Thời tiết

Đắk Nông
Pleiku
TP Hồ Chí Minh

Bản cam kết hỗ trợ

Điểu Tam - Gương sáng ở bon Đắk R’moan
13/04/2018 | 08:21  | View count: 4391

Hưởng ứng phong trào thi đua yêu nước do địa phương phát động, anh Điểu Tam ở bon Đắk R’moan, xã Đắk R’moan (thị xã Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông) không chỉ nỗ lực vươn lên trong phát triển kinh tế mà còn tích cực trong các phong trào, hoạt động ở địa phương.

Tự nguyện hiến đất

Đầu năm 2018, con đường dẫn vào bon Đắk R'moan như được "khoác thêm áo mới". Hai bên đường, trường mầm non, rồi nhà truyền thống mới được xây dựng, trở thành điểm nhấn của bon. Hỏi ra mới biết, đây là các công trình được thị xã Gia Nghĩa đầu tư xây dựng trên phần đất do anh Điểu Tam tự nguyện hiến với tổng diện tích khoảng 4.000m2.

Trường mầm non Hoa Hướng Dương được xây dựng trên phần đất do anh Điểu Tam hiến, góp phần giúp trẻ em đi học gần hơn

Gặp vợ chồng anh Điểu Tam, hỏi về chuyện hiến đất, ánh mắt cả hai ánh lên niềm vui. Anh Điểu Tam kể, ngày xưa, cuộc sống khó khăn, trường học ở tận ngầm 18, nên những người như anh phải đi bộ, đáp xe mất nhiều thời gian mới tới được trường. Anh may mắn hơn nhiều bạn bè cùng trang lứa khi biết được ít chữ để làm vốn học hỏi, đọc sách báo sau này. Riêng vợ anh thì không được đi học, đến nay vẫn không biết chữ. Vì vậy, khi thôn vận động hiến đất để làm trường học, hai vợ chồng đồng ý ngay. Từ ngày khởi công đến khi hoàn thành và đưa vào sử dụng, hàng ngày, hai vợ chồng anh đều đi xem tiến độ xây dựng trường đến đâu, mà chẳng hề tiếc nuối vì đã hiến đất.

Anh Điểu Tam cho biết: "Mảnh đất này, trước đây trồng điều và mỗi năm đều đem lại một khoản thu nhập đáng kể, nhưng không vì vậy mà tôi tiếc. Bởi tâm lý bà con mình là muốn con ở nhà làm rẫy nương, nên trường học ở xa là ngại, nên sẽ ảnh hưởng đến việc học của các con. Vì vậy, xây dựng trường mẫu giáo ngay tại bon sẽ giúp cho trẻ em nơi đây được đến trường đúng độ tuổi, được tiếp thu kiến thức, học tập văn hóa và vui chơi lành mạnh, phát triển toàn diện hơn. Ngày khánh thành trường, tôi cũng được mời đến dự. Vinh dự lắm, vui lắm".

Nhiều người nói anh Điểu Tam "khùng" vì đã hiến đất làm trường rồi, lại còn hiến đất làm nhà truyền thống bon với diện tích lớn mà không đòi hỏi quyền lợi, nhưng anh chỉ cười cho qua. Anh nói với chúng tôi, cái lợi lớn nhất mà anh nhận được đó là lưu giữ được truyền thống văn hóa dân tộc mình để truyền lại cho thế hệ sau, vì tiền rồi cũng sẽ tiêu hết, chỉ có nhà truyền thống ở lại thì nó mới không bao giờ mất. Vả lại hiện nay, bà con trong bon còn thiếu sự gắn kết trong việc sinh hoạt tập thể, giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm, nên việc xây dựng nhà truyền thống bon là rất cần thiết. Đây sẽ là không gian sinh hoạt chung cho bà con, sân chơi lành mạnh cho thanh thiếu niên và là nét đẹp văn hóa dân tộc. Hơn trên hết, việc xây dựng nhà truyền thống sẽ góp phần thực hiện hiệu quả xây dựng mô hình bon trọng điểm về văn hóa du lịch của tỉnh.

Nhà truyền thống bon Đắk R'Moan cũng được xây trên đất do anh Điểu Tam hiến tặng

Gương mẫu trong phát triển kinh tế

Anh Điểu Tam còn được biết đến là cá nhân gương mẫu trong phát triển kinh tế, xây dựng gia đình văn hóa. Gia đình anh hiện có 3 ha đất sản xuất, chủ yếu trồng cà phê, điều, tiêu, hàng năm thu được khoảng 200 triệu đồng. Con số này tuy chưa lớn, nhưng với bà con trong bon, đây là cả một sự cố gắng, nỗ lực không nhỏ.

Theo như anh Tam kể, tâm lý của nhiều bà con là ỷ lại, lười lao động, lười học tập, nên có những hộ nhiều năm liền nghèo vẫn hoàn nghèo. Nhưng anh không như vậy, lúc nào bản thân anh cũng thôi thúc mình tích cực lao động, học hỏi để thoát nghèo, đồng nghĩa với cuộc sống mình tốt hơn, có cái ăn, cái mặc, con cái được học hành đàng hoàng. Từ đó, anh luôn tích cực tham gia các lớp tập huấn về kỹ thuật, cải tiến và áp dụng phương thức canh tác mới nhằm nâng cao thu nhập cũng như thường xuyên đọc báo, học hỏi kinh nghiệm làm ăn.

Anh Điểu Tam (bên trái) là gương tiêu biểu trong phong trào sản xuất kinh doanh giỏi của bon Đắk R'Moan

Khi thấy nhiều nhà bỏ cà phê trồng tiêu thì anh vẫn kiên trì bám trụ với cây cà phê, một phần vì chưa hiểu hết về cây tiêu, phần thì anh nghĩ cứ trồng như vậy đến khi cây tiêu mất giá thì lại không có thu nhập. Vì vậy, anh lấy "ăn chắc mặc bền" làm phương châm, kết hợp áp dụng khoa học kỹ thuật để nâng cao hiệu quả canh tác. Kinh tế bền vững không chỉ là điều kiện để anh vươn lên khẳng định mình mà còn giúp anh có nhiều suy nghĩ tích cực, tiến bộ hơn về cuộc sống như hiến đất xây dựng công trình công cộng là ví dụ.

Ngoài phát triển kinh tế, anh Tam còn tích cực tham gia các cuộc vận động và phong trào xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh của địa phương như: đóng góp tiền làm đường giao thông nông thôn trong bon, giữ gìn vệ sinh môi trường, dọn dẹp vệ sinh các con đường trong bon sạch, đẹp.

Với tinh thần chia sẻ vì cộng đồng, cho đi không mong nhận lại và nỗ lực phát triển kinh tế gia đình, anh Điểu Tam hiện là tấm gương sáng cho bà con trong bon noi theo. Sự cống hiến của anh đã góp phần làm cho bộ mặt bon Đắk R'moan thêm khởi sắc, cuộc sống bà con hứa hẹn tươi sáng, phát triển hơn. Anh Điểu Tam tâm sự: "Qua việc làm của mình, tôi mong muốn bà con cùng chung tay, góp sức, bắt đầu từ những việc nhỏ nhất, tùy theo khả năng của mình để góp phần vào sự phát triển chung của bon và cũng chính là sự phát triển của chính mình".

Theo Đắk Nông Online

Triểm lãm ảnh