BẢN CAM KẾT HỖ TRỢ DOANH NGHIỆP VÀ NHÀ ĐẦU TƯ

Nghệ nhân Y Ân say mê tạc tượng gỗ
Ngày đăng 15/02/2018 | 12:12  | View count: 6271

Tạc tượng gỗ là một nét văn hóa đặc sắc của người M’nông nói riêng và các dân tộc Tây Nguyên nói chung. Bằng tình yêu văn hóa cùng với tư duy nghệ thuật của mình, nghệ nhân trẻ Y Ân (SN 1991) ở thôn Phú Lợi, xã Quảng Phú (Krông Nô) đã cho ra đời những tác phẩm tượng gỗ độc đáo, đặc sắc.

Trau chuốt cho từng bức tượng gỗ là công việc yêu thích của Y Ân

Động lực để thực hiện ước mơ

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có cha là nghệ nhân tạc tượng, nên từ nhỏ mỗi khi thấy cha cầm các dụng cụ đục đẽo, Y Ân thích lắm và say sưa ngồi xem. Sau một thời gian mày mò và được sự hướng dẫn của cha, Y Ân đã hoàn thành tác phẩm đầu tay của mình, có tên gọi là "Giã gạo" khi vừa tròn 10 tuổi.

Tác phẩm dù không sắc sảo nhưng Y Ân luôn nâng niu, xem nó như là một kỷ niệm sâu sắc cho riêng mình. Từ đó, mỗi khi lên rẫy hay đi rừng, thấy khúc gỗ nào có thể tận dụng được là Y Ân lại mang về đục đẽo theo ý của mình. Hầu hết những tác phẩm của anh đều mang hơi hướng bình dị, chân chất của người M'nông.

Y Ân cho biết: "Tạc tượng trên thân gỗ mới nhìn qua ai cũng nghĩ là đơn giản nhưng không phải vậy. Muốn có một tác phẩm đẹp thì bố cục phải chặt chẽ, rõ ràng và nhất là phải thể hiện được ý tưởng nghệ thuật tạo hình trong đó. Cái tâm của người tạc tượng sẽ làm cho mỗi bức tượng có hồn và trở nên gần gũi với cuộc sống mọi người hơn".

Khi vừa hoàn thành xong chương trình phổ thông, Y Ân thi đỗ vào khoa Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành tại Đại học Khánh Hòa. Đầu năm 2017, Y Ân trở về Đắk Nông và thực tập tại Trung tâm Văn hóa tỉnh. Trong thời gian này, anh may mắn được chọn là một trong 5 nghệ nhân đại diện cho tỉnh Đắk Nông tham gia Hội thi tạc tượng gỗ dân gian các dân tộc Tây Nguyên năm 2017 tổ chức tại Đắk Lắk, quy tụ hơn 70 nghệ nhân tham dự. Với năng khiếu, thẩm mỹ của mình, sau 5 ngày sáng tác, Y Ân đã hoàn thành bức tượng gỗ "Gấu bẻ măng", với hình ảnh chú gấu đang dùng đôi chân giữ chặt gốc măng và chuẩn bị bẻ. Phía dưới chú gấu, Y Ân tạc ra các vật dụng gồm bàn, ghế, cối giã gạo, thớt và chóe đựng gạo. Ở mỗi vật dụng, Y Ân đều chạm trổ những nét hoa văn, những hình ảnh tượng trưng cho ngôi nhà, bước chân… của người M'nông.

Theo Y Ân, hình tượng gấu bẻ măng thể hiện sự gần gũi, thân thiện giữa con người với động vật và thiên nhiên hoang dã. Qua việc đưa các vật dụng gắn liền với đời sống của người dân, anh muốn nêu cao tinh thần đoàn kết giữa các dân tộc anh em. Bức tượng "Gấu bẻ măng" của Y Ân được Ban tổ chức hội thi đánh giá cao về tính sáng tạo trong việc kết hợp nhiều thành tố văn hóa của dân tộc M'nông trên cùng một thân tượng. Y Ân nói: "Đây là phần thưởng hết sức cao quý và tôi tự hào với kết quả này. Đây chính là động lực để tôi có thể thực hiện những ước mơ, hoài bão của mình".

Y Ân giới thiệu về những tác phẩm của mình cho các bạn trẻ trong bon

Quên ăn quên ngủ vì tượng gỗ

Sau thành công ban đầu, Y Ân đã nảy ra ý tưởng táo bạo là sẽ tạo ra một bộ sưu tập tượng gỗ của riêng mình. Thế là ngoài việc tự tìm hiểu, nghiên cứu sử thi, những tài liệu liên quan đến văn hóa truyền thống các dân tộc bản địa, Y Ân còn tìm đến các già làng trên địa bàn để nghe kể, nghe giải thích về những biểu tượng đặc trưng, gắn bó với văn hóa của người M'nông.

Được sự ủng hộ của gia đình, Y Ân đã vay mượn hơn 20 triệu đồng đi mua các khúc gỗ lớn để tạo ra những bức tượng mới, đặc sắc. Sự quả cảm, cộng với tình yêu văn hóa dân tộc, chỉ sau 3 tháng, Y Ân đã cho ra đời 11 tác phẩm tượng gỗ, mỗi tác phẩm đều ẩn chứa một ý nghĩa riêng biệt. Từ những thân gỗ thô sơ, sần sùi, vô tri, nhưng dưới bàn tay khéo léo, Y Ân đã tạo nên những tác phẩm độc đáo mang đậm bản sắc văn hóa của người M'nông. Những bức tượng gỗ như: Lễ cưới, Địu con, Ăn hỏi, Cây nêu, Nhà truyền thống… được chạm khắc trên các thân gỗ một cách đẹp mắt, ấn tượng.

Với Y Ân, mỗi tác phẩm là một đứa con tinh thần, hội tụ đầy đủ sắc thái cũng như tư duy nghệ thuật. Vì vậy, mỗi khi tạc tượng, Y Ân dường như quên ăn, quên ngủ và miệt mài cho đến lúc nào xong mới thôi. Như tác phẩm Cây nêu được Y Ân làm liên tục trong 3 ngày, tác phẩm Địu con được làm trong 5 ngày... Y Ân cho biết: "Mỗi bức tượng đều chứa đựng một nét văn hóa đặc trưng của dân tộc, mình làm ra nó, đồng nghĩa với việc mình hiểu sâu hơn về vấn đề này. Ngày xưa, tôi có tính ham chơi, nhưng kể từ ngày biết tạc tượng đã rèn luyện cho tôi đức tính kiên trì, nhẫn nại. Cuộc sống dù khó khăn nhưng khi nhìn bằng lăng kính nghệ thuật thì tôi cảm thấy nhẹ nhàng hơn rất nhiều".

Khơi dậy ý thức giữ gìn văn hóa truyền thống

Có lẽ, điều khiến Y Ân trăn trở nhất đó là hiện nay số người biết tạc tượng gỗ trên địa bàn tỉnh rất ít, nên nét văn hóa độc đáo này có nguy cơ bị mai một. Vì vậy, hễ gặp ai, làm gì, Y Ân đều trao đổi, nói về những tác phẩm nghệ thuật của mình và khuyên mọi người cùng chung tay gìn giữ. Đặc biệt, để bà con trong bon làng hiểu được giá trị cũng như ý nghĩa của việc gìn giữ văn hóa truyền thống, Y Ân lại một lần nữa vay mượn tiền bạn bè để tổ chức buổi ra mắt các tác phẩm tượng gỗ mới của mình ngay tại nhà văn hóa cộng đồng thôn.

Già làng Y Thiêm ở cùng thôn Phú Lợi cho biết: "Y Ân chính là tấm gương sáng của tuổi trẻ trong việc dám nghĩ, dám làm trong việc gìn giữ văn hóa truyền thống của người M'nông. Tôi cũng như bà con đều cảm thấy tự hào về điều này". Ông Vũ Hoàng Phú, Chủ tịch UBND xã Quảng Phú cho biết: "Nghệ thuật tạc tượng của người M'nông rất đặc sắc và cũng tốn rất nhiều kinh phí, công sức. Bên cạnh thỏa mãn niềm đam mê của bản thân, việc làm của Y Ân cũng rất có ý nghĩa, nhất là ý thức về việc gìn giữ văn hóa truyền thống của dân tộc mình vì ít ai làm được điều này".

Nói về dự định của mình trong tương tai, Y Ân cho biết thêm: "Hiện tại, có một số nhà điêu khắc ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh đã liên hệ và mời tôi cộng tác làm việc và đó cũng là cơ hội để tôi phát triển. Vào đúng dịp kỷ niệm 15 năm Ngày thành lập tỉnh Đắk Nông, tôi sẽ mang toàn bộ tác phẩm tượng gỗ của mình đến trưng bày, để mọi người hiểu rõ hơn về văn hóa độc đáo của người M'nông".

Theo Đắk Nông Online