Ngày Hiến máu Thế giới được tổ chức trên toàn thế giới vào ngày 14/6 nhằm ghi nhận và tôn vinh hành động cao đẹp của những người tham gia hiến máu cứu người (Ảnh: WHO) |
Năm nay, khẩu hiệu của Ngày Hiến máu Thế giới là "Hiến máu là một hành động đoàn kết – Chung sức, cứu người ". Khẩu hiệu này nhằm hướng sự chú ý đến vai trò của việc hiến máu cứu người và tăng cường tình đoàn kết trong cộng đồng.
Máu và các chế phẩm từ máu là những nguồn lực cần thiết để giúp đỡ những người cần truyền máu: những phụ nữ bị mất máu liên quan đến thai nghén và sinh đẻ; trẻ em bị thiếu máu nặng do sốt rét và suy dinh dưỡng; bệnh nhân bị rối loạn máu và tủy xương, rối loạn di truyền huyết sắc tố và các tình trạng suy giảm miễn dịch; nạn nhân chấn thương, cấp cứu, thảm họa và tai nạn; cũng như những bệnh nhân đang trải qua các quy trình y tế và phẫu thuật tiên tiến.
Thực tế cho thấy, nhu cầu về máu là phổ biến, nhưng khả năng tiếp cận máu đối với tất cả những người cần máu thì còn hạn chế. Tình trạng thiếu máu đặc biệt nghiêm trọng ở các nước có thu nhập thấp và trung bình.
Số liệu từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho thấy, trong số 118,5 triệu lượt hiến máu được thu thập trên toàn cầu, 40% trong số này được thu thập ở các quốc gia có thu nhập cao, nơi sinh sống của 16% dân số thế giới. Trong khi đó, ở các nước thu nhập thấp, có tới 54% số ca truyền máu được truyền cho trẻ em dưới 5 tuổi; trong khi ở các nước có thu nhập cao, nhóm bệnh nhân được truyền máu thường xuyên nhất là trên 60 tuổi, chiếm tới 76% tổng số ca truyền máu.
Hiến máu cứu người – nghĩa cử đẹp tăng cường tình đoàn kết trong cộng đồng (Ảnh: WHO) |
Theo WHO, để đảm bảo rằng tất cả những người cần truyền máu đều được tiếp cận với nguồn máu an toàn thì tất cả các quốc gia đều cần những người hiến máu tình nguyện, và hoạt động hiến máu cần được duy trì thường xuyên.
Một chương trình hiến máu hiệu quả, đặc trưng bởi sự tham gia rộng rãi và tích cực của người dân, là yếu tố quan trọng trong việc đáp ứng nhu cầu truyền máu trong điều kiện bình thường cũng như trong trường hợp khẩn cấp hoặc thảm họa. Bên cạnh đó, hoạt động hiến máu nhân đạo cũng góp phần tạo ra mối quan hệ xã hội và xây dựng một cộng đồng đoàn kết.
Ngày Hiến máu Thế giới được tổ chức từ năm 2004 khi WHO, Hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ Quốc tế, Hiệp hội Truyền máu Quốc tế và Hiệp hội Người hiến máu Thế giới đã lấy ngày 14/6 để tôn vinh những người hiến máu. Ngày 14/6 còn là ngày sinh của vị giáo sư người Áo, Karl Lendsteiner - người đầu tiên phát hiện ra hệ nhóm máu ABO vào năm 1900. Phát hiện này của ông đã giúp mang tới bước tiến quan trọng trong lịch sử truyền máu của nhân loại./.
Theo dangcongsan.vn