BẢN CAM KẾT HỖ TRỢ DOANH NGHIỆP VÀ NHÀ ĐẦU TƯ

Ban chỉ đạo 389 quốc gia tổng kết công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả năm 2016, triển khai nhiệm vụ năm 2017
Ngày đăng 09/03/2017 | 10:30  | View count: 3946

Ngày 09/3, tại Hà Nội, Ban chỉ đạo 389 quốc gia về chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác năm 2016, triển khai nhiệm vụ năm 2017. Đồng chí Trương Hòa Bình, UV BCT, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Trưởng Ban chỉ đạo chủ trì.

 

Dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Đắk Nông có đồng chí Cao Huy, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng BCĐ 389 tỉnh Đắk Nông cùng các thành viên BCĐ 389 tỉnh.

Quang cảnh Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Đắk Nông

Theo báo cáo, trong năm 2016, công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả từ Trung ương đến cơ sở đã được các Bộ, ngành quan tâm, thực hiện, từng bước đi vào nề nếp, phát huy hiệu quả tích cực góp phần giữ ổn định tình hình an ninh – chính trị, kinh tế – xã hội, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tăng thu ngân sách, được nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, các cấp,  các ngành ghi nhận, đánh giá cao.

Trong năm 2016, Ban chỉ đạo 389 quốc gia, các bộ, ngành, địa phương đã chỉ đạo lực lượng chức năng các cấp đã kiểm tra, phát hiện và xử lý 223.262 vụ việc vi phạm (tăng 8,23% so với năm 2015). Nộp ngân sách nhà nước từ tiền xử phạt VPHC, bán hàng tịch thu và công tác thanh tra, kiểm tra, truy thu thuế đạt 21.556 tỷ 318 triệu đồng (tăng 59,23% so với năm 2015); khởi tố 1.561 vụ đối với 1.863 đối tượng.

Riêng 2 tháng đầu năm 2017, lực lượng chức năng các cấp đã phát hiện, xử lý 27.327 vụ việc vi phạm (bằng 63,13% so với cùng kỳ năm 2016); thu nộp NSNN từ tiền xử phạt hành chính, bán hàng tịch thu và công tác thanh kiểm tra, truy thu thuế ước đạt 1.647.611 triệu đồng (bằng 52,32% so với cùng kỳ năm 2016); khởi tố 304 vụ với 389 đối tượng.

Tại hội nghị, Ban chỉ đạo đã đề ra phương hướng, nhiệm vụ công tác trọng tâm về chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong năm 2017. Theo đó, các Bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Trưởng Ban chỉ đạo 389 quốc gia về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Tập trung đôn đốc, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, lực lượng chức năng triển khai các phương án, kế hoạch tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống buôn lậu, gian lận thương mại và theo chức năng, địa bàn, lĩnh vực quản lý; xác lập chuyên án, kế hoạch đấu tranh có trọng tâm, trọng điểm để tổ chức phối hợp bắt giữ đảm bảo kịp thời, hiệu quả, trong đó, đặc biệt lưu ý quản lý, kiểm soát chặt chẽ đối với hàng cấm, hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ, hàng hóa có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng; đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng, tăng cường kỷ cương, kỷ luật công vụ, phòng chống các biểu hiện tiêu cực, tham nhũng của cán bộ, công chức, các lực lượng chức năng từ Trung ương đến các địa phương.

Kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình ghi nhận, đánh giá cao những thành tích mà Ban chỉ đạo 389 quốc gia đạt được trong năm qua. Trong năm 2017, đồng chí yêu cầu mỗi địa phương cần xây dựng những giải pháp cụ thể trong đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, chú ý các mặt hàng như: rượu bia, thuốc lá, xăng dầu, thực phẩm chức năng, phân bón. Phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và đặc biệt là nêu cao trách nhiệm người đứng đầu đối với công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

 

 

 

Đối với tỉnh Đắk Nông, để tiếp tục triển khai thực hiện tốt công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả năm 2017 trên địa bàn tỉnh, Ban Chỉ đạo 389/ĐP cũng đã xây dựng Kế hoạch 104/KH-BCĐ nhằm tăng cường công tác kiểm tra chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đối với một số lĩnh vực, mặt hàng trọng điểm như: xăng dầu, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, hàng hóa vật tư nông nghiệp, y tế, vệ sinh an toàn thực phẩm…Theo đó, Kế hoạch yêu cầu việc kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm, công minh, khách quan, chính xác, kịp thời và tuân thủ các quy định của pháp luật. Tránh kiểm tra trùng lắp với các cơ quan chức năng khác gây cản trở hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Nghiêm cấm mọi hành vi tiêu cực, bao che, tiếp tay, làm ngơ trước những hành vi vi phạm, lợi dụng quyền kiểm tra, kiểm soát để sách nhiễu, gây khó khăn, phiền hà đối với tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh...

Sam Nguyễn