Thời tiết
Đắk Nông | |
Pleiku | |
TP Hồ Chí Minh |
Bản cam kết hỗ trợ
Sáng 6/7, tại Hà Nội, Đồng chí Trương Hòa Bình - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc với các bộ, ngành, địa phương về triển khai các nhiệm vụ, giải pháp nhằm tăng cường quản lý nhà nước đối với hoạt động khai thác, kinh doanh cát sỏi.
Dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Đắk Nông có đồng chí Trương Thanh Tùng - TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cùng lãnh đạo các sở, ngành liên quan.
Quang cảnh Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Đắk Nông |
Theo báo cáo từ Bộ Công an, tính đến tháng 5/2017, cả nước có 824 mỏ cát, sỏi được cấp phép; đến hết năm 2016, có 90 dự án nạo vét, khơi thông luồng hàng hải, đường thuỷ nội địa có tận thu sản phẩm cát được Bộ GTVT cấp phép. Hiện trên cả nước, các cơ quan thẩm quyền đã cấp hơn 500 giấy phép bến bãi kinh doanh, tập kết, trung chuyển cát. Bên cạnh đó còn có hàng trăm bến bãi hoạt động tự phát, không được cấp có thẩm quyền cho phép, hoặc chỉ có hợp đồng thuê đất của cấp xã, phường; các bãi chứa đều chất tải quá mức quy định.
Tại nhiều địa phương, việc khai thác cát, sỏi không phép hoặc trái phép vẫn diễn ra với nhiều thủ đoạn tinh vi. Những đối tượng khai thác cát thường hoạt động vào ban đêm. Có nơi, các đối tượng này còn dùng bạo lực đe dọa, tranh giành địa bàn, phương tiện và đối phó với các cơ quan chức năng.
Báo cáo kết quả xử lý vi phạm pháp luật trong hoạt động khai thác cát, sỏi và công tác đấu tranh chống "cát tặc", Thượng tướng Lê Quý Vương - Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, sau một năm thực hiện Kế hoạch 102 của Bộ Công an, công an các cấp đã tiến hành phối hợp tuần tra kiểm soát hơn 8000 lượt, phát hiện và bắt giữ xử lý 4.300 vụ với gần 3000 đối tượng; thu giữ trên 1.000 phương tiện, thiết bị, và hơn 10.000 m3 cát các loại, hoàn nguyên hơn 3.600 m3. Tổng số tiền phạt nộp vào ngân sách hơn 41,7 tỷ đồng, lập hồ sơ khởi tố 2 vụ vi phạm quy định về khai thác tài nguyên.
Tại hội nghị, các đơn vị liên quan đã phân tích, đánh giá toàn diện, kỹ lưỡng về thực trạng quản lý nhà nước đối với hoạt động khai thác, kinh doanh cát, sỏi cho xây dựng, phát triển hạ tầng. Trên cơ sở đó, nhiều ý kiến đề xuất các biện pháp thiết thực, hiệu quả về thể chế và tổ chức thực hiện nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, giải quyết căn bản tình hình khai thác trái phép cát, sỏi; tăng cường hiệu lực thi hành chính sách, pháp luật về khai thác, lập lại trật tự trong lĩnh vực khai thác cát, sỏi.
Theo dự báo tại Hội nghị, thời gian tới, nhu cầu khai thác cát, sỏi phục vụ xây dựng cơ bản, cơ sở hạ tầng phát triển kinh tế xã hội ngày càng gia tăng; trong khi hệ thống pháp luật, công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực khoáng sản vẫn còn những tồn tại, bất cập, do vậy, các đối tượng vi phạm vẫn sẽ dùng mọi phương thức, thủ đoạn đế vi pham để khai thác cát.
Trước tình hình trên, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình yêu cầu các bộ, ban, ngành trung ương và các địa phương trong thời gian tới phải triển khai nghiêm túc Luật Khoáng sản 2010 và các văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, nhất là Chỉ thị 03/CT-TTg ngày 30/3/2015 về tăng cường hiệu lực thi hành chính sách, pháp luật về khoáng sản với nhiều giải pháp tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước về khoáng sản, trong đó có cát, sỏi lòng sông; đồng thời tập trung thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng chống vi phạm pháp luật trong khai thác, kinh doanh cát, sỏi trên lòng sông, cửa biển. Các bộ, ngành liên quan sớm hoàn hiện các văn bản pháp luật quy định theo chức năng, nhiệm vụ đối với lĩnh vực này. Đối với các tỉnh, thành, phố sớm xây dựng, phê duyệt phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác, thực hiện quy chế phối hợp giữa các địa phương, các khu vực giáp ranh; tăng cường kiểm tra, kiên quyết đình chỉ các hoạt động thăm dò, khai thác, vận chuyển, kinh doanh cát, sỏi trái phép và không đảm bảo các điều kiện theo quy định.
Tại tỉnh Đắk Nông, công tác quản lý nhà nước về khoáng sản trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã có nhiều chuyển biến tích cực, từng bước đi vào nề nếp và đạt được một số kết quả nhất định; tình trạng khai thác khoáng sản trái phép, nhất là đối với cát, sỏi làm vật liệu xây dựng thông thường về cơ bản đã được xử lý dứt điểm. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 07 giấy khai thác cát được UBND tỉnh cấp cho 06 đơn vị với tổng công suất khai thác theo giấy phép là 190.000 m3/năm. Nhìn chung các đơn vị được cấp giấy phép khai thác cơ bản tuân theo các quy định của Luật Khoáng sản, công tác bảo vệ môi trường được quan tâm; tất cả các đơn vị cũng đã thực hiện ký quỹ phục hồi môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản, công tác quản lý, sử dụng đất đai tại khu vực mỏ và bãi tập kết vật liệu cơ bản tuân thủ đúng quy định. Thời gian qua, các sở, ngành liên quan tổ chức nhiều đợt kiểm tra, xử lý các vụ việc khai tháng khoáng sản trái phép, qua đó, tiến hành xử phạt vi phạm hành chính 07 tổ chức, cá nhân với tổng số tiền 477 triệu đồng đối với hành vi khai thác cát trái phép, tịch thu 1.700 m3 cát và 01 tàu hút cát. |
Sam Nguyễn