BẢN CAM KẾT HỖ TRỢ DOANH NGHIỆP VÀ NHÀ ĐẦU TƯ
Sáng 12/11/2018, tại phiên thảo luận tại Tổ của Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa 14 về dự thảo Luật quản lý thuế (sửa đổi), Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông Võ Đình Tín đã tham gia góp ý một số vấn đề liên quan đến dự thảo luật.
Đại biểu Quốc hội Võ Đình Tín tham gia góp ý kiến tại Tổ về dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) |
Về nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của Kiểm toán nhà nước
Tại khoản 1 Điều 21 của dự thảo Luật quy định nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của Kiểm toán nhà nước là: "Thực hiện kiểm toán các hoạt động đối với cơ quan quản lý thuế theo quy định của pháp luật về kiểm toán nhà nước, quy định của pháp luật về quản lý thuế và các quy định của pháp luật có liên quan".
Theo đại biểu Võ Đình Tín, quy định về nội dung này của dự thảo là chưa đầy đủ và thiếu tính thống nhất với quy định của Hiến pháp năm 2013, Luật Kiểm toán nhà nước và Luật Ngân sách nhà nước năm 2015 về phạm vi, trách nhiệm của Kiểm toán nhà nước trong lĩnh vực thuế, cụ thể như sau:
Thứ nhất, đối tượng kiểm toán Nhà nước theo quy định tại khoản 1 Điều 118 của Hiến pháp, Điều 4 của Luật Kiểm toán nhà nước là "Việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công và các hoạt động có liên quan đến việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công". Tại khoản 10 Điều 3 của Luật Kiểm toán nhà nước cũng đã quy định rõ tài chính công bao gồm ngân sách nhà nước, tại khoản 4 Điều 14 của Luật Ngân sách nhà nước quy định "ngân sách nhà nước là bao gồm các khoản thu, chi của nhà nước". Do đó, nếu quy định như dự thảo Luật thì chỉ mới thể hiện được vai trò của Kiểm toán nhà nước (KTNN) đối với hoạt động của cơ quan quản lý trong việc quản lý, sử dụng kinh phí, tài sản do nhà nước cấp, chứ chưa bao quát đầy đủ phạm vi, trách nhiệm của KTNN đối với các hoạt động liên quan đến quản lý thuế, nghĩa vụ của người nộp thuế theo đúng quy định của pháp luật về kiểm toán nhà nước, quy định của pháp luật về quản lý thuế.
Thứ hai, thực tế qua các báo cáo của kiểm toán về ngân sách nhà nước (NSNN) từ năm 2016 trở lại đây cho thấy, tình trạng người nộp thuế kê khai thiếu doanh thu, xác định sai chi phí, từ đó tính thiếu thuế giá trị gia tăng (GTGT), thuế thu nhập doanh nghiệp và lợi nhuận còn lại phải nộp NSNN… vẫn diễn ra khá phổ biến. Năm 2016, KTNN xác định và kiến nghị số phải thu hồi nộp NSNN tăng thêm 2.060 tỷ đồng; năm 2017 là 1.351 tỷ đồng và 9 tháng đầu năm 2018 là 1.769 tỷ đồng. Ngoài ra, tại cuộc kiểm toán chuyên đề của KTNN về công tác quản lý hoàn thuế giá trị gia tăng tại Tổng cục thuế và một số tỉnh, thành phố, KTNN đã kiến nghị xử lý sai phạm trong việc thực hiện hoàn thuế đã vi phạm quy định thu hồi nộp NSNN là 1.396 tỷ đồng.
Vì vậy, để dự thảo Luật thể hiện một cách rõ ràng, đầy đủ về phạm vi, trách nhiệm của KTNN đối với các hoạt động liên quan đến quản lý thuế, nghĩa vụ của người nộp thuế theo đúng quy định của pháp luật về kiểm toán nhà nước, quy định của pháp luật về thuế, quản lý thuế vừa bảo đảm phù hợp vừa thống nhất với các quy định của Hiến pháp và pháp luật hiện hành, đại biểu Võ Đình Tín đề nghị cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu, điều chỉnh, bổ sung quy định trên cho phù hợp.
Về việc kiểm tra, thanh tra lại kiến nghị của Kiểm toán nhà nước, kết luận của của cơ quan thanh tra nhà nước khi thanh tra tại cơ quan quản lý thuế.
Tại khoản 2 Điều 21 của dự thảo Luật quy định: "Đối với kiến nghị của cơ quan kiểm toán nhà nước khi kiểm toán tại cơ quan quản lý thuế mà có liên quan đến việc thực hiện nghĩa vụ thuế của người nộp thuế thì cơ quan quản lý thuế thực hiện việc kiểm tra, thanh tra thuế theo quy định tại Điều 110, Điều 113, khoản 3 Điều 119 của Luật này".
Tương tự, tại khoản 2 Điều 22 của dự thảo Luật quy định: "Đối với kết luận của cơ quan thanh tra nhà nước khi thanh tra tại cơ quan quản lý thuế mà có liên quan đến việc thực hiện nghĩa vụ thuế của người nộp thuế thì cơ quan quản lý thuế thực hiện việc kiểm tra, thanh tra thuế theo quy định tại Điều 110, Điều 113, khoản 3 Điều 119 của Luật này"
Đại biểu Tin cho rằng, quy định như trên không phù hợp với Luật Kiểm toán nhà nước và Luật Thanh tra bởi vì cơ quan quản lý thuế cũng là một trong những đối tượng được kiểm toán (theo Điều 55 của Luật Kiểm toán Nhà nước). Do đó, nếu quy định cơ quan quản lý thuế mà kiểm tra, thanh tra lại kiến nghị của KTNN, kết luận của cơ quan thanh tra nhà nước là không phù hợp, hơn nữa quy định như vậy cũng mâu thuẫn ngay trong nội tại giữa khoản 1 và khoản 2 của Điều 21; cũng như có sự mâu thuẫn giữa khoản 1 và khoản 2 của Điều 22. Theo đại biểu Tín, trong trường hợp này cơ quan quản lý thuế chỉ có thể kiến nghị hoặc khiếu nại đối với KTNN hoặc cơ quan thanh tra nhà nước nếu có cơ sở xác định kết luận của KTNN là không chính xác.
Ngoài ra, đại biểu Võ Đình Tín cũng cho rằng quy định tại khoản 2 Điều 21 của dự thảo luật cũng không phù hợp với vai trò hiến định độc lập và chỉ tuân theo pháp luật của KTNN, trái với quy định về giá trị pháp lý của báo cáo kiểm toán nhà nước được quy định tại khoản 1, Điều 7 của Luật Kiểm toán nhà nước đó là: "Báo cáo kiểm toán của Kiểm toán nhà nước sau khi phát hành và công khai có giá trị bắt buộc phải thực hiện đối với đơn vị được kiểm toán về sai phạm trong việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công".
Từ những lý do nêu trên, đại biểu Võ Đình Tín đề nghị cơ quan soạn thảo điều chỉnh khoản 2, Điều 21 của dự thảo luật theo hướng như sau: "Kiểm toán nhà nước chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung kết luận do kiểm toán nhà nước ban hành theo quy định của Luật Kiểm toán nhà nước".
T.T