Tình hình công khai lịch tiếp công dân

Hội nghị trực tuyến Chính phủ về triển khai nhiệm vụ năm 2018
Ngày đăng 28/12/2017 | 15:11  | View count: 5010

Sáng 28/12, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương nhằm đánh giá tình hình phát triển kinh tế - xã hội năm 2017, triển khai nhiệm vụ, giao dự toán ngân sách nhà nước năm 2018. Tham dự hội nghị có Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, lãnh đạo Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương.

Quang cảnh Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Đắk Nông

Dự hội nghị tại điểm cầu UBND tỉnh Đắk Nông có các đồng chí: Lê Diễn – UV Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Trần Xuân Hải – UV BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; Tôn Thị Ngọc Hạnh – TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Cao Huy –TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành, địa phương.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân phúc đã điểm lại những kết quả, thành tựu nổi bật trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2017 của cả nước. Theo đó, dưới sự lãnh đạo của Đảng, cả hệ thống chính trị đã vào cuộc với một niềm tin vững chắc vào sức mạnh của nhân dân và tinh thần của doanh nghiệp Việt Nam. Đến nay, cả nước đã hoàn thành đạt và vượt kế hoạch toàn bộ 13 chỉ tiêu Quốc hội đưa ra, với mức tăng trưởng kinh tế đạt 6,81%, là kết quả cao nhất trong nhiều năm qua. Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức 3,53%; môi trường đầu tư kinh doanh, năng lực cạnh tranh, chỉ số đổi mới sáng tạo có sự cải thiện rõ rệt. .. Đồng thời, năm 2017 cũng là năm của chấn chỉnh kỷ cương, làm trong sạch một bước bộ máy Nhà nước với nhiều đại án tham nhũng lớn được thanh tra, điều tra nghiêm túc, đưa ra xét xử nghiêm minh, từng bước lấy lại niềm tin yêu của nhân dân.

Việc đạt được kết quả toàn diện trên các lĩnh vực đã góp phần củng cố niềm tin, tạo không khí phấn khởi trong toàn xã hội, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Theo đó, chỉ số phát triển bền vững của Việt Nam năm 2017 tăng 20 bậc, lên mức 68/157 quốc gia, vùng lãnh thổ. Diễn đàn Kinh tế thế giới xếp hạng năng lực cạnh tranh của Việt Nam tăng 5 bậc, lên thứ 55/137; Ngân hàng Thế giới xếp hạng về môi trường kinh doanh của Việt Nam tăng 14 bậc, lên thứ 68/190 quốc gia, vùng lãnh thổ.

Đồng thời, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng thẳng thắn chỉ ra nhiều tồn tại, hạn chế cần phải nghiêm túc nhìn nhận và quyết tâm khắc phục trong thời gian tới, đó là: tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng còn chậm, chất lượng và tốc độ tăng trưởng chưa bền vững, năng suất lao động chưa cao. Số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng cao nhưng chất lượng, hiệu quả, quy mô hoạt động, sức cạnh tranh còn thấp. Nhiều dự án đầu tư của doanh nghiệp nhà nước chậm tiến độ, kém hiệu quả, gây thua lỗ, thất thoát. Việc xây dựng Chính phủ điện tử còn chậm. Nền kinh tế còn chưa sẵn sàng với công nghiệp 4.0... 

Tại hội nghị này, Chính phủ đã thông qua dự thảo Nghị quyết về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách năm 2018. Với phương châm hành động là "Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả", dự thảo Nghị quyết đưa ra 9 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm với 59 nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, giao 242 nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành, địa phương. Theo đó, một số chỉ tiêu chính về phát triển kinh tế trong năm 2018 là: Tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô; kiểm soát lạm phát; đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững. Cụ thể, phấn đấu tăng trưởng GDP đạt cả nước năm 2018 đạt 6,7%, kiểm soát tốc độ tăng giá tiêu dùng bình quân khoảng 4%, giảm tỷ lệ nợ đọng thuế xuống dưới 5%, tăng thu ngân sách 3% so với dự toán Quốc hội giao, kiểm soát bội chi ngân sách nhà nước ở mức 3,7% GDP. Bên cạnh đó, cả nước sẽ tập trung thực hiện quyết liệt và đồng bộ 3 chiến lược; tạo chuyển biến rõ nét và thực chất trong cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền  kinh tế; Bảo đảm an sinh xã hội, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa, xã hội...

Tới dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đánh giá cao và bày tỏ sự vui mừng với những kết quả đã đạt được của toàn đảng, toàn dân và cả hệ thống chính trị trong năm qua. Về phương hướng nhiệm vụ năm 2018, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã gợi mở nhiều vấn đề Chính phủ, các cấp, bộ, ngành, địa phương cần tập trung thực hiện. Trong đó, cần đặc biệt ưu tiên hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa theo đúng tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 khoá XII. Trong quá trình xây dựng, ban hành, tổ chức thực hiện các cơ chế, chính sách, biện pháp, phải nhận thức đầy đủ, tôn trọng và vận dụng đúng đắn các quy luật khách quan của kinh tế thị trường, thông lệ quốc tế, đồng thời bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa phù hợp với điều kiện phát triển của đất nước trong từng giai đoạn. Bảo đảm tính khoa học, đồng bộ và tính khả thi cao.

Tổng bí thư Nguyễn Phú trọng cũng đề nghị cần đẩy mạnh hơn nữa việc thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và các nghị quyết Trung ương khoá XI về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, đào tạo; phát triển nguồn nhân lực; tăng cường tiềm lực và đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ để có thể vượt qua những thách thức, nắm bắt được những cơ hội mà cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư có thể đem lại; quan tâm hơn nữa đến phát triển có hiệu quả văn hoá, xã hội, chăm lo cải thiện đời sống nhân dân. Tiếp tục rà soát, hoàn thiện chính sách đối với người có công; tập trung thực hiện các biện pháp giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, phúc lợi xã hội; ưu tiên nguồn lực phát triển vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và vùng bị thiên tai, chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Kiên quyết giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội; thực hiện có hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế; củng cố thế trận quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân…

Theo dự kiến, hội nghị sẽ diễn ra trong một ngày rưỡi (ngày 28 và sáng 29/12). Tại Hội nghị, các địa phương và bộ, ngành sẽ tập trung thảo luận, góp ý để hoàn thiện dự thảo Nghị quyết, từ đó thống nhất, chung sức đồng lòng thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra; đồng thời nghe các báo cáo tóm tắt về: Kiểm điểm công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ năm 2017; tình hình thực hiện Nghị quyết 19, Nghị quyết 35 về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp; công tác rà soát, tháo gỡ các vướng mắc, bất cập của các quy định hiện hành về môi trường đầu tư, kinh doanh, các chính sách an sinh xã hội; kết quả thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg về nâng cao năng lực tiếp cận cách mạng công nghệ 4.0; kết quả thực hiện cải cách thủ tục hành chính, xây dựng Chính phủ điện tử và hoạt động của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ năm 2017; công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng chống tham nhũng năm 2017.

Sam Nguyễn