BẢN CAM KẾT HỖ TRỢ DOANH NGHIỆP VÀ NHÀ ĐẦU TƯ
Chiều ngày 5/9, Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp với Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam, Viện Hàn lâm KHCN Việt Nam tổ chức Hội nghị công bố, chuyển giao kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học công nghệ cấp tỉnh "Nghiên cứu, điều tra đánh giá di sản địa chất, xây dựng công viên địa chất khu vực Krông Nô, tỉnh Đắk Nông". Tham dự hội nghị có đồng chí Trương Thanh Tùng – TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; cùng gần 30 đại biểu là lãnh đạo các Sở, ban, ngành, UBND các huyện và Ban quản lý Công viên địa chất núi lửa Krông Nô.
Toàn cảnh hội nghị |
Đề tài khoa học "Nghiên cứu, điều tra đánh giá di sản địa chất, xây dựng công viên địa chất khu vực Krông Nô, tỉnh Đắk Nông" do Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam chủ trì, Tiến sĩ La Thế Phúc làm chủ nhiệm có thời gian thực hiện từ tháng 7 năm 2016 đến tháng 7 năm 2018.
Sau 2 năm triển khai đề tài, với hàng chục năm khảo sát thăm dò trước đó, 62 nhà khoa học thuộc nhiều đơn vị của 2 nước Việt-Nhật (Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam, Viện Địa chất, Hội Di sản văn hóa Việt Nam, Viện KH Địa chất và Khoáng sản, Viện KHXH vùng Tây Nguyên, Viện Địa chất, Viện Địa chất vật lý Biển, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản, Hội Hang động núi lửa Nhật bản) đã thống nhất đánh giá: Công viên địa chất khu vực Krông Nô, tỉnh Đắk Nông (KVG) đáp ứng được các yêu cầu chuyên môn của UNESCO về di sản địa chất và phi địa chất.
Theo đó, đề tài đã nghiên cứu, điều tra đánh giá và xác lập di sản trong CVĐCNL Krông Nô với diện tích trên 3.149,56 km2, trong khi đề cương xây dựng chỉ là 2000 km2. Xây dựng hồ sơ khoa học cho 55 điểm di sản địa chất (DSĐC) thuộc 9/10 kiểu DSĐC theo phân loại của UNESCO, 3 hồ sơ cho 3 khu vực tự nhiên có tính đa dạng sinh học cao (vườn Quốc gia Yok Đon, khu vực bảo tồn thiên nhiên Nam Nung, khu rừng đặc dụng cảnh quan Đray Sáp), phát hiện được 8 điểm có di chỉ khảo cổ tiền sử ở ngoài nương rẫy, 6 điểm trong hang động núi lửa. Đặc biệt, đề tài đã xây dựng thành công Hồ sơ khoa học trình UNESCO cho CVĐC núi lửa Krông Nô, tỉnh Đắk Nông. Trong quá trình nghiên cứu chuyên môn cũng đã gợi mở nhiều vấn đề rất có giá trị cả về khoa học và thực tiễn như: Vấn đề tìm kiếm phát hiện và khai quật di chỉ khảo cổ tiền sử trong hang động, vấn đề đánh giá toàn diện các giá trị di sản (DSĐC, Di sản văn hóa, đa dạng sinh học) trong hang động núi lửa Krông Nô… Đây là những điểm nhấn đặc biệt quan trọng không chỉ trong bộ hồ sơ di sản của đề tài này mà còn là điểm nhấn đặc biệt quan trọng phục vụ khai thác bền vững phát triển CVĐCNL Krông Nô của tỉnh.
Tại Hội nghị, đại diện Sở Khoa học và Công nghệ đã bàn giao kết quả nghiên cứu của đề tài cho 3 đơn vị liên quan gồm: Sở Tài nguyên và Môi trường; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Ban quản lý Công viên Địa chất núi lửa Krông Nô.
Thay mặt lãnh đạo tỉnh Đắk Nông, đồng chí Trương Thanh Tùng - Phó chủ tịch UBND tỉnh đánh giá cao giá trị của các kết quả nghiên cứu này, đồng thời cảm ơn các nhà khoa học đã triển khai đề tài công phu, cẩn trọng, tâm huyết, tích cực giúp tỉnh xây dựng bộ hồ sơ hoàn chỉnh, có đủ căn cứ và dữ liệu xây dựng quy hoạch tổng thể toàn bộ khu vực KVG. Sắp tới, tỉnh sẽ tiếp tục thực hiện các bước đệ trình để UNESCO xem xét, công nhận KVG là Công viên địa chất toàn cầu, tạo đà cho tỉnh phát triển mạnh về du lịch, văn hóa, kinh tế.
Nguyễn Mai