Thời tiết

Đắk Nông
Pleiku
TP Hồ Chí Minh

Bản cam kết hỗ trợ

Đắk Nông với chương trình mỗi xã một sản phẩm
25/10/2018 | 15:37  | View count: 26912

Thực hiện Quyết định số 490/QĐ-TTg, ngày 7/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018-2020, Đắk Nông đang xây dựng Đề án Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) giai đoạn 2018-2020, định hướng đến 2030. Đây là Đề án phát triển kinh tế khu vực nông thôn và được xem là một động lực trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Nhiều tiềm năng

Điều kiện tự nhiên-xã hội của Đắk Nông tương đối thuận lợi để phát triển một hệ sinh thái đa dạng và bền vững, đặc biệt là các ngành nông, lâm nghiệp. Đây chính là cơ sở cho sự đa dạng hóa cơ cấu sản phẩm, phát huy lợi thế so sánh các yếu tố sinh thái của tỉnh để phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp và các sản phẩm thuộc ngành công nghiệp chế biến thực phẩm có giá trị kinh tế cao.

Đắk Nông có một số sản phẩm nông nghiệp đặc trưng như: Bơ sáp, xoài, cà phê Đắk Mil; hồ tiêu Đắk Song; mắc ca, khoai lang Tuy Đức, sầu riêng Gia Nghĩa… Đắk Nông còn có các khu bảo tồn thiên nhiên hình thành nên quần thể du lịch sinh thái tham quan, du lịch mạo hiểm, kết hợp với du lịch sông nước như: Hồ Ea Snô (Krông Nô), hồ Tây (Đắk Mil), hồ Trúc (Cư Jút), thác Đắk G'lun (Tuy Đức), Đray Sáp, Gia Long, Trinh Nữ (Cư Jút), Vườn Quốc gia Tà Đùng. Đặc biệt là hệ thống hang động núi lửa thuộc lưu vực sông Sêrêpốk, rất có giá trị về mặt khoa học, du lịch.

Thác Lưu Ly (Đắk Song) - một trong những sản phẩm du lịch đưa vào OCOP

Cùng với đó, Đắk Nông là vùng đất hội tụ của 40 dân tộc anh em cùng sinh sống nên rất đa dạng về phong tục tập quán, tạo nên một nền văn hóa đậm đà bản sắc. Tiêu biểu là Sử thi Ót N'drông của người M'nông đã tạo nên sự lôi cuốn, và các sản phẩm văn hóa mang tính đặc trưng như chiêng, đàn đá, những nhạc cụ thô sơ làm bằng tre, nứa... Đắk Nông có nhiều di tích lịch sử, văn hóa, có giá trị để gìn giữ, tôn tạo, khai thác phục vụ du lịch tiêu biểu nh­ư: Di tích lịch sử quốc gia Ngục Đắk Mil, Khu căn cứ kháng chiến B4 – Liên tỉnh IV, Đồn Buméra, buôn cổ Buôn Buôr… là những địa danh đã đi vào lịch sử của dân tộc, rất thuận lợi cho việc nghiên cứu, tìm hiểu, tham quan, du lịch.

Sở Nông nghiệp - PTNT là cơ quan chịu trách nhiệm chính trong việc tham mưu cho tỉnh trong chỉ đạo triển khai thực hiện Chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh. Hiện nay, dự thảo Đề án về chương trình đã hoàn thành việc lấy ý kiến các sở, ngành, địa phương, đang được chỉnh sửa để tham mưu ban hành.

Qua khảo sát và đánh giá thực trạng, hiện nay tỉnh Đắk Nông có rất nhiều sản phẩm đặc sản mang tính truyền thống, có giá trị kinh tế cao, cần được khôi phục, phát triển thành hàng hóa, mang lại nguồn thu nhập cho người dân. Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có 83 sản phẩm, thuộc 6 nhóm sản phẩm ngành chính. Trong đó, nhóm thực phẩm có 31 sản phẩm; nhóm đồ uống có 11 sản phẩm; nhóm thảo dược có 7 sản phẩm; nhóm vải và may mặc có 1 sản phẩm; nhóm lưu niệm - nội thất - trang trí có 5 sản phẩm; nhóm dịch vụ du lịch nông thôn 28 sản phẩm.

 

Chương trình mỗi xã, phường một sản phẩm (tiếng Anh là One Commune One Product, viết tắt là OCOP) đang ngày càng phát huy hiệu quả và trở thành thương hiệu riêng của nhiều quốc gia.

Xuất hiện đầu tiên ở những năm 1970 tại Nhật Bản, OCOP được biết đến như một chương trình làm nên sự đổi thay mạnh mẽ khu vực nông thôn cả về kinh tế-xã hội. Đến nay, rất nhiều nước trên thế giới đã đưa chương trình này vào áp dụng và gặt hái được nhiều thành công.

Tại Việt Nam, mặc dù hiện nay chương trình mới triển khai trên phạm vi toàn quốc, nhưng thực tế nhiều địa phương đã thực hiện từ nhiều năm trước đây. Quảng Ninh là địa phương đầu tiên và dẫn đầu cả nước triển khai Chương trình OCOP từ năm 2013. Từ chỗ chỉ có 40 sản phẩm và 30 đơn vị tham gia chương trình, đến nay Quảng Ninh đã phát triển thành gần 300 sản phẩm và hơn 200 đơn vị tích cực tham gia. Trên cơ sở phát triển sản phẩm, tỉnh cũng đã xây dựng quy hoạch 17 vùng sản xuất tập trung cấp tỉnh và trên 50 vùng sản xuất tập trung cấp huyện, xã.

Hiện cả nước có hơn 5.000 sản phẩm nông nghiệp lợi thế, thuộc 5 nhóm sản phẩm, trong đó nhóm thực phẩm có hơn 2.500 sản phẩm, hơn 1.000 sản phẩm đồ uống, 230 sản phẩm thảo dược, gần 600 sản phẩm thuộc nhóm dịch vụ du lịch nông thôn,... đã đăng ký tiêu chuẩn OCOP.

Đến nay đã có một số bộ, ngành và 60/63 tỉnh, thành phố triển khai xây dựng Đề cương, 30 tỉnh lập xong Đề án và đã có 4 tỉnh (Hà Giang, Bắc Kạn, Bắc Giang, Quảng Nam) phê duyệt Đề án OCOP giai đoạn 2018 - 2020. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam là cơ quan cấp bộ đầu tiên đã ban hành chương trình hướng dẫn thực hiện tín dụng cho OCOP.

 

Lộ trình cho từng giai đoạn

OCOP Đắk Nông đưa ra mục tiêu chung nhằm phát triển kinh tế khu vực nông thôn, nâng cao thu nhập, đời sống cho nhân dân, thực hiện có hiệu quả nhóm tiêu chí "Kinh tế và hình thức tổ chức sản xuất" trong Bộ tiêu chí Quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Trên cơ sở đó, sản phẩm tham gia OCOP phát huy những tiền đề đã có, khơi gợi nội lực để nâng tầm giá trị, trở thành sản phẩm đặc trưng địa phương, của tỉnh, phù hợp với chuỗi giá trị quốc gia và hướng đến xuất khẩu.

Giai đoạn 2018-2020, tỉnh xác định và đăng ký phát triển 21 sản phẩm thế mạnh hiện có của các địa phương tham gia Chương trình OCOP. Trong đó, nhóm thực phẩm 9 sản phẩm; nhóm đồ uống 8 sản phẩm; nhóm thảo dược 2 sản phẩm; nhóm lưu niệm, nội thất có 1 sản phẩm; nhóm dịch vụ du lịch nông thôn, bán hàng1 sản phẩm. Phát triển từ 1-2 làng du lịch sinh thái cộng đồng, kết hợp bảo tồn các giá trị văn hóa, tạo ra sản phẩm dịch vụ du lịch tham gia Chương trình OCOP. Công nhận, chứng nhận sản phẩm OCOP từ 3 đến 5 sản phẩm đạt hạng 4, hạng 5 sao, trong đó 1 đến 2 sản phẩm chất lượng cao đạt hạng 5 sao (đạt tiêu chuẩn quốc tế)...

Giai đoạn 2021-2030, tỉnh hướng đến mục tiêu bảo đảm tất cả các sản phẩm thuộc các nhóm sản phẩm OCOP hiện có trên địa bàn tỉnh đều tham gia Chương trình OCOP, đồng thời phát triển mới trên 50 sản phẩm. Công nhận, chứng nhận sản phẩm OCOP từ 5 đến 10 sản phẩm đạt hạng 4 đến 5 sao; trong đó 3 đến 5 sản phẩm chất lượng cao đạt hạng 5 sao. Toàn tỉnh phát triển mới khoảng 65 tổ chức kinh tế tham gia Chương trình OCOP, tạo ra khoảng 145 tổ chức kinh tế OCOP vào năm 2030. Các nội dung về phát triển nguồn nhân lực, duy trì chu trình OCOP thường niên, xây dựng, hoàn thiện hệ thống quản lý, điều hành Chương trình OCOP cũng được thúc đẩy đáp ứng yêu cầu về phát triển sản phẩm.

 

Trọng tâm của Chương trình OCOP là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, do các thành phần kinh tế tư nhân (doanh nghiệp, hộ sản xuất) và kinh tế tập thể thực hiện. Chương trình xác định 6 nhóm hàng hóa, dịch vụ để thực hiện là thực phẩm, đồ uống, thảo dược, lưu niệm - nội thất - trang trí, vải - may mặc và dịch vụ du lịch nông thôn. Sản phẩm OCOP được đánh giá theo 5 hạng, trong đó hạng 5 sao là cao nhất, bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng quốc tế.

 

Người dân là chủ thể sáng tạo

Ông Lê Trọng Yên, Giám đốc Sở Nông nghiệp - PTNT cho biết: Công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân là giải pháp quan trọng trong triển khai thực hiện Đề án OCOP. Bởi nếu không hiểu hoặc hiểu không đúng về OCOP sẽ không thể có đủ ý chí, quyết tâm thực hiện. Các cấp ủy, chính quyền phải quán triệt sâu sắc về tầm quan trọng và ý nghĩa của Đề án, coi đây là mấu chốt quyết định việc đạt được và duy trì bền vững tiêu chí nâng cao thu nhập cho cư dân nông thôn trong xây dựng nông thôn mới; đưa OCOP vào nghị quyết hành động của cấp ủy, kế hoạch, chương trình công tác chỉ đạo trọng tâm của chính quyền địa phương để triển khai thực hiện lâu dài và thường xuyên. Trong đó, tư tưởng xuyên suốt trong mọi hoạt động của OCOP chính là việc coi nông dân, người dân địa phương là chủ thể của mọi nội dung công việc. Điều quan trọng được nhấn mạnh là người dân địa phương tham gia một cách tự nguyện vào phong trào này với tư cách là chủ nhân của các hoạt động. Chính quyền địa phương chỉ đóng vai trò trợ giúp cho những nỗ lực, cố gắng của người dân chứ không phải là hướng dẫn hoặc ra mệnh lệnh cho họ. Các vấn đề về xây dựng hệ thống bộ máy chỉ đạo, điều hành, hệ thống hỗ trợ tín dụng, vùng sản xuất tập trung, khoa học công nghệ, xúc tiến thương mại cũng là những động lực trực tiếp cho OCOP Đắk Nông.        

Theo Đắk Nông Online

Triểm lãm ảnh