Thời tiết
Đắk Nông | |
Pleiku | |
TP Hồ Chí Minh |
Bản cam kết hỗ trợ
Những ngày này, người dân thôn Xuân Bình, xã Đắk Sắk (Đắk Mil) và thôn 4, xã Đắk Môl (Đắk Song) đang cùng nhau góp của, chung sức cùng nhà nước xây dựng tuyến đường chung đi qua địa bàn hai thôn.
Đoạn đường giữa thôn Xuân Bình và thôn 4 đang được thi công |
Nhiều năm nay, con đường đi qua hai thôn Xuân Bình, xã Đắk Sắk và thôn 4, xã Đắk Môl chưa được cứng hóa nên luôn trong tình trạng "nắng bụi', "mưa lầy lội", gây rất nhiều khó khăn cho sinh hoạt và phát triển sản xuất của người dân. Trong khi đó, vì tuyến đường giáp ranh giữa hai huyện Đắk Mil và Đắk Song nên vấn đề ghi vốn, huy động nguồn lực cũng khó khăn.
Năm 2016, xã Đắk Sắk (Đắk Mil) đứng ra đảm nhận trách nhiệm huy động nguồn lực để xây dựng đường bê tông nông thôn theo chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM). Đến đầu năm 2017, việc xây dựng đường được lên phương án, triển khai họp dân, huy động đóng góp cùng với nhà nước thi công công trình.
Ngay khi có chủ trương xây dựng NTM, chi bộ, chính quyền, đoàn thể mỗi thôn đã chú trọng tổ chức họp, lấy ý kiến rộng rãi, giải đáp mọi thắc mắc để tạo sự đồng thuận trong nhân dân. Để tạo sự công bằng, Ban tự quản mỗi thôn đã chia các hộ dân ở theo "vị trí địa lý" thành các "cấp độ hưởng lợi" khác nhau. Theo đó, các hộ gia đình nào có nhà ở, đất sát đường bê tông đang xây dựng thì phải đóng góp cao hơn các hộ khác ở các vị trí không thuận lợi. Các hộ nghèo, gia đình khó khăn, người già neo đơn thì được miễn hoặc đóng góp theo tinh thần tự nguyện và khả năng.
Đường có chiều dài khoảng 2 km, chiều rộng 3,5m, mặt đường dày 17cm, tổng kinh phí khoảng 1,6 tỷ đồng. Nhà nước hỗ trợ khoảng 800 triệu đồng bằng vật liệu như đá, cát, xi măng, còn người dân 2 thôn đóng góp khoảng 800 triệu đồng đối ứng và trực tiếp thi công.
Ông Hoàng Đức Quý, trưởng thôn Xuân Bình chia sẻ: Mặc dù trong thôn kinh tế hộ gia đình không đồng đều, hộ khá ít, nhưng khi thấy được cái lợi từ việc xây dựng đường giao thông nông thôn người dân đã tích cực tham gia. Bên cạnh đó, ban tự quản các thôn chia việc thu tiền làm đường thành nhiều đợt để chia sẻ, giảm gánh nặng cho người dân, tránh việc cùng một lúc phải đóng góp số tiền lớn. Để bảo đảm chất lượng công trình, 2 thôn đã thành lập các tổ giám sát để trực tiếp theo sát thi công.
Ông Nguyễn Trường Sơn, trưởng thôn 4 cho biết: "Ngay khi xã có chủ trương làm đường, Ban tự quản thôn tổ chức họp toàn thể nhân dân để cung cấp thông tin, quá trình thực hiện, tuyên truyền, vận động mọi người hiểu về mục đích, ý nghĩa, xác định rõ trách nhiệm trong việc góp phần xây dựng đường. Người dân hiểu được việc đóng góp và hưởng lợi đã tạo điều kiện thuận lợi cho Ban tự quản thôn thu kinh phí làm đường".
Có sự đồng thuận cao nên người dân tích cực tham gia, tự nguyện đóng góp sức người, sức của để xây dựng đường. Chị Hoàng Thị Hoàng, người dân sống gần con đường phấn khởi cho biết: "Tôi chỉ mong đoạn đường sớm hoàn thành để đi lại thuận lợi, mưa xuống không còn thấy cảnh người dân, con em trong thôn đi lại trên con đường lầy lội, bị té ngã như trước nữa".
Đường ở nông thôn được xây dựng góp phần thay đổi bộ mặt vùng quê, người dân thuận lợi hơn trong đi lại, phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống.