Tình hình công khai lịch tiếp công dân

Để dữ liệu thực sự trở thành nguồn tài sản chiến lược của quốc gia
Ngày đăng 31/12/2021 | 14:36  | View count: 4045

Dữ liệu là tài sản chiến lược, nguồn tài nguyên để phát triển nền kinh tế số. Tuy nhiên, hiện nay tới 80% nguồn tài nguyên này của Việt Nam đang ở nước ngoài. Trong khi đó, việc tiếp cận dữ liệu đang nghiêng về góc độ kỹ thuật, công nghệ, thiếu đi góc độ kinh tế, các mô hình kinh doanh.

Nguồn tài nguyên quý giá

Dữ liệu mở được coi là "trái tim" của nền kinh tế số. (Ảnh minh họa: Báo Dân trí) 

Dữ liệu không chỉ bao gồm tên tuổi, số điện thoại, địa chỉ hay những thông tin cơ bản của người dùng Internet và mạng xã hội, mà đó là khái niệm rộng hơn rất nhiều. Chẳng hạn như hành vi, thái độ, nhận xét, đánh giá hay sở thích, thói quen của người dùng thông qua tương tác cá nhân hay là nhóm trên các nền tảng Internet và mạng xã hội. Nguồn dữ liệu của Việt Nam bao gồm cả dữ liệu từ BigData, AI, IoT, blockchain của các hãng công nghệ nước ngoài và các công ty công nghệ Việt Nam.

Dữ liệu được ví như nguồn tài nguyên "dầu mỏ" trong thế kỷ 21, mang lại nguồn lợi lớn cho phát triển kinh tế - xã hội trong kỷ nguyên dữ liệu hoá. Trong báo cáo e-Conomy SEA 2021 vừa được Google, Temasek và Bain & Company công bố hồi tháng 11, đưa ra nhận định nền kinh tế Internet của Việt Nam dự báo trở thành nền kinh tế lớn thứ hai Đông Nam Á, đạt 220 tỷ USD về Tổng giá trị hàng hóa (GMV) vào năm 2030.

Điều đó cho thấy, dữ liệu không chỉ còn bó hẹp trong phạm vi là một công cụ phục vụ cho quản lý, điều hành mà đã hình thành một thị trường trong nền kinh tế dữ liệu, đóng vai trò quan trọng với sự tăng trưởng kinh tế của quốc gia, song hành cùng sự phát triển của nền kinh tế số,  đặc biệt trong bối cảnh đại dịch COVID-19 và những áp lực mà chính phủ, doanh nghiệp, xã hội đang phải đối mặt.

Tuy nhiên, theo số liệu của Bộ Thông tin và Truyền thông, hiện nay tới 80% nguồn tài nguyên quý này của Việt Nam được cho là đang được lưu trữ ở nước ngoàiĐây là những dữ liệu từ BigData, IoT, blockchain… của các hãng công nghệ nước ngoài, nơi mà thông tin người dùng Việt Nam được lưu trữ tại đó.

Theo các chuyên gia, có tình trạng trên một phần là do các nền tảng mạng xã hội mang thương hiệu Việt Nam (Made in Viet Nam) chưa thu hút được lượng người dùng trong nước. Nhiều mạng xã hội do người Việt sáng lập đang hoạt động như Tamtay.vn; Zing Me; Mocha; Biztime; Vietnamta; Hahalolo; Gapo; Lotus... Tuy nhiên, các nền tảng đó chưa chiếm được thị phần, do việc thiết kế sử dụng thiếu hấp dẫn so với các nền tảng của nước ngoài, thậm chí gây khó chịu cho người dùng. Một số mạng xã hội ra đời được vài năm sau đó ngưng hoạt động.

So sánh nguồn lực của các hãng công nghệ lớn như Google, Facebook, Apple, thì lợi thế về mặt kinh doanh lớn hơn nhiều những doanh nghiệp công nghệ trong nước. Chẳng hạn, Google có 100.000 kỹ sư công nghệ, thì con số này ở Viettel chỉ là 5.000. Bên cạnh đó, các chuyên gia cho rằng, công nghệ số, dữ liệu số là sân chơi chung, người dân, doanh nghiệp sử dụng các nền tảng của nước ngoài, dữ liệu sinh ra từ quá trình đó. Không thể ép buộc người dùng lựa chọn các dịch vụ trên không gian mạng.

Tại Việt Nam, hạ tầng kỹ thuật số đang thiếu do tăng trưởng đột biến về lượng dữ liệu, đặc biệt là trong bối cảnh COVID-19. Mặt khác, các đơn vị xây dựng hạ tầng hiện nay còn rời rạc. Các nhà mạng lớn có tiềm lực tài chính để đầu tư lại chậm phát triển về nền tảng số, ngược lại, các doanh nghiệp nhỏ năng động, có năng lực phát triển và ứng dụng công nghệ số, lại không có khả năng về đầu tư về hạ tầng.

Trước vai trò quan trọng của dữ liệu với sự phát triển kinh tế - xã hội, cùng với tình trạng thất thoát nguồn lực dữ liệu, đòi hỏi sự chung tay của các tổ chức, các doanh nghiệp trong xây dựng và phát triển hạ tầng số, hạ tầng dữ liệu mang tầm vóc khu vực. Các cơ quan quản lý Nhà nước có chính sách quản lý dữ liệu để vừa phù hợp với quan hệ quốc tế, vừa bảo vệ được dữ liệu của người dân, doanh nghiệp trong nước. Có như vậy, Việt Nam mới sẵn sàng cho sự phát triển nền kinh tế số.

Giải pháp đang được quan tâm

Theo các chuyên gia, để tạo ra nhiều dữ liệu và chuyển lượng dữ liệu đang được lưu trữ ở nước ngoài về Việt Nam, cộng đồng doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam, các cơ quan quản lý Nhà nước và người dân cùng chuyển đổi nhận thức, nhìn nhận về dữ liệu đúng đắn hơn, xứng đáng là nguồn tài sản chiến lược của quốc gia. Từ đó, tạo điều kiện cho việc khai thác hiệu quả giá trị dữ liệu nhằm thúc đẩy, phát huy trí tuệ, nguồn lực và sức mạnh quốc gia.

Bộ Thông tin và Truyền thông đã chủ trì xây dựng Chiến lược dữ liệu quốc gia giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, dự kiến vào năm 2022 sẽ được phê duyệt và tổ chức triển khai. Chiến lược này sẽ đóng vai trò dẫn dắt, định hướng về phát triển, quản trị dữ liệu trong các lĩnh vực. Qua đó, tạo sự thuận tiện cho các tổ chức và người dân, góp phần phát triển dữ liệu nhiều hơn qua hoạt động thiết yếu về dịch vụ hành chính, y tế, ngân hàng... Đồng thời, dữ liệu được kết nối, lưu trữ, chia sẻ, phân tích và sử dụng tạo ra các giá trị mới. 

Dự thảo về Quy hoạch hạ tầng thông tin và truyền thông thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 cũng đang được xây dựng. Theo đó, hạ tầng thông tin và truyền thông sẽ được định hướng xây dựng và phát triển đồng bộ với hạ tầng dữ liệu, hình thành hệ thống trung tâm dữ liệu quốc tế, quốc gia; các trung tâm dữ liệu vùng và địa phương kết nối đồng bộ, thống nhất nhằm đưa Việt Nam trở thành trung tâm lưu trữ và xử lý dữ liệu của khu vực và quốc tế.

Các tập đoàn viễn thông hàng đầu tại Việt Nam cũng đang xây dựng hạ tầng kết nối viễn thông rộng khắp. Trong giai đoạn 5 năm tới, Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel sẽ tiếp tục tiến mạnh vào hạ tầng dữ liệu, cụ thể là cơ sở dữ liệu, nền tảng xử lý dữ liệu, nhằm sớm chuyển lượng dữ liệu đang được lưu trữ ở nước ngoài về Việt Nam, góp phần thúc đẩy quá trình chuyển đổi số của cả nước.

Cùng với đó, việc phát triển các nền tảng mạng xã hội Made in Viet Nam cũng đang được quan tâm. Chẳng hạn, mạng Kết nối Y tế Việt Nam; nền tảng Hồ sơ sức khoẻ điện tử và nền tảng quản lý thông tin cơ sở V20 được khai trương cuối năm 2020. Trên thực tế, các nền tảng này đã tăng cường kết nối, chia sẻ, hỗ trợ hoạt động đào tạo chuyên môn của cán bộ y tế trên toàn quốc; quản lý, chăm sóc sức khỏe người dân; mở rộng kết nối các chương trình y tế, tiến tới xóa bỏ tình trạng hồ sơ giấy.

 Bên cạnh việc tiết kiệm chi phí so với việc dùng các nền tảng công nghệ của nước ngoài, thì việc sử dụng các nền tảng mạng xã hội của Việt Nam sẽ mang đến nhiều lợi ích cho các doanh nghiệp và người dân. Đồng thời, giúp Việt Nam làm chủ dữ liệu số quốc gia, khai thác và sử dụng hiệu quả hơn.

Các chuyên gia cũng cho rằng, cần khuyến khích sáng tạo các giải pháp công nghệ chống thất thoát dữ liệu bằng cách kết hợp giữa công cụ phần mềm và quy định/quy trình nhằm đảm bảo tài sản dữ liệu của tổ chức, doanh nghiệp, bảo đảm an toàn an ninh mạng, bảo vệ người dùng. Coi trọng hình thành văn hoá số, bảo vệ những giá trị đạo đức Việt Nam trên môi trường mạng./.

Theo dangcongan.vn