Thời tiết

Đắk Nông
Pleiku
TP Hồ Chí Minh

Bản cam kết hỗ trợ

Luật Tố cáo năm 2018 - công cụ pháp lý quan trọng bảo đảm và bảo vệ quyền con người, quyền công dân theo Hiến pháp năm 2013; có nhiều điểm mới so với Luật Tố cáo năm 2011
05/11/2018 | 15:37  | View count: 22868

Trong những năm qua Luật Tố cáo năm 2011 đã tạo thành hành lang pháp lý để công dân thực hiện quyền tố cáo, giúp các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền phát hiện và xử lý đối với các hành vi vi phạm pháp luật nói chung, hành vi vi phạm pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ nói riêng. Tuy nhiên, qua quá trình triển khai thực hiện cho thấy Luật tố cáo năm 2011 đã bộc lộ những hạn chế, bất cập về: thẩm quyền giải quyết tố cáo; trình tự thủ tục giải quyết tố cáo; Tổ chức thi hành kết luận nội dung tố cáo; bảo vệ người tố cáo,.. dẫn đến tình trạng làm giảm hiệu lực hiệu quả công tác giải quyết tố cáo, trật tự, kỹ cương pháp luật. Bên cạnh đó, nhằm cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013 về quyền tố cáo của công dân là quyền con người "Mọi người có quyền khiếu nại, tố cáo với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền về những việc làm trái pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân" (Khoản 1 Điều 30 Hiến pháp năm 2013); đồng thời nhằm tiếp tục quán triệt các chủ trương, Nghị quyết của Đảng về tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, giải quyết khiếu nại, tố cáo; Ngày 12/6/2018 Quốc hội khóa XIV thông qua Luật Tố cáo năm 2018 tại kỳ họp thứ 5 để thay thế Luật Tố cáo năm 2011.

Luật Tố cáo năm 2018 bao gồm 9 Chương với 67 Điều. Theo đó, Chương I những quy định chung; Chương II quyền và nghĩa vụ của người tố cáo, người bị tố cáo, người giải quyết tố cáo; Chương III giải quyết tố cáo đối với hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ; Chương IV giải quyết tố cáo đối với hành vi vi phạm pháp luật về quản lý nhà nước trong các lĩnh vực; Chương V trách nhiệm tổ chức thực hiện kết luận nội dung tố cáo; Chương VI bảo vệ người tố cáo; Chương VII trách nhiệm của cơ quan, tổ chức trong việc quản lý công tác giải quyết tố cáo; Chương VIII khen thưởng và xử lý vi phạm; Chương IX điều khoản thi hành.

Một số điểm mới đáng chú ý của Luật Tố cáo năm 2018:

1. Phạm vi điều chỉnh

Luật Tố cáo năm 2018 tiếp tục kế thừa quy định của Luật Tố cáo năm 2011 về phạm vi điều chỉnh, trong đó quy định về tố cáo và giải quyết tố cáo đối với 02 nhóm hành vi vi phạm pháp luật: tố cáo hành vi vi phạm trong việc thực thi nhiệm vụ, công vụ; tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về quản lý nhà nước trong các lĩnh vực. Bên cạnh đó, Luật Tố cáo còn quy định về vấn đề bảo vệ người tố cáo; trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong việc quản lý công tác giải quyết tố cáo. Đồng thời, để phân biệt việc giải quyết tố cáo trong Luật này với việc giải quyết đối với tố giác và tin báo về tội phạm, khoản 2 Điều 3 Luật này quy định: "Việc tiếp nhận, giải quyết tố giác và tin báo về tội phạm được thực hiện theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự".

2. Quyền và nghĩa vụ của người tố cáo, người bị tố cáo, người giải quyết tố cáo

Để đáp ứng yêu cầu thực tiễn, về cơ bản Luật Tố cáo 2018 tiếp tục kế thừa, phát triển các quy định của Luật Tố cáo năm 2011 về quyền, nghĩa vụ của người tố cáo, người bị tố cáo, người giải quyết tố cáo. Ngoài ra, Luật còn bổ sung quyết rút tố cáo của người tố cáo. Bên cạnh các quyền, Luật tố cáo quy định người tố cáo có các nghĩa vụ: cung cấp thông tin cá nhân quy định tại Điều 23 của Luật; trình bày trung thực về nội dung tố cáo; cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung tố cáo mà mình có được; chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung tố cáo của mình; hợp tác với người giải quyết tố cáo khi có yều cầu; bồi thường thiệt hại do hành vi cố ý tố cáo sai sự thật của mình gây ra (Điều 9).

Quyền và nghĩa vụ của người bị tố cáo và người giải quyết tố cáo được quy định cụ thể tại Điều 10 và Điều 11 của Luật.

3. Giải quyết tố cáo đối với hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ

Về nguyên tắc xác định thẩm quyền giải quyết tố cáo: ngoài việc tiếp tục kế thừa nguyên tắc xác định thẩm quyền trong Luật Tố cáo 2011, còn bổ sung thêm một số nguyên tắc để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn hiện nay: tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của cán bộ, công chức, viên cchức xảy ra trong thời gian công tác trước đây nay đã chuyển sang cơ quan, tổ chức khác hoặc không còn là cán bộ, công chức, viên chức; tố cáo đối với cán bộ, công chức, viên chức của cơ quan, tổ chức đã hợp nhật, sáp nhập, chia, tách; tố cáo cán bộ, công chức, viên chức của cơ quan, tổ chức đã bị giải thể; tố cáo cơ quan, tổ chức trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ (Điều 12).

Về thẩm quyền giải quyết tố cáo: Luật bổ sung quy định về thẩm quyền giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ trong Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, trong Kiểm toán nhà nước và trong các cơ quan khác của Nhà nước như tại các cơ quan thuộc Ủy ban thường vụ Quốc hội; Hội đồng nhân dân các cấp.. ; quy định về thẩm quyền giải quyết tố cáo trong các đơn vị sự nghiệp công lập và thẩm quyền giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ của người có chức danh, chức vụ trong doanh nghiệp nhà nước,...

3. Trong việc xử lý đối với thông tin tố cáo, Luật có quy định một số điểm mới:

Đối với đơn tố cáo được gửi đến nhiều nơi, Khoản 3 Điều 24 Luật tố cáo 2018 quy định: trường hợp tố cáo không thuộc thẩm quyền giải quyết của mình và được gửi đồng thời cho nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân, trong đó có cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết hoặc trường hợp đã hướng dẫn nhưng người tố cáo vẫn gửi tố cáo đến cơ quan, tổ chức, cá nhân không có thẩm quyền giải quyết thì cơ quan, tổ chức, cá nhân nhận được tố cáo không xử lý. Quy định này, nhằm tránh tình trạng người tố cáo gửi đơn tố cáo tràn lan, vượt cấp, đồng thời đảm bảo tính hiệu quả cho các cơ quan, tổ chức trong việc xử lý đối với tố cáo không thuộc thẩm quyền.

Đối với tố cáo nặc danh, mạo danh, Điều 25 Luật Tố cáo quy định: không xử lý đối với tố cáo không rõ họ tên, địa chỉ của người tố cáo hoặc qua kiểm tra, xác minh không xác định được người tố cáo hoặc người tố cáo sử dụng họ tên của người khác để tố cáo hoặc thông tin có nội dung tố cáo được phản ánh bằng đơn tố cáo.

+ Tiếp nhận, thanh tra, kiểm tra đối với tố cáo thuộc trường hợp nêu trên nhưng có nội dung rõ ràng về người có hành vi vi phạm pháp luật, có tài liệu, chứng cứ cụ thể về hành vi vi phạm pháp luật và có cơ sở để thẩm tra, xác minh.

4. Trình tự, thủ tục giải quyết tố cáo

Trình tự giải quyết tố cáo (Điều 28) được rút lại chỉ còn 04 bước thay vì 05 bước như quy định trước đây. 04 bước này gồm: thụ lý tố cáo; xác minh nội dung tố cáo; Kết luận nội dung tố cáo; xử lý kết luận nội dung tố cáo của người giải quyết tố cáo; bỏ bước công khai kết luận nội dung tố cáo, quyết định xử lý  hành vi vi phạm bị tố cáo của Luật Tố cáo năm 2011.

Thời hạn giải quyết tố cáo (Điều 30) là không quá 30 ngày, kể từ ngày thụ lý tố cáo; Trường hợp vụ việc quá phức tạp thì có thể gia hạn giải quyết tố cáo một lần nhưng không quá 30 ngày; đặc biệt phức tạp thì có thể gia hạn giải quyết tố cáo hai lần, mỗi lần không quá 30 ngày.

Theo Điều 33 Luật Tố cáo 2018: Người tố cáo có quyền rút toàn bộ nội dung tố cáo hoặc một phần nội dung tố cáo trước khi người giải quyết tố cáo ra kết luận nội dung tố cáo. Việc rút tố cáo phải được thực hiện bằng văn bản.

Người tố cáo rút tố cáo nhưng nếu lợi dụng việc tố cáo để vu khống, xúc phạm, gây thiệt hại cho người bị tố cáo thì vẫn phải chịu trách nhiệm về hành vi tố cáo của mình, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định.

5. Bảo vệ người tố cáo

Điều 47 Luật Tố cáo 2018 quy định rõ về đối tượng, phạm vi bảo vệ người tố cáo; Cụ thể: Bảo vệ người tố cáo là việc bảo vệ bí mật thông tin của người tố cáo; bảo vệ vị trí công tác, việc làm, tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự; nhân phẩm của người tố cáo, vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người tố cáo; với các biện pháp bảo vệ được quy định từ Điều 56 đến Điều 58.

Ngoài ra, Luật Tố cáo năm 2018 còn quy định trách nhiệm của cơ quan, tổ chức trong việc quản lý công tác giải quyết tố cáo; nguyên tắc giải quyết tố cáo, áp dụng pháp luật về tố cáo và giải quyết tố cáo, các hành vi bị nghiêm cấm; khen thưởng và xử lý vi phạm pháp luật về tố cáo và các điều khoản thi hành.

Luật Tố cáo 2018 sẽ chính thức có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2019.

X.R

Triểm lãm ảnh