Thời tiết
Đắk Nông | |
Pleiku | |
TP Hồ Chí Minh |
Bản cam kết hỗ trợ
Sáng 3/11, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai kết luận của Bộ Chính trị về định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ; Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng đồng chủ trì hội nghị.
Đồng chí Ngô Thanh Danh, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh, cùng các ĐBQH tỉnh, Thường trực HĐND, UBND, Ủy ban MTTQVN tỉnh tham dự tại điểm cầu Đắk Nông.
Đồng chí Ngô Thanh Danh, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh chủ trì tại điểm cầu tỉnh Đắk Nông |
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng yêu cầu, quá trình xây dựng, ban hành luật phải thận trọng, chắc chắn, chuẩn bị sớm, làm tốt từng khâu, đặt yêu cầu cao về chất lượng, không chạy theo số lượng; lấy quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, doanh nghiệp và lợi ích quốc gia, dân tộc làm trọng tâm; tăng cường giám sát, kiểm soát việc thực hiện quyền lực nhà nước; thúc đẩy đổi mới sáng tạo.
Cùng với chống tiêu cực ngay trong công tác xây dựng pháp luật, không bị chi phối, tác động bởi các hành vi không lành mạnh của bất cứ tổ chức, cá nhân nào thì tuyệt đối không để xảy ra tình trạng "tham nhũng chính sách", không được lồng ghép "lợi ích nhóm", lợi ích cục bộ của cơ quan quản lý nhà nước trong văn bản pháp luật hoặc chỉ thiên về tạo thuận lợi cho cơ quan quản lý nhà nước, mà thiếu đồng hành với người dân, doanh nghiệp.
Việc xây dựng pháp luật phải bám sát và đáp ứng kịp thời yêu cầu thực tiễn, giải quyết những vấn đề mới nảy sinh; đồng thời, phải bình tĩnh, nghiên cứu, dự báo thấu đáo, khoa học những vấn đề của thực tiễn đặt ra, không nóng vội, chủ quan, chạy theo dư luận xã hội….
Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Đắk Nông |
Hội nghị đã nghe báo cáo một số nội dung cơ bản của đề án, kế hoạch của Ủy ban Thường vụ Quốc hội triển khai thực hiện kết luận của Bộ Chính trị và yêu cầu, nội dung xây dựng kế hoạch triển khai của các cơ quan, tổ chức, các giải pháp bảo đảm thực hiện đề án…
Theo đó, trên cơ sở 8 nhóm định hướng lớn và 70 định hướng cụ thể, căn cứ vào quỹ thời gian thực tế và khả năng thực hiện, Đảng đoàn Quốc hội và các cơ quan thống nhất xác định 137 nhiệm vụ lập pháp cần phải thực hiện trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV trên tổng số 193 nhiệm vụ do các cơ quan, tổ chức đề xuất. Cụ thể, 12 nhiệm vụ đã có trong Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2021 và 2022; 88 nhiệm vụ nghiên cứu, rà soát các văn bản luật hiện hành và 37 nhiệm vụ nghiên cứu, xây dựng văn bản mới.
Trong số 137 nhiệm vụ lập pháp, đến nay đã hoàn thành việc nghiên cứu, rà soát đối với 16 nhiệm vụ, gồm 13 dự án luật được đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021 và 2022; 3 dự án luật đang được đề nghị xem xét, bổ sung vào chương trình năm 2022.
Phát biểu kết luận hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ yêu cầu, cần chú trọng nâng cao nhận thức về vai trò, ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác xây dựng pháp luật, hoàn thiện thể chế, không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác lập pháp. Trong xây dựng pháp luật, cần phải ưu tiên cao nhất cho chất lượng, không chạy theo số lượng, cố gắng khắc phục cơ bản những hạn chế, bất cập đã được các cơ quan nhận diện và chỉ ra trong quá trình tổng kết, xây dựng đề án. Các cơ quan không ngừng đổi mới, tìm tòi, cải tiến quy trình, thủ tục để nâng cao hiệu quả công tác xây dựng, ban hành pháp luật.
Theo Báo Đắk Nông Điện tử