Đắk D'rô, nhiều gia đình đã bảo tồn nghề dệt thổ cẩm, có hộ sở hữu từ 1-2 khung cửi dệt vải. Nhiều phụ nữ, nữ thanh niên đã thực hiện khá thành thạo, sản xuất được các sản phẩm thổ cẩm thông thường như áo, váy, khăn choàng, áo gối, túi xách có mẫu mã đẹp, đạt chất lượng tốt. Nhiều chủng loại sản phẩm đã và đang được ngành Văn hóa huyện chọn đưa đi trưng bày tại các hội chợ, triển lãm trong và ngoài tỉnh.
Ðối với văn hóa phi vật thể, huyện đã triển khai nhiều đợt sưu tầm, phục dựng không gian diễn tấu cồng chiêng của người dân tộc Ê đê, M'nông và các loại nhạc cụ như đàn T'rưng, đàn Goong, đàn Krông But, Ðinh năm, Ðinh pí… Với những nỗ lực đó, đến nay, toàn huyện đã phục hồi thành công và thường xuyên tổ chức được 10 lễ hội truyền thống tại các buôn, bon như: Hát dân ca, cồng chiêng, trò chơi dân gian, lễ cầu mưa, mừng lúa mới, cúng bến nước, lễ cúng sức khỏe, chúc phúc… |
Theo Huyện ủy Krông Nô, tiếp nối những kết quả của việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 5, khóa VIII (Nghị quyết số 03-NQ/TW, ngày 16/7/1998) về "Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc", hiện nay địa phương đang đẩy mạnh triển khai Nghị quyết Trung ương 9, khóa XI (Nghị quyết 33-NQ/TW, ngày 9/6/2014) về "Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước". Huyện ủy đã ban hành Chương trình số 50b-Ctr/HU, ngày 6/1/2015 để tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện NQ33.
Những khẳng định mới về vấn đề Văn hóa trong Văn kiện Đại hội lần thứ XII của Đảng cũng đang được Huyện ủy chú trọng triển khai thực hiện. Các cấp ủy, chính quyền, mặt trận và các đoàn thể đã xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện phù hợp với địa phương, đơn vị mình. Nhờ đó hiện nay, một số lễ hội vừa và nhỏ mang tính chất gia đình, dòng họ và cộng đồng nhóm, đã được tổ chức thường xuyên tại nhà văn hóa cộng đồng của các bon, buôn góp phần bảo tồn, phát huy những nét văn hóa đặc trưng của các dân tộc, tăng cường tình đoàn kết cộng đồng. Một số bon tiêu biểu của người M'nông như bon: Rung, Ja Ráh, Ktăk, Phê Guh và bon Phê Prí tổ chức được lễ hội với quy mô khá lớn thu hút đông đảo người dân ở mọi lứa tuổi tham gia, nhất là thế hệ trẻ.
Theo Đăk nông Online
Thông tin từ các Sở, Ban, ngành
- Sở Nội vụ
- Sở Ngoại vụ
- Sở Tài Chính
- Sở Y tế
- Sở Tư pháp
- Sở Công thương
- Sở Xây dựng
- Sở Kế hoạch và Đầu tư
- Sở Giáo dục và Đào tạo
- Sở Tài nguyên & Môi trường
- Sở Giao thông Vận tải
- Sở Khoa học & Công nghệ
- Sở Thông tin & Truyền thông
- Sở Văn hóa, Thể thao & Du lịch
- Sở Lao động, Thương binh & Xã hội
- Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn
- Thanh tra tỉnh
- Ban dân tộc