BẢN CAM KẾT HỖ TRỢ DOANH NGHIỆP VÀ NHÀ ĐẦU TƯ

Tư tưởng Hồ Chí Minh về giải phóng phụ nữ và vai trò của phụ nữ trong xã hội
Ngày đăng 09/03/2018 | 08:47  | View count: 6353

Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm và đánh giá cao vị trí, vai trò của phụ nữ. Người luôn trân trọng, thương yêu và không ngừng đấu tranh cho phụ nữ được hưởng quyền bình đẳng với nam giới. Trong tư tưởng Chủ tịch Hồ Chí Minh, giải phóng phụ nữ về cơ bản cũng bao gồm các nội dung về quyền bình đẳng của phụ nữ theo Công ước quốc tế về quyền con người.

Người cho rằng giải phóng phụ nữ là một cuộc cách mạng gắn liền với cuộc cách mạng giải phóng dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Giải phóng phụ nữ trong tư tưởng Chủ tịch Hồ Chí Minh là phải giành cho được các quyền của phụ nữ, như quyền bình đẳng về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội,... Bình đẳng không chỉ về chính trị mà còn từ thực tiễn sinh hoạt của đời sống xã hội và trong gia đình. Chủ tịch Hồ Chí Minh phê phán mạnh mẽ vấn đề bạo hành trong gia đình, nhất là hiện tượng chồng đánh vợ. Người viết "Khinh rẻ phụ nữ, và dã man nhất là thói đánh vợ… Những thói dã man đánh vợ và ép con cần phải chấm dứt. Lợi quyền của phụ nữ cần được thực sự bảo đảm".

Chủ tịch Hồ Chí Minh trao đổi với đại biểu phụ nữ các dân tộc thiểu số Tây Bắc năm 1959. Ảnh tư liệu

Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ quan tâm đến sự nghiệp giải phóng phụ nữ mà còn nhìn thấy sức mạnh to lớn của họ đối với cách mạng. Theo Người: "Phụ nữ Việt Nam chiếm một nửa tổng số nhân dân ta"; "Phụ nữ là một lực lượng lao động rất quan trọng". Người khẳng định: "Nếu phụ nữ chưa được giải phóng thì xã hội chưa được giải phóng", "Nếu không giải phóng phụ nữ là xây dựng chủ nghĩa xã hội chỉ một nửa". Người chỉ rõ "xem trong lịch sử cách mệnh chẳng có lần nào là không có đàn bà, con gái tham gia". Người nhấn mạnh: "Non sông gấm vóc Việt Nam do phụ nữ ta, trẻ cùng già, ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp, rực rỡ"... ''Nhân dân ta anh hùng là nhờ có các bà mẹ Việt Nam anh hùng"... Người dạy: "Dân tộc ta và Đảng ta đời đời biết ơn các bà mẹ Việt Nam đã sinh ra và cống hiến những người ưu tú, đã và đang chiến đấu anh dũng tuyệt vời bảo vệ non sông gấm vóc do tổ tiên ta để lại".

Trải qua các cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, nhiều chị em và các phong trào của phụ nữ đã tích cực tham gia kháng chiến và sản xuất, làm tròn trọng trách cách mạng mà Đảng và Nhà nước giao phó… Những phụ nữ chân yếu tay mềm "giặc đến nhà đàn bà cũng đánh" đã góp phần không nhỏ đem đến thắng lợi "Lừng lẫy năm châu chấn động địa cầu". Tại lễ kỷ niệm 36 năm Ngày thành lập Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam (20/10/1966), Bác nói: "Từ đầu thế kỷ thứ nhất, Hai Bà Trưng phất cờ khởi nghĩa đánh giặc cứu dân cho đến nay, mỗi khi nước nhà gặp nguy nan thì phụ nữ ta đều hăng hái đứng lên góp phần xứng đáng vào sự nghiệp giải phóng dân tộc".

Trong tiến trình cách mạng, Hồ Chí Minh luôn coi lực lượng phụ nữ là một bộ phận không thể tách rời của cách mạng, một trong những nhân tố quan trọng bảo đảm mọi thắng lợi của sự nghiệp đấu tranh vì độc lập, tự do của dân tộc, vì hạnh phúc của nhân dân. Nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Quốc tế phụ nữ, Người khen ngợi phụ nữ Việt Nam ta sẵn có truyền thống đấu tranh anh dũng và lao động cần cù. Trong kháng chiến, phụ nữ ta từ Bắc đến Nam đều hăng hái tham gia đánh giặc cứu nước. Người tặng phụ nữ Việt Nam 8 chữ vàng: "Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang".

Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng chỉ rõ: Phụ nữ ta cần phải cố gắng nhiều để theo kịp chị em các nước bạn, góp phần nhiều hơn nữa trong việc xây dựng CNXH. Người căn dặn, tất cả phụ nữ phải hăng hái nhận lấy trách nhiệm của người làm chủ đất nước, tức là phải ra sức thi đua tăng gia sản xuất và thực hành tiết kiệm để xây dựng nước nhà, xây dựng CNXH. Người luôn động viên, khuyên bảo, nhắc nhở chị em phải tự cố gắng học tập, sáng tạo vươn lên để khẳng định mình chứ không phải chờ Đảng, Chính phủ đề ra các chủ trương, chính sách. Người chỉ rõ: Muốn làm trọn nhiệm vụ vẻ vang đó, phụ nữ ta phải xóa bỏ cái tâm lý tự ti và ỷ lại; phải có ý chí tự cường, tự lập; phải nâng cao lên mãi trình độ chính trị, văn hóa, kỹ thuật.

Trước lúc đi xa, trong Di chúc thiêng liêng để lại cho dân cho nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn toàn Đảng, toàn dân "Trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước, phụ nữ đảm đang ta đã góp phần xứng đáng trong chiến đấu và trong sản xuất. Đảng và Chính phủ cần phải có kế hoạch thiết thực để bồi dưỡng, cất nhắc và giúp đỡ để ngày thêm nhiều phụ nữ phụ trách mọi công việc kể cả công việc lãnh đạo. Bản thân phụ nữ thì phải cố gắng vươn lên. Đó là một cuộc cách mạng đưa đến quyền bình đẳng thật sự cho phụ nữ".

Thấm nhuần lời dạy của Người, phụ nữ Việt Nam đã, đang và tiếp tục cố gắng học tập, công tác và cống hiến, khẳng định vị thế của mình trong xã hội. Đảng, Nhà nước phải thường xuyên quan tâm, đề ra nhiều chủ trương, chính sách cụ thể, thiết thực, tạo điều kiện cho phụ nữ tham gia trên mọi lĩnh vực, phát huy vị trí, vai trò và khả năng to lớn của phụ nữ trong công cuộc xây dựng đất nước hiện nay. Đó cũng là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và của toàn xã hội.

Theo Đăk Nông Online