BẢN CAM KẾT HỖ TRỢ DOANH NGHIỆP VÀ NHÀ ĐẦU TƯ
Trong đợt mưa lũ vừa qua, công trình thủy điện Đắk Kar (Đắk R’lấp) đã gặp sự cố kẹt van xả nước, suýt gây ra thảm họa nghiêm trọng nếu không có sự chỉ đạo kịp thời của các cấp lãnh đạo. Sự cố này đã để lại một số vấn đề cần được quan tâm hơn trong công tác kiểm tra, giám sát bảo đảm an toàn hồ đập tại các công trình thủy điện.
Tích nước sai quy định
Chiều 9/8/2019, chúng tôi có mặt tại công trình thủy điện Đắk Kar. Tại hiện trường, theo ghi nhận, thân đập, đỉnh đập của công trình đều làm bằng đất. Hai bên thân đập được gia cố bằng đá hộc, xi măng, nhưng nhìn bằng cảm quan không có sự chắc chắc, nhiều chỗ bong tróc.
Hồ thủy điện Đắk Kar chưa hoàn thành đã đóng cửa van tích nước |
Công trình đang trong quá trình thi công, dự kiến hoàn thành vào cuối năm nay, nhưng đã được tích nước. Do đó, khi gặp mưa lớn, mực nước tăng cao, van xả tràn đã bị kẹt do cây cối và rác vướng vào. Hậu quả, công trình không điều tiết được nước và suýt vỡ đập. Theo báo cáo của Công ty Cổ phần Thủy điện Đắk Kar, ngày 6/8/2019, có thời điểm mực nước hồ chứa đạt cao trình 496,5m, sát mức tối đa cho phép. Rất may, thời điểm đó một đoạn đường ống dẫn nước áp lực bị vỡ, nước thoát ra ngoài và giảm áp lực, tránh được tình trạng vỡ đập.
Theo khẳng định của ông Lê Viết Thuận, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Đắk Nông, việc Công ty Cổ phần Thủy điện Đắk Kar đóng cửa van khi công trình đang xây dựng là sai quy định. Điều này cũng thể hiện sự chủ quan, lơ là trong công tác phòng, chống thiên tai của chủ đầu tư dự án. May mắn là sự chủ quan đó chưa để lại hậu quả, nếu không cái giá phải trả là rất đắt.
Một cửa van bị rác chắn lại, nước không thể thoát |
Cũng theo Công ty Cổ phần Thủy điện Đắk Kar, việc tích nước đã được đơn vị thực hiện trước cả đợt mưa lũ nhiều ngày, nên lượng nước trong hồ chứa mới tăng cao. Điều này cũng cho thấy, công tác kiểm tra, giám sát về hoạt động của thủy điện Đắk Kar chưa được cơ quan chức năng quan tâm.
Một điểm hư hỏng tại thân đập |
May mắn thoát khỏi hiểm họa
Sự cố thủy điện Đắk Kar đã gây hoang mang cho người dân, nhất là những gia đình sinh sống ở vùng hạ du của thủy điện này. Đã có khoảng 5.000 người dân vùng hạ du phía tỉnh Bình Phước được di dời khẩn cấp. Tại Đắk Nông, lực lượng chức năng cũng kêu gọi, di dời 200 hộ dân, với gần 500 người về nơi an toàn ngay sau khi có cảnh báo nguy cơ vỡ đập thủy điện Đắk Kar.
Có thể nói, sự cố thủy điện Đắk Kar chưa để lại hậu quả còn có yếu tố may mắn. Sở dĩ nói là may mắn vì nếu đường ống áp suất không vỡ đúng lúc thì gần như chắc chắn đập thủy điện Đắk Kar sẽ vượt quá mức chịu đựng cho phép và vỡ. Thậm chí, chủ nhà máy thủy điện Đắk Kar và cơ quan chức năng đã có lúc rơi vào bế tắc và phương án nổ mìn để giải phóng bớt mực nước trong đập đã tính đến.
Đường đỉnh đập chưa hoàn thành |
Sự cố van xả đáy thủy điện Đắk Kar cũng khiến dư luận trong nước quan tâm. Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã có văn bản chỉ đạo xử lý nghiêm các sai phạm (nếu có) tại thủy điện Đắk Kar theo đúng quy định của pháp luật. Đồng thời, Phó thủ Tướng cũng yêu cầu Bộ Công Thương và UBND tỉnh Đắk Nông giám sát chủ đầu tư công trình khẩn trương khắc phục sự cố, triển khai ngay các biện pháp bảo đảm an toàn cho công trình và dân cư vùng hạ du theo đúng quy định. Theo yêu cầu của Phó Thủ tướng, các đơn vị chức năng không cho phép tích nước tại đập thủy điện Đắk Kar nếu chưa bảo đảm vận hành an toàn.
Trao đổi về sự việc, ông Bùi Huy Thành, Giám đốc Sở Công Thương cho biết, công trình thủy điện Đắk Kar chủ yếu nằm ở địa giới tỉnh Bình Phước. Do đó, công tác theo dõi, kiểm tra, giám sát công tình này chủ yếu do cơ quan chức năng tỉnh Bình Phước thực hiện. Đến nay, Sở Công Thương tỉnh Đắk Nông cũng chưa nắm được việc theo dõi, kiểm tra, giám sát của các cơ quan chức năng tỉnh Bình Phước đã diễn ra như thế nào. Còn việc phê duyệt các phương án về phòng, chống lũ lụt, bảo đảm an toàn hồ đập của công trình này lại thuộc thẩm quyền của Bộ Công Thương. Với vai trò của mình, Sở Công Thương tỉnh Đắk Nông sẽ tăng cường kiểm tra, phối hợp với tỉnh Bình Phước kiểm soát việc thực hiện bảo đảm an toàn hồ đập tại thủy điện Đắk Kar trong thời gian tới.
Thủy điện Đắk Kar nằm trên địa bàn huyện Đắk R'lấp và huyện Bù Đăng (Bình Phước), có công suất 12MW, do Công ty Cổ phần Thủy điện Đắk Kar làm chủ đầu tư. Công trình được khởi công xây dựng từ cuối năm 2017 và dự kiến hoàn thành, đi vào vận hành vào cuối năm nay. Dung tích hồ chứa của thủy điện Đắk Kar được phê duyệt thiết kế 11,6 triệu m3. |
Theo Báo Đắk Nông điện tử