BẢN CAM KẾT HỖ TRỢ DOANH NGHIỆP VÀ NHÀ ĐẦU TƯ
Sau hơn 10 năm di sản này được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, các tỉnh Tây Nguyên đang hướng việc bảo tồn Không gian văn hóa cồng chiêng bằng nhiều cách thức, trong đó có phục dựng các lễ hội. Qua những nghi lễ phục dựng, cồng chiêng được thể hiện rõ nét bản sắc văn hóa truyền thống độc đáo, đặc sắc của một di sản.
Đoàn nghệ nhân Đắk Nông thể hiện bài chiêng "Đón khách" tại Đêm hội diễn tấu cồng chiêng (Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 6 và Liên hoan Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên 2017) |
Thực tế, những nghi lễ được phục dựng mang đậm tính truyền thống cho thấy hướng bảo tồn, phát huy vốn văn hóa tiêu biểu này đang cụ thể hóa trong những không gian cụ thể. Cồng chiêng đang được trả lại cho chủ thể, cho cộng đồng sở hữu nhằm nuôi dưỡng, phát huy giá trị văn hóa ấy một cách bền vững và đúng bản chất trong không gian lễ hội, tâm linh, tín ngưỡng dân gian vốn có của các tộc người tại chỗ.
Nghi lễ phục dựng Lễ mừng lúa mới của dân tộc K'ho do những nghệ nhân thôn Bồ Liêng, thị trấn Đinh Văn, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng được thực hiện tại Liên hoan Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên 2017 hết sức độc đáo.
Nghệ nhân K'Phôn, người K'Ho tỉnh Lâm Đồng chia sẻ: "Tiếng chiêng là linh hồn của lễ hội, thể hiện sự gắn kết trong cộng đồng. Người ở gần nghe tiếng chiêng thì đến chung vui, người ở xa nghe tiếng chiêng thì biết bon làng đang có lễ hội gì. Mỗi bài chiêng truyền đi một thông điệp chỉ những người dân trong bon làng mới hiểu được, bon làng đang có chuyện vui, có chuyện buồn hay có việc quan trọng đều thể hiện qua tiếng chiêng".
Theo quan niệm của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, âm thanh của cồng chiêng có khả năng thông đạt đến các thần linh, có thể gọi thần tốt đến và nhờ sự trợ giúp của họ xua đuổi điều xấu. Chính vì thế, người dân nơi đây dùng cồng chiêng trong các nghi lễ, lễ hội để ứng xử với thiên nhiên, cầu xin, giãi bày với thần linh, tổ tiên, đối thoại với cộng đồng và với chính mình. Không gian Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên nằm chính trong chiều sâu tâm linh của những nghi lễ truyền thống cụ thể và sinh động này.
Âm thanh cồng chiêng mỗi khi đánh lên trong từng nghi lễ, lễ hội nhất định mới thể hiện được thông điệp với cộng đồng, bon làng, cầu nối với Yàng và thần linh; bằng không, cồng chiêng chỉ dựng lại như một nhạc cụ thuần túy, khiến người nghe cũng như người trong cuộc không lĩnh hội hết được giá trị của nó. Gắn cồng chiêng với nghi lễ, lễ hội là cách bảo tồn không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên được các tỉnh Tây Nguyên thực hiện nhiều năm nay theo "tinh thần UNESCO".
Một hiệu quả thiết thực thấy rõ di sản văn hóa dân tộc cồng chiêng vẫn thường xuyên được tổ chức trong các lễ hội, nghi lễ, sự kiện văn hóa nghệ thuật ở các địa phương. Nhiều không gian văn hóa, nghi lễ, tín ngưỡng đã được phục hồi, tạo "sức đề kháng" cho văn hóa truyền thống trong xu thế hội nhập và phát triển.
Trong chuỗi hoạt động tại lễ hội lần này các nghệ nhân không chỉ đánh chiêng mà còn thể hiện những vũ điệu cồng chiêng hết sức đẹp mắt, tạo sự cuốn hút với công chúng, cho thấy cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên rất tự hào là chủ nhân của những giá trị văn hóa độc đáo, đặc sắc thể hiện đời sống tinh thần phong phú, sáng tạo.
Người Ja Rai (Gia Lai) mang đến lễ hội đội chiêng hùng hậu nhất |
Trong nỗ lực khôi phục, bảo tồn, gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống thể hiện mong ước của con người được khỏe mạnh, may mắn, mùa màng bội thu, nhà nhà no ấm, buôn làng yên vui, gặp gỡ giao lưu sau những ngày lao động vất vả. Ngoài ra đây cũng là dịp để mỗi con người, cộng đồng được giao hòa với thế giới tâm linh và thực tại, giữa người với người, giữa người với thiên nhiên. Nghi thức nghi lễ đem lại đời sống tinh thần cho đồng bào các dân tộc, niềm tự hào, hạnh phúc, yêu thương, nhân ái.
Già làng Y Jun, nghệ nhân tỉnh Đắk Nông cho biết: "Trong mỗi lễ hội, cồng chiêng là phương tiện duy nhất để con người nói chuyện với thần linh, giao hòa với trời đất và giao tiếp trong cộng đồng. Tiếng chiêng không thể thiếu trong các nghi lễ của người M'nông".
Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên nằm trong không gian tâm linh, nghi lễ cụ thể. Ở đó, khi tiếng chiêng cất lên, mọi người sẽ biết và nhận ra chủ nhân của nghi lễ ấy đã gửi đi thông điệp gì, mong muốn điều gì. Các nghi lễ được phục dựng, tái hiện còn góp phần quảng bá hình ảnh không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO công nhận là di sản truyền khẩu và phi vật thể nhân loại.
Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên trải dài trên 5 tỉnh Tây Nguyên: Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng. Chủ thể của không gian văn hóa này gồm nhiều dân tộc khác nhau: Ê đê, Ja Rai, Ba Na, M'nông, Mạ, Sê Đăng… Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên bao gồm các yếu tố bộ phận: Cồng chiêng, các bản nhạc tấu bằng cồng chiêng, những người chơi cồng chiêng, các lễ hội có sử dụng cồng chiêng (Lễ mừng lúa mới, lễ cúng bến nước, lễ cưới truyền thống), những địa điểm tổ chức các lễ hội đó ( nhà dài, nhà rông, rẫy, bến nước, nhà mồ, các khu rừng cạnh các buôn làng Tây Nguyên,...). Hiện nay, ở các vùng có cồng chiêng như ở Tây Nguyên, lễ hội cồng chiêng được tổ chức hàng năm là một hoạt động vừa có ý nghĩa bảo tồn bản sắc văn hóa vừa là một sản phẩm du lịch ăn khách. |