BẢN CAM KẾT HỖ TRỢ DOANH NGHIỆP VÀ NHÀ ĐẦU TƯ
Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 57/2022/TT-BTC hướng dẫn Nghị định số 148/2021/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý, sử dụng nguồn thu từ chuyển đổi sở hữu doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập, nguồn thu từ chuyển nhượng vốn nhà nước và chênh lệch vốn chủ sở hữu lớn hơn vốn điều lệ tại doanh nghiệp.
Thông tư 57/2022/TT-BTC quy định rõ về lập dự toán thu. Theo đó, cơ quan đại diện chủ sở hữu trung ương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện lập dự toán các khoản thu quy định tại khoản 1 Điều 6 Nghị định 148/2021/NĐ-CP (chi tiết theo từng khoản thu) đối với các doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc thẩm quyền quản lý, gửi Bộ Tài chính trước ngày 20/7 hằng năm.
Phương pháp xác định số dự toán thu: Đối với thu từ cổ phần hóa doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập, số dự toán thu được xác định căn cứ vào danh mục, phương án cổ phần hóa của doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, theo công thức:
Số dự toán thu bằng (=) số lượng cổ phần bán ra, nhân với (x) giá khởi điểm dự kiến, trừ đi (-) dự toán chi phí cổ phần hóa, chi phí xử lý lao động dôi dư, tinh giản biên chế.
Đối với thu từ các hình thức sắp xếp chuyển đổi sở hữu khác của doanh nghiệp, số dự toán thu được xác định căn cứ vào phương án sắp xếp, chuyển đổi sở hữu đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Đối với thu từ chuyển nhượng vốn nhà nước, chuyển nhượng quyền mua cổ phần phát hành thêm và quyền góp vốn tại doanh nghiệp, số dự toán thu được xác định căn cứ vào danh mục, phương án chuyển nhượng vốn nhà nước, phương án chuyển nhượng quyền mua cổ phần phát hành thêm và quyền góp vốn tại doanh nghiệp đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, theo công thức:
- Số dự toán thu chuyển nhượng vốn nhà nước tại công ty cổ phần bằng (=) số lượng cổ phần chuyển nhượng dự kiến, nhân với (x) giá khởi điểm chuyển nhượng cổ phần dự kiến, trừ đi (-) dự toán chi phí chuyển nhượng vốn.
- Số dự toán thu chuyển nhượng vốn tại công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên bằng (=) số tiền thu từ chuyển nhượng vốn dự kiến, trừ đi (-) dự toán chi phí chuyển nhượng vốn.
Lập dự toán chi đối với ngân sách nhà nước
Cơ quan đại diện chủ sở hữu trung ương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện lập dự toán các khoản chi quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 7 Nghị định số 148/2021/NĐ-CP (chi tiết theo từng khoản chi), gửi Bộ Tài chính trước ngày 20/7 hằng năm để tổng hợp trong dự toán ngân sách nhà nước, báo cáo Chính phủ trình Quốc hội.
Lập dự toán chi thường xuyên để chi hỗ trợ phần kinh phí còn thiếu cho việc xử lý lao động dôi dư, tinh giản biên chế, chi phí liên quan đến chuyển đổi sở hữu doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập; chi bù đắp phần kinh phí còn thiếu trong trường hợp số tiền thu từ chuyển nhượng vốn không đủ bù đắp chi phí chuyển nhượng vốn và chi xử lý phần chênh lệch giữa số doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập đã nộp cao hơn so với số phải nộp theo quyết toán của cơ quan đại diện chủ sở hữu quy định tại khoản 1 Điều 10 Nghị định 148/2021/NĐ-CP thực hiện như sau:
Căn cứ phương án đã được phê duyệt, quyết toán của cơ quan có thẩm quyền về kinh phí xử lý lao động dôi dư, tinh giản biên chế, các khoản chi liên quan đến chuyển đổi sở hữu; kết quả chuyển nhượng vốn nhà nước, chuyển nhượng quyền mua cổ phần, vốn góp tại doanh nghiệp được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; thực tế số tiền đã nộp, các doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập đề xuất số tiền ngân sách nhà nước chi hỗ trợ, bù đắp cho các nội dung nêu trên (nếu có), báo cáo Cơ quan đại diện chủ sở hữu trung ương (đối với doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc trung ương), Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (đối với doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc địa phương) để rà soát, thẩm định và tổng hợp vào dự toán chi thường xuyên các hoạt động kinh tế của cơ quan, địa phương theo phân cấp.
Thông tư này có hiệu lực thi hành từ 31/10/2022.
Theo chinhphu.vn