BẢN CAM KẾT HỖ TRỢ DOANH NGHIỆP VÀ NHÀ ĐẦU TƯ

Đắk Mil chú trọng khâu giống, kỹ thuật trong tái canh cà phê
Ngày đăng 02/03/2018 | 08:27  | View count: 5033

Cà phê là cây trồng chủ lực của Đắk Mil (Đắk Nông) với diện tích hiện có hơn 21.000 ha, chiếm khoảng 77,8% trong tổng diện tích cây công nghiệp, sản lượng bình quân hàng năm khoảng 50.000 tấn. Tuy nhiên, thời gian qua nhiều diện tích cà phê già cỗi, sâu bệnh dẫn đến năng suất thấp, chất lượng kém. Để khắc phục điều này, địa phương đã và đang tập trung triển khai các giải pháp phù hợp hướng đến tái canh cà phê bền vững.

Nông dân xã Thuận An (Đắk Mil)  chăm sóc vườn cà phê tái canh năm thứ 3

Thời gian qua, huyện đã tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hỗ trợ cây giống chất lượng và quan tâm chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân trồng cà phê. Về công tác gieo ươm và cấp phát giống, trên cơ sở số lượng hạt giống đã được Sở Nông nghiệp- PTNT cấp, huyện bố trí kinh phí và tổ chức gieo ươm kịp thời.

Cụ thể, huyện cấp phát hơn 585.520 cây giống với tổng kinh phí gần 1,3 tỷ đồng cho nông dân tái canh. Ngoài ra, huyện hợp tác với một số doanh nghiệp, công ty hoạt động trong lĩnh vực cà phê hỗ trợ hơn 217.000 cây giống cho bà con. Cùng với cấp cây giống, địa phương đã chú trọng tới công tác tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật cho nông dân trong quá trình tái canh.

Việc tập huấn được huyện chú trọng vào từng loại hình tái canh cụ thể như trồng mới và ghép cải tạo nên đáp ứng được các nhu cầu khác nhau về kỹ thuật trồng, chăm sóc của người trồng cà phê. Trong 5 năm qua, đã có 327 lớp tập huấn về kỹ thuật tái canh cà phê được tổ chức ở địa phương với khoảng hơn 16.700 lượt người tham gia.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc tái canh cà phê trên địa bàn huyện vẫn còn gặp không ít khó khăn. Trong đó điển hình là các vấn đề liên quan đến cây giống và những yếu tố tiềm ẩn về sâu bệnh, đất đai, nguồn nước tưới. Cụ thể hiện nay, nhu cầu về lượng cây giống tái canh của nhân dân trên địa bàn rất lớn nhưng năng lực gieo ươm của các cơ sở chưa đáp ứng đủ. Cùng với thiếu số lượng thì chất lượng cây giống cũng chưa thật sự đảm bảo. Mặt khác, không ít hộ thực hiện tái canh trên nền đất cũ, đất bạc màu, nhiều mầm bệnh nên hiệu quả tái canh không cao.

 

Giai đoạn 2012-2017, toàn huyện đã tái canh được 4.880 ha, trong đó trồng mới 4.059 ha và ghép cải tạo 821 ha. Các xã có diện tích cà phê tái canh lớn như Đức Minh, Đức Mạnh, Thuận An, Đắk Lao. Khảo sát tại các địa phương cho thấy, tỷ lệ cây sống, vườn phát triển tốt đạt năng suất, sản lượng vượt trội chiếm hơn 80%. Trung bình năng suất cà phê sau tái canh đạt từ 3- 3,5 tấn/ ha, cá biệt có những vườn đạt 5-7 tấn/ha, tăng từ 20 đến 30% so với trước.

 

Theo ông Nguyễn Ngọc Lũy, Phó Chủ tịch UBND huyện Đắk Mil, sau khi tạo được "động lực ban đầu" cho nhân dân, địa phương sẽ không tổ chức việc cấp giống như những năm trước. Thay vào đó, Đắk Mil quyết liệt chỉ đạo các đơn vị chức năng phối hợp với UBND các xã, thị trấn tăng cường thanh tra, kiểm tra các cơ sở gieo, ươm cây giống để bảo đảm về số lượng, chất lượng. Huyện cũng sẽ tận dụng tối đa những nội dung, hạng mục thuộc các chương trình, dự án được triển khai trên địa bàn, trong đó điển hình là Dự án Chuyển đổi nông nghiệp bền vững (Vn SAT) đối với cây cà phê để nâng cấp các vườn ươm. Từ dự án này, năm 2017, Đắk Mil đã có 3 vườn ươm được công nhận đạt chuẩn, hứa hẹn sẽ tạo động lực mới cho hoạt động tái canh cà phê của huyện trong năm 2018 và những năm tiếp theo. Song song đó, công tác tuyên truyền, hướng dẫn kỹ thuật tái canh sẽ được các cấp, ngành địa phương đẩy mạnh đến từng nhóm hộ gắn với mỗi vùng canh tác, khả năng nhận thức khác nhau để giúp bà con giảm thiểu rủi ro, thiệt hại. Cán bộ nông nghiệp, khuyến nông, bảo vệ thực vật cũng sẽ được bố trí, phân công về cơ sở hướng dẫn kỹ thuật, theo dõi vườn cây, đồng hành cùng nông dân tái canh cà phê hiệu quả. Trên cơ sở đó, trong giai đoạn 2018-2020, địa phương đưa ra kế hoạch sẽ tái canh được khoảng 2.758,9 ha cà phê.

Theo Đăk Nông Online