Xuất bản thông tin
Chiều 22/12, UBND tỉnh tổ chức tổ chức Hội nghị quán triệt Kết luận Số 809-KL/TU, ngày 19/5/2020 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và triển khai Kế hoạch Số 433/KH-UBND, ngày 13/8/2020 của UBND tỉnh về Phát triển nông nghiệp bền vững theo chuỗi liên kết giai đoạn 2020-2025. Các đồng chí Lê Trọng Yên, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Lê Quang Dần, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đồng chủ trì Hội nghị.
Toàn cảnh Hội nghị |
Trong nhưng năm qua, ngành nông nghiệp phát triển đã góp phần quan trọng vào tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh; việc thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phát triển nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn tỉnh đạt một số kết quả bước đầu. Trong sản xuất nông nghiệp bước đầu đã hình thành và phát triển được một số chuỗi liên kết có hiệu quả cao. Trong đố, có 8 chuỗi liên kết hoàn chỉnh theo mô hình chuỗi giá trị; một số mặt hàng nông nghiệp đã tham gia xuất khẩu với giá trị lớn như: Cà phê, hồ tiêu, hạt điều nhân.
Tuy nhiên, những kết quả đạt được chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của tỉnh. Ngành nông nghiệp phát triển còn tự phát, chưa bền vững, sức cạnh tranh thấp; năng suất, chất lượng nhiều mặt hàng nông sản chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phổ biến vẫn là tự phát, manh mún nhỏ lẻ. Việc triển khai thực hiện tư vấn, xây dựng mô hình chuyển giao liên kết theo chuỗi giá trị các sản phẩm chủ lực của tỉnh còn hạn chế; việc tổ chức sản xuất theo chuỗi, ứng dụng công nghệ cao chưa phát triển đáng kể…
Nhiệm vụ và giải pháp phát triển chuỗi liên kết trong sản xuất nông nghiệp giai đoạn 2020-2025 là: Đẩy nhanh tiến độ thực hiện 02 Đề án: Đề án "Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, thích ứng vói biến đổi khí hậu và phát triển bền vững tỉnh Đắk Nông đến năm 2020, định hương đến năm 2030" và Đề án "Phát triển vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đến năm 2030, định hướng đến năm 2035" theo hướng sản xuất hàng hóa, quy mô lớn; Tăng cường hợp tác giữa sáu (06) nhà (nhà nông, nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp, nhà băng và nhà phân phối), tạo liên kết trong chuỗi giá trị từ khâu tổ chức sản xuất, chế biến, phân phối và tiêu thụ nông sản được thực hiện một cách hiệu quả; Tăng cường công tác thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn nhất là các doanh nghiệp công nghệ cao; Tổ chức sản xuất theo hướng gắn kết chặt chẽ và bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các khâu nuôi, trồng, thu mua, chế biến và xuắt khẩu; Hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tập trung tại thành phố và các huyện có điều kiện phát triển; Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát chất lượng các sản phẩm.
Đ/c Lê Trọng Yên, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu kết luận Hội nghị |
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Lê Trọng Yên, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, việc triển khai 2 văn bản trên là yêu cầu bức thiết trong phát triển kinh tế nông nghiệp, nâng cao đời sống nông dân hiện nay của tỉnh. Đồng chí yêu cầu các sở, ngành, đơn vị, địa phương căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ làm tốt các nội dung, công việc được giao.
Tấn Lê