BẢN CAM KẾT HỖ TRỢ DOANH NGHIỆP VÀ NHÀ ĐẦU TƯ
Dựa vào tiềm năng, lợi thế sẵn có, hiện một số nông dân trên địa bàn huyện Krông Nô (Đắk Nông) đã bắt đầu chú trọng bảo tồn, phát triển các loại cây dược liệu quý, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, thu nhập và tạo sinh kế cho người dân. Tuy nhiên, so với tiềm năng, lợi thế của địa phương, cây dược liệu vẫn chưa phát triển đúng tầm cả về quy mô, chủng loại và lợi ích kinh tế.
Mô hình trồng cây Sâm Cau thí điểm tại hộ gia đình ông Ngô Văn Dật, thôn Đức Lập, xã Đắk Sôr (Krông Nô) |
Huyện Krông Nô nằm trong vùng khí hậu nóng ẩm có 2 mùa mưa, nắng rõ rệt, thuận lợi cho nhiều loại cây dược liệu phát triển. Nắm bắt được lợi thế này, những năm qua, nhiều nông dân huyện Krông Nô đã chú trọng phát triển cây dược liệu dưới tán rừng, dưới tán cây công nghiệp.
Theo thống kê của ngành chức năng, diện tích cây dược liệu trên địa bàn huyện Krông Nô hiện nay khoảng 128 ha gồm các loại cây như: Đinh lăng, nghệ, gừng, gấc, sả, ý dĩ (bo bo)… Qua thời gian trồng và chăm sóc, các loại cây dược liệu đang phát triển tốt, mang lại giá trị kinh tế cao, tạo thêm nhiều sự lựa chọn về giống cây trồng giúp tăng hiệu quả canh tác trên một đơn vị diện tích cho người dân.
Tuy nhiên, thực tế phát triển cây dược liệu hiện nay chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của địa phương. Việc trồng cây dược liệu chủ yếu vẫn đang dừng lại ở quy mô nhỏ lẻ, chưa có thị trường ổn định. Chưa có quy hoạch về chế biến, vùng chuyên canh. Trước tình trạng đó, huyện Krông Nô đã chủ động xây dựng quy hoạch phát triển cây dược liệu nhằm khai thác có hiệu quả, bền vững lợi thế nguồn lực này.
Hiện nay, huyện có 11/12 xã, thị trấn đã đầu tư xây dựng và trồng vườn thuốc Nam mẫu với trên 40 cây loại thuốc Nam theo danh mục của Bộ Y tế. Các vườn ươm này trồng và kết hợp giới thiệu công dụng của các loại cây dược liệu, qua đó khuyến khích cộng đồng nhân rộng và hướng dẫn nhân dân sử dụng thuốc Nam chữa một số bệnh thông thường.
Cùng với việc hình thành vùng nguyên liệu, huyện còn kêu gọi, thu hút các doanh nghiệp, công ty, tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng chuỗi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm từ cây dược liệu. Bên cạnh đó, ngành chức năng tổ chức hướng dẫn cho người dân kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch các loại cây dược liệu, tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân. Các địa phương vận động người dân khai thác cây dược liệu tự nhiên đi đôi với bảo tồn, tuyệt đối không khai thác ồ ạt theo kiểu tận diệt để bảo đảm tính lâu dài, ổn định, bền vững.
Năm 2017, trên địa bàn huyện đã triển khai mô hình bảo tồn nguồn gen cây Sâm Cau tại xã Đắk Sôr trên diện tích 300 m2. Trong năm 2018 này, Phòng Nông nghiệp huyện Krông Nô phối hợp với các hộ dân triển khai mô hình liên kết chuỗi giá trị sản xuất cây đinh lăng với quy mô 5 ha với tổng mức đầu tư ban đầu hơn 1,2 tỷ đồng, trong đó nhà nước hỗ trợ 600 triệu đồng, còn lại nông dân bỏ kinh phí. Bên cạnh đó, mô hình bảo tồn nguồn gen cây Sâm Cau dưới tán rừng đang tạo sinh kế cho một số hộ dân với quy mô 3.000 m2, tổng kinh phí 400 triệu đồng. |
Lãnh đạo huyện Krông Nô cho biết đã xây dựng kế hoạch với các mục tiêu cụ thể để phát triển cây dược liệu xứng với tiềm năng của huyện. Trước mắt huyện duy trì và chăm sóc khoảng trên 50 ha diện tích cây dược liệu như: Đinh lăng, nghệ vàng, gừng…
Trong tương lai, huyện phấn đấu đến năm 2020 phát triển khoảng 200 ha diện tích cây dược liệu, phục hồi và bảo tồn một số cây dược liệu quý như sâm cau, mật nhân, diệp hạ châu... Đồng thời huyện sẽ xây dựng thêm từ 3 đến 5 mô hình sinh kế dưới tán rừng, phát triển một số cây để nâng độ che phủ như cây ươi, hòe, chùm ngây.
Đến năm 2025, toàn huyện phát triển ổn định khoảng 500 ha diện tích các loại cây dược liệu tập trung ở các xã Đắk Sôr, Nam Xuân, Tân Thành, Đắk D'rô, Nâm N'đir, Quảng Phú... nhằm đưa cây dược liệu phát triển thành cây hàng hóa có giá trị kinh tế.
Theo Đắk Nông Online