Tình hình công khai lịch tiếp công dân

Độc đáo sắc màu thổ cẩm (Kỳ 1): Độc đáo nghề dệt thổ cẩm truyền thống
Ngày đăng 09/09/2016 | 22:55  | View count: 5356

Toàn tỉnh hiện có hơn 40 dân tộc anh em cùng nhau sinh sống và mỗi dân tộc đều có trang phục thổ cẩm truyền thống, với họa tiết, hoa văn trang trí, mang nét độc đáo riêng. Tất cả tạo nên bức tranh sắc màu thổ cẩm trên cao nguyên Đắk Nông hết sức đa dạng, phong phú và độc đáo, là niềm tự hào của cộng đồng các dân tộc.

Đối với các dân tộc Tây Nguyên nói chung và các dân tộc bản địa trên địa bàn tỉnh nói riêng thì dệt thổ cẩm là một trong những nghề truyền thống có từ lâu đời, mang đậm bản sắc văn hóa đặc trưng.

 

Biểu diễn trang phục (thổ cẩm) truyền thống các dân tộc trong Ngày hội Văn hóa các dân tộc huyện Krông Nô.

 

Sản phẩm văn hóa đặc sắc

Nét chung nhất trong trang phục truyền thống các dân tộc Tây Nguyên đó là đàn ông đóng khố, mặc áo chui đầu hoặc áo choàng quấn, phụ nữ mặc áo, váy tấm... Đối với trang phục, bên cạnh yếu tố làm đẹp, theo quan niệm thẩm mỹ của từng dân tộc không chỉ thỏa mãn nhu cầu về ăn mặc mà còn thể hiện tín ngưỡng, phong tục, tập quán.

Bởi vậy, ngay từ khi còn nhỏ, các bé gái dân tộc M'nông, Mạ, Ê đê… đã được các bà, các mẹ chỉ dạy cho các công đoạn làm nên một tấm thổ cẩm và tự may áo quần để mặc. Thổ cẩm được người dân sử dụng trong các ngày tết, lễ hội như lễ sum họp cộng đồng, lễ tạ ơn, lễ mừng cơm mới… và dùng cả trong việc lên nương, lên rẫy.

Mỗi bộ trang phục đều được đồng bào dệt, thêu từ những quan niệm, tín ngưỡng tâm linh… thể hiện rõ qua cách bố trí màu sắc, hình thù từ thiên nhiên như màu xanh là màu của đất trời, sông núi; màu đen tượng trưng cho đất đai; màu đỏ tượng trưng cho sự dũng cảm, sức mạnh siêu nhiên, khát vọng tình yêu; còn màu vàng là màu của ánh sáng…

 

Mỗi một dân tộc đều có biểu trưng trang phục cũng như hoa văn trang trí khác nhau nên trang phục của họ chính là một thành tố làm nên bản sắc ấy và dựa vào các đặc điểm đó có thể phân biệt một cách dễ dàng.

Ví dụ, hoa văn trang trí trên trang phục của đồng bào M'nông là những hình tam giác nối kết lồng ghép vào nhau và được điểm xuyết bằng hình ảnh chim, thú, cỏ cây hoặc những hình ảnh sinh hoạt cộng đồng. Hoa văn trên trang phục của đồng bào Ê đê thường được trang trí những hình tượng của thiên nhiên như lá cây dương xỉ, con bò cạp ấp con, trứng thằn lằn, con rùa, trứng đại bàng, con rồng đất… Hoa văn trang phục của đồng bào Mạ chủ yếu là trang trí hình học xanh - đỏ, chiều dọc hai bên mép áo trang trí bằng các sọc nhiều màu sắc.

Điều đáng ghi nhận là thổ cẩm của đồng bào rất bền chắc, phong phú, đa dạng mà trên hết là rực rỡ sắc màu, mang đậm đặc trưng Tây Nguyên.

Từ chiếc khung cửi

Từ ngàn xưa, chiếc khung cửi và hình ảnh người phụ nữ ngồi bên khung dệt trở thành một nét văn hóa truyền thống độc đáo. Khung cửi dệt thổ cẩm của các tộc người M'nông, Mạ, Ê đê khá giống nhau và được làm bằng tre nứa, gỗ có sẵn. Đây là công cụ dệt thô sơ được giữ bằng chân, dệt bằng tay.

Cấu tạo của khung dệt đơn giản, có thể tháo gỡ, gồm những thanh tre nứa được bào nhẵn, khoan lỗ và móc nối với các sợi chỉ tạo nên một dụng cụ rất đặc trưng. Khi dệt, người dệt phải ngồi trên nền đất, hai chân duỗi thẳng đạp lên một thanh gỗ nằm ngang để căng mặt sợi trên khung dệt.

Do cấu tạo đơn giản nên bất cứ đàn ông hay phụ nữ đều có thể làm nên một khung dệt riêng cho chính mình mà không đòi hỏi sự cầu kỳ gì lắm. Trong khung dệt, chỉ duy nhất cây dập sợi được làm bằng gỗ mới đòi hỏi người giỏi làm đồ mộc chế tạo, còn các bộ phận khác đều không quá phức tạp. Khung dệt có nhiều loại như khung chuyên cho dệt váy, dệt chăn, lại có loại chuyên dệt những tấm vải có kích thước nhỏ hơn như là túi thổ cẩm, là khăn địu, là khố…

 

Do đặc thù của khung cửi nên người dệt phải ngồi dưới nền đất, hai chân duỗi thẳng để căng khung vải

 

Đến kỹ thuật nhuộm cổ truyền

Ngày xưa, để có nguyên liệu phục vụ cho nghề dệt, đồng bào đã biết trồng bông, đay để quay sợi. Cùng với nguyên liệu, việc nhuộm màu là khâu đặc biệt quan trọng trong toàn bộ kỹ thuật dệt truyền thống của đồng bào. Màu sắc của bộ trang phục truyền thống của đồng bào các dân tộc M'nông, Mạ, Ê đê gồm các màu chủ đạo như đen, đỏ, vàng, tím, trắng, xanh... Để các họa tiết, hoa văn trên nền vải thêm sinh động và có ý nghĩa, đồng bào đã dùng những màu sắc tự nhiên của các loại vỏ cây, quả rừng... để chế tạo ra thuốc nhuộm vải vô cùng đặc biệt.

Theo đó, tùy theo từng loại trang phục mà đồng bào sử dụng thuốc nhuộm tương ứng. Trong tất cả các loại cây sử dụng làm thuốc nhuộm thì đồng bào vẫn ưa chuộng nhất là cây K'riêng (một loại cây mọc trong rừng). Lá và vỏ cây K'riêng được ngâm trong nước khoảng 1 tuần và chắt lấy nước cốt để nhuộm.

Mặt khác, đá vôi trắng và đá vôi đen được đem nung rồi hòa tan trong nước, trộn lẫn vào nhau sẽ tạo ra màu sắc đậm, nhạt khác nhau. Còn màu vàng thì dùng bột nghệ; màu đỏ thì dùng vỏ của cây chút; màu xanh đậm thì dùng vỏ cây chàm.

Đồng bào quan niệm, việc nhuộm vải bằng các hợp chất tự nhiên sẽ cho màu sắc đẹp, bền và lâu phai. Do đó, việc nhuộm sợi được thực hiện trước khi dệt chứ không phải dệt xong mới nhuộm. Kỹ thuật nhuộm của đồng bào M'nông, Mạ, Ê đê rất công phu, đòi hỏi người thợ phải mất nhiều thời gian và mất nhiều công đoạn.

Ngày nay, với sự phát triển của công nghệ, nên kỹ thuật nhuộm cổ truyền của người xưa ít được sử dụng vì mất nhiều thời gian. Nhưng trong tiềm thức của đồng bào thì kỹ thuật nhuộm cổ truyền, với màu sắc tự nhiên sẽ bền, đẹp hơn nhiều, bởi đó là dấu ấn văn hóa của một cộng đồng người trong xã hội.

(Kỳ 2: Trang phục truyền thống của các dân tộc bản địa.)

Theo Đắk Nông Online