BẢN CAM KẾT HỖ TRỢ DOANH NGHIỆP VÀ NHÀ ĐẦU TƯ
Ngày 05/7, UBND tỉnh tổ chức Hội nghị tổng kết, đánh giá công tác triển khai và nhân rộng mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh Đắk Nông với sự tham gia của lãnh đạo các sở, ngành, cùng đại diện các doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân tiêu biểu trong toàn tỉnh. Đồng chí Trương Thanh Tùng - TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì Hội nghị
Toàn cảnh Hội nghị |
Theo báo cáo tại Hội nghị, qua 05 năm triển khai thực hiện, Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 05/4/2011 của Tỉnh ủy Đắk Nông về phát triển nông nghiệp công nghệ cao giai đoạn 2011-2015 và định hướng đến năm 2020 đã thực sự đi vào cuộc sống, được đông đảo tầng lớp nông dân và doanh nghiệp hưởng ứng triển khai, thực hiện và đạt được những kết quả thiết thực.
Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã góp phần tăng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp. Cơ cấu kinh tế đang dịch chuyển theo hướng giảm tỷ trọng nông nghiệp nhưng vẫn tăng về giá trị sản xuất của ngành. Sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã tạo bước đột phá về nhận thức và hành động trong cộng đồng; tập quán canh tác cơ bản thay đổi theo hướng hiệu quả và chất lượng, khai thác tốt hơn các điều kiện tự nhiên, lợi thế của vùng đất đỏ bazan Tây Nguyên, hướng đến sản xuất bền vững gắn với bảo vệ môi trường.
Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 3.283 mô hình trồng trọt, chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao, trong đó có 1.557 mô hình doanh nghiệp (công ty, hợp tác xã, tổ hợp tác). Mô hình nhà lồng được xây dựng hầu hết tại các huyện. Công nghệ tưới tiết kiệm kết hợp bón phân được ứng dụng rộng rãi. Nhiều cách làm mới và nhiều mô hình sản xuất được các doanh nghiệp và người dân mạnh dạn thực hiện, đem lại hiệu quả cao, nâng cao thu nhập trên cùng đơn vị diện tích.
Cùng với đó, nhiều địa phương trong tỉnh đã chủ động huy động nguồn lực vật lực từ các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp, thu hút vốn từ bên ngoài từ các tỉnh để phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đồng thời chọn những loại mô hình phù hợp với lợi thế của mình và khả năng phát triển tốt để ứng dụng tại địa phương, nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cao nhất. Cụ thể, huyện Cư Jút và Krông Nô tập trung phát triển đàn bò, trồng rau, cây dược liệu, cây lương thực, cây công nghiệp ngắn ngày; huyện Đắk Mil tập trung vào cây công nghiệp chủ lực là cà phê, hồ tiêu, cây ăn trái, rau và hoa; huyện Đắk Song tập trung vào cây hồ tiêu; huyện Đắk R'Lấp, Đắk Glong, Tuy Đức và Thị xã Gia Nghĩa ngoài tập trung phát triển cây chủ lực còn tập trung phát triển cây ăn trái như cam, quýt.
Đồng chí Trương Thanh Tùng trao bằng khen của UBND tỉnh cho các cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc triển khai, nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh |
Bên cạnh đánh giá những kết quả đã đạt được trong thời gian qua, tại hội nghị, các đại biểu đã thảo luận, trao đổi về những khó khăn, thách thức trong thời gian qua và bàn các giải pháp để tiếp tục triển khai và nhân rộng các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh. Theo đó, trong thời gian tới tỉnh Đắk Nông tập trung vào các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm như: hoàn thành và tổ chức quy hoạch nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của tỉnh và triển khai hoạt động có hiệu quả tại Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao để làm đầu tàu cho phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên toàn tỉnh; liên kết với các doanh nghiệp tìm đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao để có giá thành hợp lý tương xứng với tiềm năng ứng dụng khoa học công nghệ; liên kết chuỗi giá trị, tạo sản phẩm có chất lượng, số lượng lớn đáp ứng tốt với thị trường; đầu tư thỏa đáng cho công tác khuyến nông, tăng cường hợp tác giữa các cơ quan nghiên cứu, chuyển giao với người sản xuất; đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp như đường giao thông nông thôn, đường vào các khu sản xuất tập trung, hệ thống lưới điện, công trình thủy lợi…
Trao bằng khen của UBND tỉnh cho các tập thể |
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Trương Thanh Tùng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp và khẳng định đó là một hướng đi tất yếu trong tương lai. Do vậy, trong thời gian tới, các ngành, địa phương cần tiếp tăng cường công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức để người nông dân mạnh dạn ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất phù hợp với năng lực tài chính và trình độ kỹ thuật của người dân; triển khai nhân rộng các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao có hiệu quả phù hợp với điều kiện tự nhiên của vùng, ưu tiên phát triển những cây con có chất lượng và giá trị kinh tế cao, sản phẩm sạch đáp ứng nhu cầu thị trường hướng đến xuất khẩu. Để việc triển khai có hiệu quả thì yếu tố thị trường đầu ra cần được quan tâm, chú trọng; lượng hàng hóa phải đủ lớn, chất lượng phải đảm bảo để cạnh tranh trên thị trường.
Nhân dịp này, UBND tỉnh và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Nông đã trao bằng khen và giấy khen cho các tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc triển khai và nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua.
Sam Nguyễn