BẢN CAM KẾT HỖ TRỢ DOANH NGHIỆP VÀ NHÀ ĐẦU TƯ
Hiện nay, thời tiết thường xuyên thay đổi tạo điều kiện cho nhiều loại bệnh truyền nhiễm gia tăng, trong đó có bệnh tay-chân-miệng (TCM). Trước tình hình bệnh TCM diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương trong cả nước, ngành Y tế đã chỉ đạo các cơ sở y tế trên địa bàn tăng cường phòng, chống bệnh nhằm ngăn chặn sự lây lan.
Cho trẻ thường xuyên rửa tay bằng xà phòng là biện pháp cần thiết để phòng, chống bệnh tay-chân-miệng hiệu quả |
Theo Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Đắk Nông, trong 9 tháng qua, toàn tỉnh ghi nhận có 105 ca nghi mắc bệnh TCM, không có ca nào tử vong; so với cùng kỳ năm 2017, số ca mắc bệnh giảm 157 ca. Tuy nhiên, đây mới chỉ là số liệu thống kê tại các cơ sở y tế công lập, trên thực tế, số trường hợp mắc bệnh TCM đến khám và điều trị tại các cơ sở y tế tư nhân có thể cao hơn nhiều.
Bệnh TCM là một trong những bệnh ngoài da do nhiễm virus thường gặp ở trẻ em. Bệnh lây lan rất nhanh, chủ yếu qua đường tiêu hóa, trực tiếp qua tiếp xúc giữa người bệnh với người lành hoặc lây lan qua vật dụng có dính chất tiết mũi họng, dịch ở các bọng nước, phân của người bị bệnh. Đến nay, bệnh chưa có vắc xin phòng ngừa, biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất là thường xuyên vệ sinh khu vực sinh sống và vệ sinh cá nhân sạch sẽ, nhất là thường rửa tay sạch bằng xà phòng.
Thực tế, việc phòng, chống bệnh TCM phần lớn phụ thuộc vào nhận thức của người dân tại cộng đồng. Trong khi đó, hiện nay, không ít người dân vẫn còn hiểu biết khá mơ hồ về bệnh dẫn đến chủ quan trong việc phòng, chống cũng như chăm sóc trẻ mắc bệnh. Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, nhiều trường hợp trẻ đến khám khi bệnh đã nặng.
Nguyên nhân là do một số phụ huynh thấy con bị nổi những mụn đỏ ở tay và miệng thì sử dụng cây thuốc nam trong vườn giã nát để bôi, đắp, tắm... Sau một thời gian, bệnh không khỏi mới đưa con đến cơ sở y tế để khám và điều trị. Thậm chí, một số phụ huynh còn tự chọc vỡ các mụn nước để bệnh nhanh lành dẫn đến nguy cơ nhiễm trùng… Ngoài ra, nhiều gia đình chưa có thói quen cho con cái rửa tay bằng xà phòng nên hiệu quả phòng, chống bệnh chưa cao.
Khám và chăm sóc cho trẻ mắc bệnh tay-chân-miệng. Ảnh tư liệu |
Theo nhận định của ngành Y tế, mặc dù đến thời điểm này, số ca mắc TCM giảm so với cùng kỳ năm trước, song thời gian tới, bệnh TCM có thể sẽ tiếp tục gia tăng do một số nguyên nhân như: Bệnh lưu hành thường xuyên tại các địa phương; thời tiết nóng ẩm; ý thức phòng bệnh của người dân chưa tốt, bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và vắc xin dự phòng… Trước thực tế đó, ngành đã chỉ đạo các cơ sở y tế trên địa bàn tăng cường triển khai các biện pháp phòng, chống bệnh.
Tuy nhiên, biện pháp quan trọng nhất vẫn là tăng cường truyền thông, giáo dục sức khỏe tại cộng đồng để người dân nâng cao nhận thức về phòng, chống bệnh. Đặc biệt, tại các trường học, nhất là các cơ sở giáo dục mầm non, cần tăng cường truyền thông, giúp cán bộ, giáo viên, học sinh hình thành thói quen rửa tay bằng xà phòng để phòng, chống bệnh hiệu quả.
Các bác sĩ cũng khuyến cáo, trường hợp phát hiện trẻ mắc bệnh với các triệu chứng như: sốt nhẹ, mệt mỏi, đau họng, sổ mũi, biếng ăn, tiêu chảy vài lần trong ngày, sau vài ngày xuất hiện các mụn nước ở niêm mạc miệng, ở bàn chân, bàn tay, đôi khi gặp cả mụn nước, bọng nước ở mông, các bậc phụ huynh cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để khám, điều trị và hướng dẫn phương pháp chăm sóc đúng cách. Đối với trẻ mắc bệnh nhẹ, mức độ 1 (chỉ loét miệng hoặc tổn thương da) không nhất thiết điều trị tại bệnh viện để tránh lây nhiễm mà chỉ cần cách ly, điều trị tại nhà theo sự hướng dẫn của nhân viên y tế.
Đặc biệt, việc theo dõi mọi diễn biến bệnh của trẻ rất quan trọng. Các trường hợp có biểu hiện bệnh nặng như sốt cao, khó thở… cần phải đưa trẻ đến bệnh viện để điều trị, xử lý kịp thời để phòng tránh biến chứng và có thể tử vong.
Theo Đắk Nông Online