Xuất bản thông tin

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội dự phiên họp toàn thể APPF 28
Ngày đăng 15/01/2020 | 16:15  | View count: 3017

Ngày 14/1, tại Thủ đô Canberra (Australia), Hội nghị lần thứ 28 của Diễn đàn nghị viện châu Á-Thái Bình Dương (APPF 28) đã tiến hành phiên họp toàn thể thứ nhất. Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng dẫn đầu Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam tham dự và có bài phát biểu quan trọng tại phiên họp về nâng cao vai trò của nghị viện thúc đẩy hòa bình, an ninh và thịnh vượng trong khu vực.

Trong bài phát biểu, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng nêu rõ, trong bối cảnh thế giới và khu vực có nhiều diễn biến nhanh chóng, phức tạp như hiện nay, ngoại giao nghị viện đa phương, trong đó có APPF có vai trò quan trọng, mang lại cơ hội đối thoại, xây dựng lòng tin, ngăn ngừa xung đột thông qua việc tôn trọng luật pháp quốc tế, Hiến chương LHQ, ủng hộ sự phát triển của hệ thống thương mại đa phương, tự do và kết nối toàn diện.


Nhấn mạnh sự ủng hộ của Việt Nam đối với chủ đề hội nghị, một bước hiện thực hóa Tuyên bố Hà Nội năm 2018 về tầm nhìn mới cho quan hệ đối tác nghị viện, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội khẳng định đường lối đối ngoại của Việt Nam và những trọng trách Việt Nam đảm nhiệm trong năm 2020. Việt Nam cam kết nỗ lực hết mình, hợp tác chặt chẽ để giữ vững niềm tin và sự tín nhiệm mà cộng đồng quốc tế giao phó.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề xuất thúc đẩy quan hệ đối tác nghị viện trong năm 2020 với việc tăng cường xây dựng lòng tin, hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau, kết nối và mở rộng quan hệ đối tác nghị viện giữa APPF với APEC, AIPA và IPU và các tổ chức quốc tế nhằm tạo thêm nguồn lực hoạt động, đồng thời thúc dẩy hợp tác giải quyết các bất đồng, tranh chấp trên tinh thần đối thoại, thẳng thắn, xây dựng, bao dung, hỗ trợ lẫn nhau và phù hợp với luật pháp quốc tế, thực hiện kiềm chế, tránh các hành động vi phạm luật pháp quốc tế có thể làm gia tăng căng thẳng và phức tạp tình hình.

Bà kêu gọi các nghị viện thành viên APPF cùng điều hành với chính phủ quan tâm đến phát triển bền vững, đưa quan điểm phát triển bền vững, bao trùm trở thành định hướng thường xuyên, lâu dài vì lợi ích của tất cả các bên. Quốc hội Việt Nam đề xuất tổ chức các hoạt động hợp tác liên nghị viện vì phát triển bền vững trong năm Chủ tịch AIPA 2020.

Cùng ngày, Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam đã tham dự các hoạt động trong khuôn khổ APPF 28.

Tại Hội nghị Nữ nghị sỹ APPF, Đoàn đại biểu Quốc hội nước ta khẳng định chính sách của Việt Nam đối với bình đẳng giới đã đạt một số kết quả tốt đẹp. Các quy định về giới được thể hiện trong Hiến pháp và các văn bản luật của Việt Nam.

Đoàn Việt Nam đề nghị các nghị viện thành viên APPF tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện các quy định pháp luật về bình đẳng giới, nội luật hóa các cam kết quốc tế, đồng thời tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức, lan tỏa ảnh hưởng tới mọi tầng lớp xã hội về vai trò, quyền và lợi ích chính đáng của phụ nữ, chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ kỹ thuật những chương trình, dự án nâng cao năng lực thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, bố trí nguồn lực phù hợp để tạo động lực cho triển khai các hoạt động bình đẳng giới, hỗ trợ phụ nữ kinh doanh, khởi nghiệp, xóa đói nghèo, đào tạo nghề và tăng cường quan hệ đối tác công tư, tranh thủ các nguồn lực trong xã hội nhằm triển khai các biện pháp thực chất tăng cường bình đẳng giữa nam nữ về cơ hội, về sự tham gia và thụ hưởng trên các lĩnh vực chính trị.

Tại phiên họp toàn thể về kinh tế tế, thương mại, Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam cho rằng, những biến động phức tạp và khó lường về chính trị-kinh tế trong thời gian gần đây cùng với sự nổi lên của chủ nghĩa bảo hộ, nguy cơ trả đũa thương mại có thể làm mất đi phần lớn tác động tích cực của các sáng kiến về chính sách tài khóa đối với tăng trưởng của từng quốc gia, ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động thương mại toàn khu vực.

Đoàn Việt Nam đề xuất tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, minh bạch, bình đẳng, ổn định hỗ trợ tự do thương mại, đầu tư, triển khai Kế hoạch tổng thể kết nối APEC đến năm 2025, hướng tới Hiệp định Thương mại tự do toàn châu Á-Thái Bình Dương; chủ động tham gia vào các khuôn khổ pháp lý khu vực và toàn cầu để phát triển kinh tế số, thương mại và tăng năng suất lao động gắn với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Nghị viện các nước thành viên APPF cần tăng cường giám sát để bảo đảm hài hòa hòa các cam kết và yêu cầu kỹ thuật liên quan, nhất là về quy định xuất xứ, các quy định liên quan đến nông sản.

Ngày 15/1, Hội nghị APPF 28 tiếp tục với các phiên toàn thể về các vấn đề hợp tác khu vực, APPF và phiên toàn thể cuối cùng thông qua các văn kiện hội nghị.

Theo chinhphu.vn