Tình hình công khai lịch tiếp công dân

Kế hoạch thực hiện Chiến lược Quốc gia bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ giai đoạn 2021 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2045
Ngày đăng 16/08/2021 | 09:31  | View count: 18256

Thực hiện Kế hoạch số 403/KH-UBND ngày 04/6/2021 của UBND tỉnh Đắk Nông về thực hiện Chiến lược Quốc gia bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2045; trên cơ sở tình hình thực tế tại địa phương, Sở Giao thông Vận tải tỉnh vừa ban hành Kế hoạch thực hiện Chiến lược Quốc gia bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2045, với các nội dung cụ thể như sau:

Mục đích: Thực hiện đầy đủ, hiệu quả các nội dung đã đề ra trong Kế hoạch số 403/KH-UBND ngày 04/6/2021 của UBND tỉnh Đắk Nông về thực hiện Chiến lược Quốc gia bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2045; Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước và hoạt động thực thi pháp luật đối với công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh; Xác định các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể đối với các hoạt động để triển khai thực hiện theo từng giai đoạn; xác định rõ phương thức, nguồn lực, cơ chế phối hợp giữa các cơ quan, ban, ngành, tổ chức có liên quan trong việc triển khai thực hiện các giải pháp đảm bảo trật tự an toàn giao thông; Hàng năm, kéo giảm số vụ tai nạn giao thông; giảm số người chết và bị thương do tai nạn giao thông đường bộ một cách bền vững, tiến tới xây dựng một xã hội có hệ thống giao thông an toàn, thông suốt, thuận tiện, hiệu quả và thân thiện môi trường; xây dựng và hình thành văn hóa giao thông an toàn trong cộng đồng.

Với các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể như sau:

1. Về công tác chỉ đạo điều hành: Cụ thể hóa, xây dựng các kế hoạch, giải pháp triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ được giao, chỉ đạo của cơ quan cấp trên về đảm bảo trật tự an toàn giao thông; ứng dụng khoa học công nghệ vào 05 trụ cột về an toàn giao thông.

2. Tăng cường công tác tuyên truyền tập, huấn kỹ năng mềm, kỹ năng xử lí tình huống trong quá trình tham gia giao thông; giáo dục đạo đức, văn hóa ứng xử giao thông nhằm nâng cao ý thức trong văn hóa ứng xử nơi công cộng.

3. Về công tác phổ biến, tuyên truyền pháp luật: Triển khai thực hiện tuyên truyền có hiệu quả, đảm bảo 100% người tham gia giao thông được giáo dục, phổ biến kiến thức, pháp luật về trật tự, an toàn giao thông và các kỹ năng tham gia giao thông an toàn; mở các trang, chuyên mục, tăng thời lượng tuyên truyền, về an toàn giao thông trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhằm nâng cao hiệu quả, hiệu lực thực thi pháp luật về đảm bảo trật tự an toàn giao thông.

4. Về công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch giao thông vận tải: Triển khai tích hợp quy hoạch phát triển giao thông vận tải vào quy hoạch chung của tỉnh, bảo đảm các kết nối giao thông, công trình an toàn giao thông tiếp cận cho người khuyết tật và an toàn cho đối tượng tham gia giao thông dễ bị tổn thương; bảo đảm các công trình xây dựng lớn khi kết nối trực tiếp ra đường đô thị, quốc lộ và tỉnh lộ không gây gia tăng ùn tắc, tai nạn giao thông. Góp ý, đề nghị Sở Xây dựng, UBND các huyện, thành phố Gia Nghĩa khi quy hoạch các khu đô thị, công nghiệp, kinh tế, dân cư, thương mại - dịch vụ dọc tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, đường huyện phải tuân thủ quy định về quản lý kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, hành lang an toàn đường bộ; đối với các quy hoạch mới dọc tuyến quốc lộ phải có hệ thống đường gom, đấu nối vào quốc lộ theo đúng quy định, đảm bảo an toàn giao thông. Quản lý chặt chẽ việc khai thác quỹ đất hành lang an toàn giao thông; đồng thời đề nghị các cơ quan chức năng tăng cường công tác quản lý đất đai và trật tự xây dựng dọc tuyến đường bộ đảm bảo đúng quy hoạch được duyệt.

5. Về đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ: Huy động mọi nguồn lực để đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp hệ thống đường quốc lộ, đường tỉnh và các đường trọng yếu của địa phương theo đúng quy hoạch, đảm bảo điều kiện an toàn cho mọi đối tượng tham gia giao thông. Trong đó ưu tiên phát triển kết cấu hạ tầng giao thông phù hợp với quy hoạch, có tính kết nối cao (kết nối vùng, các khu công nghiệp, điểm du lịch, cửa khẩu…).

6. Về công tác quản lý, bảo trì đường bộ: Quản lý, khai thác hiệu quả, bền vững kết cấu hạ tầng giao thông hiện có và từng bước nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác bảo trì đường bộ; kịp thời xử lý các điểm đen, điểm tiềm ẩn về tai nạn giao thông; rà soát bổ sung đầy đủ hệ thống các công trình, thiết bị về an toàn giao thông trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ.

7. Về công tác lập lại trật tự hành lang an toàn giao thông đường bộ: Triển khai có hiệu quả công tác lập lại trật tự hành lang an toàn giao thông đường bộ và chống tái lấn chiếm trên tất cả các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ. Quản lý, khai thác hành lang an toàn giao thông đường bộ có hiệu quả nhằm đảm bảo an toàn giao thông và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông.

8. Về công tác quản lý phương tiện tham gia giao thông đường bộ:

- Kiên quyết loại bỏ xe cơ giới hết niên hạn sử dụng, xe tự chế ba, bốn bánh thuộc diện không được tham gia giao thông; có giải pháp quản lý phù hợp đối xe máy kéo nhỏ khi tham gia lưu thông;

- Tăng cường công tác quản lý hoạt động đưa đón học sinh bằng xe buýt, xe hợp đồng; khuyến khích các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh sử dụng tài khoản thu phí điện tử để thanh toán đa mục đích cho các dịch vụ giao thông đường bộ và nộp phạt vi phạm;

- Tăng cường công tác quản lý trật tự vận tải, nhất là vận tải hành khách đường dài, vận tải hàng hóa, xe buýt, taxi và hoạt động của các bến xe. Khuyến khích đầu tư phát triển các dịch vụ vận tải hành khách công cộng.

9. Về công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe:    

- Thực hiện việc điều chỉnh phân hạng giấy phép lái xe và triển khai ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác quản lý, đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe theo chỉ đạo của cơ quan Trung ương;

- Huy động các nguồn lực từng bước xây dựng hệ thống đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe đạt chuẩn tương đương với các nước phát triển trên thế giới, hội nhập toàn diện theo Công ước viên 1968 về giao thông đường bộ.

10. Về công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm:

- Ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại trong công tác thanh tra, kiểm tra, tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm và giám sát hiệu quả thực hiện nhiệm vụ của các lực lượng khi tuần tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông;

- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra xử lý vi phạm đối với hoạt động đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe, vận chuyển hành khách, vận chuyển hàng hóa trên các tuyến đường quan trọng của tỉnh (quốc lộ, tỉnh lộ, các đường liên huyện).

11. Về công tác cứu hộ, cứu nạn và cấp cứu y tế: Phối hợp với Sở Y tế, lục lượng Cảnh sát giao thông trong việc xây dựng, phát triển mạng lưới thông tin liên lạc hiện đại nhằm ứng phó kịp thời tai nạn giao thông và thực hiện tốt công tác cứu hộ, cứu nạn, chống ùn tắc giao thông do tai nạn gây ra.

H.M