Thời tiết

Đắk Nông
Pleiku
TP Hồ Chí Minh

Bản cam kết hỗ trợ

Phần mềm truy xuất nguồn gốc nông sản- xu hướng của công nghệ hiện đại
19/10/2018 | 14:03  | View count: 8925

Trước nhu cầu tiêu dùng thực phẩm sạch sạch, hiện nay, rất nhiều hợp tác xã nông nghiệp, các trang trại, nông hộ đang chuyển mình theo hướng sản xuất sạch. Tuy nhiên, sự hạn chế về công nghệ và cả vốn đầu tư đã khiến nhiều nông hộ sản xuất sản phẩm an toàn vẫn phải bán sản phẩm ra với giá rẻ do không chứng minh được thông tin sản phẩm của mình. Mặt khác, yêu cầu của người tiêu dùng về minh bạch thông tin đối với các sản phẩm thực phẩm là vô cùng lớn. Nhiều người tiêu dùng vì lo lắng trước tình trạng thực phẩm bẩn tràn lan trên thị trường mà đang dần thay đổi thói quen mua sắm và tìm đến những siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch để mua thực phẩm an toàn. Trên thực tế, trong khi các siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch hiện chỉ mới chiếm 25%, còn lại là các chợ dân sinh với lượng hàng hoá chưa được kiểm soát chặt chẽ về mặt an toàn chất lượng thì đây thực sự là cuộc chiến không cân sức giữa thực phẩm an toàn và không an toàn. Trước tình trạng này, các phần mềm truy xuất nguồn gốc nông sản đã ra đời.

Truy xuất nguồn gốc điện tử là phương pháp thông tin hiện đại để người tiêu dùng có thể hiểu rõ hơn xuất xứ và chất lượng sản phẩm. Khi người tiêu dùng sử dụng smartphone (điện thoại thông minh) quét tem truy xuất, mọi thông tin cần biết về sản phẩm sẽ được hiển thị. Không chỉ người tiêu dùng được hưởng lợi từ việc truy xuất nguồn gốc nông sản mà nhà quản lý, doanh nghiệp và người sản xuất cũng có được những lợi ích không ngờ từ truy xuất nguồn gốc nông sản. Khi sử dụng truy xuất nguồn gốc nông sản, người tiêu dùng có thể biết được thực phẩm được trồng, chăn nuôi ở đâu; cách thức vận chuyển và phân phối thực phẩm như thế nào; những điểm bán nào phân phối nông sản sạch…nhờ đó mà bảo vệ sức khỏe của cả gia đình. Doanh nghiệp cũng sẽ tiết kiệm được thời gian, chi phí và nhân lực khi sử dụng truy xuất nguồn gốc nông sản. Không những thế, doanh nghiệp cũng có thể quản lý được việc phân phối thực phẩm của mình tại các điểm bán, đưa ra những chiến lược quảng bá và kinh doanh phù hợp, xây dựng lòng tin, uy tín thương hiệu đối với người tiêu dùng chỉ qua một giải pháp. Đặc biệt, đây còn là công cụ để đối phó với tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng. Bởi, mỗi sản phẩm đều được dán một mã riêng, khi đã được bán ra trên thị trường, tem sẽ bị hủy và không thể tái sử dụng cho mục đích làm nhái. Về lâu dài, các cơ sở sẽ không phải tốn kém kinh phí để giải quyết các rắc rối nảy sinh từ vấn nạn hàng giả, gian lận thương mại, buôn lậu. Trong khi đó, đối với các cơ quan quản lý nhà nước, giải pháp dán tem truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm cũng sẽ dễ dàng hơn trong công tác quản lý thị trường.

Mã QR được dán trên quả bơ tạo điều kiện cho người tiêu dùng nắm bắt các thông tin về nguồn gốc bơ.

 

Tại Đắk Nông, Liên minh Hợp tác xã (HTX) là đơn vị đầu tiên ứng dụng mã truy xuất nguồn gốc nông sản (MTXNGNS). Từ đầu tháng 12/2017, Liên minh Hợp tác xã bắt đầu triển khai chương trình dán tem truy xuất nguồn gốc, xuất xứ nông sản của một số HTX trên địa bàn tỉnh. Theo đó, ban đầu, có 5 sản phẩm nông sản thế mạnh của Đắk Nông đã được triển khai thí điểm việc dán tem truy xuất nguồn gốc bao gồm: Cà phê bột nguyên chất, tiêu hạt, mắc ca, chanh dây và tinh dầu từ quả gấc. Các HTX tham gia được cấp tem truy xuất nguồn gốc miễn phí để dán lên sản phẩm. Thông tin liên quan đến sản phẩm đăng tải trên Website của Liên minh HTX. Người tiêu dùng có thể sử dụng điện thoại thông minh có kết nối mạng để truy xuất, kiểm tra nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm thông qua ứng dụng quét mã vạch (QRcode). Theo đó, 5 sản phẩm hàng hóa của 5 HTX sẽ được dán tem truy xuất nguồn gốc gồm: Sản phẩm tiêu 5 màu của HTX Thuận Phát, Thuận Hà, Đắk Song; Sản phẩm tiêu đen hữu cơ của HTX hữu cơ Đồng Thuận, Nhân Cơ, Đắk R'lấp; Cà phê bột Đắk Đam của HTX Nông nghiệp Công Bằng Thuận An, Đắk Mil; Sản phẩm dầu gấc viên nang VINAGA-DHA của HTX Nông lâm nghiệp Nam Hà, Cư Jút; Sản phẩm chanh dây đóng hộp nguyên chất của HTX nông nghiệp Tia Sáng, thị xã Gia Nghĩa. 

Đến giữa năm 2018, nhân Lễ hội Mùa bơ chín, VNPT Đắk Nông cũng đã có ứng dụng MTXNGNS cho quả bơ, với các thông tin được truy xuất như: Tên chủ vườn bơ, sản phẩm bán trong hội chợ, số lượng tem đăng ký, diện tích canh tác, sản lượng cung cấp… Các tem truy xuất nguồn gốc này được VNPT hỗ trợ cho 100% các sản phẩm bơ tham dự tại Lễ hội.

Có thể khẳng định, việc dán tem truy xuất cho nông sản đang mang lại rất nhiều tiện ích, có lợi cho nhiều bên. Song, trên thực tế hiện nay số lượng nông sản hay sản phẩm khác được dán tem truy xuất còn khá hạn chế. Bởi vậy, đã đến lúc các cơ quan chức năng cũng như nhà sản xuất cần có các giải pháp đẩy mạnh thực hiện. Các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất, HTX và nông hộ cần coi việc dán tem truy xuất nguồn gốc trên sản phẩm của mình là nhiệm vụ cần thiết phải làm; từ đó, góp phần khuyến khích sản xuất sản phẩm sạch, bảo đảm an toàn, truy xuất được nguồn gốc của sản phẩm trên thị trường, đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.

Nguyễn Mai

 

Triểm lãm ảnh