Xuất bản thông tin
Đánh giá Dự thảo Báo cáo chính trị do Ban Chấp hành khóa XI chuẩn bị trình Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII, Bộ Chính trị kết luận “được chuẩn bị chu đáo, có chất lượng, phản ánh sát thực tiễn”.
Kết quả đó có được là bởi có sự chuẩn bị của Ban Thường vụ Tỉnh ủy một cách rất công phu, bài bản, chu đáo; quán triệt sâu sắc nguyên tắc kết hợp nhuần nhuyễn giữa lý luận và thực tiễn, phát huy tối đa dân chủ, lắng nghe, tiếp thu tối đa ý kiến đóng góp của Trung ương, của các nhà khoa học, cán bộ, đảng viên và Nhân dân.
Thường trực Tỉnh ủy và các đồng chí lãnh đạo lắng nghe ý kiến góp ý của các nhà khoa học tại Hội thảo do Liên hiệp các Hội Khoa học - Kỹ thuật tỉnh tổ chức |
Quá trình chuẩn bị công phu, phương pháp xây dựng khoa học
Ngay từ cuối năm 2019, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã xây dựng kế hoạch chuẩn bị các văn kiện cho Đại hội XII với các bước tiến hành chi tiết, cụ thể, khoa học. Không chỉ dựa vào các số liệu thống kê, kết quả đánh giá sơ kết, tổng kết quá trình tổ chức thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương, của tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã thành lập các đoàn công tác tiến hành khảo sát thực tế; triển khai các hội thảo chuyên đề, chuyên sâu về các lĩnh vực: Du lịch, alumin – nhôm, nông nghiệp, chuyển đổi số, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, đánh giá triển vọng và thách thức phát triển dài hạn của Đắk Nông; chủ động làm việc với các bộ, ngành Trung ương để tiếp cận những định hướng phát triển lớn.
Sau khi tổng hợp, hình thành được dự thảo toàn văn báo cáo chính trị, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã nhiều lần tổ chức lấy ý kiến từ trong Đảng bộ, đến ngoài xã hội; từ hình thức hội nghị, hội thảo đến gửi xin ý kiến riêng; từ xin ý kiến của cán bộ chủ chốt, cán bộ lão thành, cán bộ hưu trí, ý kiến các cơ quan, chuyên gia, nhà khoa học đến trưng cầu rộng rãi trong xã hội. Quá trình xin ý kiến, tiếp thu, bổ sung, hoàn thiện dự thảo được thực hiện nhiều lần. Được biết, đề cương chi tiết qua 5 lần dự thảo, báo cáo chính trị đã qua 7 lần dự thảo.
Với tinh thần cầu thị, những ý kiến đóng góp đều được Tiểu ban nội dung, Tổ tổng hợp nghiên cứu, cân nhắc và chọn lọc tiếp thu. So với dự thảo những lần đầu, mục tiêu tổng quát, một số nhiệm vụ trọng tâm, khâu đột phá trong Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội đã có sự thay đổi cơ bản, trong đó có nhiều nội dung tiếp thu từ các ý kiến đóng góp. Ví dụ, dự thảo lần thứ 5 chỉ xác định mục tiêu đến năm 2025 "phấn đấu đưa Đắk Nông phát triển cơ bản đạt mức trung bình so với cả nước", sau khi lấy ý kiến rộng rãi trong Nhân dân, tiếp thu ý kiến từ các nhà khoa học và ý kiến của Bộ Chính trị, dự thảo lần thứ 7 (dự thảo trình Đại hội) đã xác định mục tiêu với tầm nhìn dài hạn đến năm 2030 với tương quan so sánh đặt trong sự phát triển của khu vực Tây Nguyên.
Đóng góp của nhiều tầng lớp Nhân dân
Xác định báo cáo chính trị không đơn thuần chỉ là một bản báo cáo tổng kết thực tiễn, đánh giá hoạt động lãnh đạo và hoạt động xây dựng nội bộ của Đảng bộ trong nhiệm kỳ, Tỉnh ủy đã chỉ đạo phải huy động được trí tuệ của toàn Đảng bộ, các nhà khoa học, nhân sĩ, trí thức, chuyên gia và các tầng lớp Nhân dân.
Với quan điểm chỉ đạo đúng đắn, cách làm phù hợp, quá trình xây dựng, thảo luận báo cáo chính trị đã trở thành đợt sinh hoạt chính trị, tư tưởng sâu rộng không chỉ trong toàn Đảng bộ, mà còn trong Nhân dân, trong công chức, viên chức, người lao động ở từng địa phương, cơ quan, đơn vị.
Theo tổng hợp của Tiểu ban nội dung, thông qua nhiều hình thức khác nhau, đã tiếp nhận trên 10.500 lượt ý kiến góp ý vào Dự thảo Báo cáo chính trị; trong đó, nhiều ý kiến của những nhà nghiên cứu, nhà chuyên môn. Chỉ tính riêng Hội thảo do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh tổ chức đã có 19 chuyên gia, trong đó có 14 phó giáo sư, tiến sĩ đến từ các trường đại học, viện nghiên cứu hàng đầu ở thành phố Hồ Chí Minh và khu vực Tây Nguyên tham dự, cho ý kiến.
Sự tâm huyết, trách nhiệm của các giai tầng trong xã hội thể hiện rõ nét ở việc có đến hơn 6.400 người tham gia cuộc khảo sát xã hội học về nội dung văn kiện. Ngoài việc trả lời những câu hỏi theo phương án lựa chọn có trước, hơn 500 người đã có thêm những ý kiến riêng; số lượng ý kiến được tổng hợp lên đến gần 100 trang in tiêu chuẩn.
Điều thể hiện rõ nét nhất trong các ý kiến, là sự tâm huyết, thẳng thắn, sâu sắc, với tinh thần xây dựng, thể hiện tình cảm, trách nhiệm đối sự nghiệp phát triển của Đắk Nông, có sự đồng thuận rất cao trong hầu hết các nội dung đánh giá về kết quả đạt được, những hạn chế trong 5 năm 2015 – 2020 và phương hướng phát triển của Đắk Nông trong tầm nhìn trung hạn đến năm 2030. Lấy một dẫn chứng, Dự thảo Báo cáo chính trị đánh giá đã đạt được mục tiêu tổng quát "Đến năm 2020, đưa Đắk Nông thoát khỏi tình trạng của một tỉnh nghèo, chưa phát triển". Nhận định này nhận được sự đồng thuận của 71,8% số người được hỏi.
Mục tiêu phát triển và các định hướng đột phá trong giai đoạn 2020 – 2025 đều đạt được sự ủng hộ của tuyệt đại bộ phận công chúng, với tỷ lệ đồng ý ở hầu hết các nội dung đều trên 80%, cá biệt có những nội dung sự đồng thuận đạt đến 98,8%. Có 87,1% số người được hỏi cho rằng mục tiêu "phấn đấu đưa tỉnh Đắk Nông phát triển cơ bản đạt mức trung bình so với cả nước vào năm 2025" là phù hợp, khả thi.
Dự thảo Báo cáo chính trị do Ban Chấp hành khóa XI chuẩn bị cho Đại hội XII của Đảng bộ tỉnh là kết tinh trí tuệ, tâm huyết và đồng thuận của cán bộ, đảng viên và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Tin tưởng khi ý Đảng hợp lòng dân, những mục tiêu Nghị quyết Đại hội XII của Đảng bộ tỉnh đề ra sẽ được thực hiện hiệu quả, đưa Đắk Nông phát triển nhanh, bền vững, sớm trở thành tỉnh phát triển khá của vùng Tây Nguyên.
Theo Báo Đắk Nông Điện tử