Xuất bản thông tin

Vụ đông xuân ở Krông Nô: Triển khai nhiều giải pháp sản xuất an toàn, bền vững
Ngày đăng 16/02/2017 | 13:59  | View count: 3468

Vụ đông xuân 2016-2017, huyện Krông Nô xây dựng kế hoạch phấn đấu gieo trồng 4.289 ha cây trồng các loại. Đến thời điểm này, nông dân đã xuống giống đạt gần 100% diện tích đề ra.

Trước thực tế bức thiết về yêu cầu chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng nâng cao chất lượng, giá trị, thu nhập…, ngành Nông nghiệp huyện đã và đang triển khai các biện pháp giúp bà con nông dân sản xuất an toàn, bền vững.

 

Gia đình chị Lê Thị Luận ở xã Nâm N'đir chuyển sang trồng bí trên đất lúa nhằm tránh khô hạn

 

Không còn nỗi lo khô hạn

Những ngày giữa tháng 2 này, tại các vùng sản xuất nông nghiệp trọng điểm của huyện Krông Nô như: Vùng sản xuất cà phê, hồ tiêu ở xã Tân Thành, Nam Nung, Đắk D'rô…; vùng trồng lúa, ngô, rau màu ở Nâm N'đir, Đức Xuyên, Buôn Choáh…, người dân địa phương đều khẩn trương gieo trồng và chăm sóc các loại cây trồng.

Đang cùng con trai nối ống nhựa tưới cho 6 ha cà phê của gia đình, anh Phạm Đình Vững ở thôn Đắk Hoa, xã Tân Thành vui vẻ cho biết: "Nếu như vào thời điểm này năm ngoái, gia đình tôi đã tưới 2 đợt rồi. Nhưng năm nay ăn tết xong, tôi mới tưới. Tuy vậy, vườn cà phê vẫn còn xanh mướt, ẩm độ trong đất vẫn còn khá cao. Hy vọng mùa khô này, những người trồng cà phê ở đây đỡ vất vả hơn vì không lo thiếu hụt nguồn nước cho cây trồng".

 

Tại xã Tân Thành, vụ đông xuân năm ngoái, toàn xã có hàng trăm héc ta cà phê bị giảm năng suất hoặc mất trắng do thiếu nước tưới. Nhưng vào thời điểm này, hầu hết các vườn cây đều xanh tốt, cành lá sum suê và đang thời kỳ hình thành quả non.

Ông Cao Văn Tính, Chủ tịch UBND xã Tân Thành cho biết: "Đất sản xuất nông nghiệp của xã chủ yếu là đất đồi, xa nguồn nước nên bà con phần lớn là trồng cà phê, lên đến 4.231 ha, diện tích lúa chỉ có trên 10 ha. Do đó, khi xảy ra khô hạn, sản xuất nông nghiệp của xã gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, năm nay, thời tiết diễn biến theo hướng có lợi, nguồn nước dồi dào nên bà con sản xuất thuận lợi hơn".

Không chỉ ở xã Tân Thành mà ở các xã thường xuyên bị ảnh hưởng bởi khô hạn như Quảng Phú, Đắk D'rô, Nam Đà… vụ này, theo dự báo thì nguồn nước đủ để bà con sản xuất và khả năng khô hạn cuối vụ không xảy ra căng thẳng như những năm trước.

Ông Đỗ Tuấn Cường, Giám đốc Chi nhánh Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Krông Nô cho biết: "Thời gian qua, đơn vị đã thực hiện nhiều biện pháp kịp thời như: Thông cống, sửa chữa trạm bơm D12, Buôn Sưk; đắp nâng cao ngưỡng tràn công trình thủy lợi Đắk Mâm; nạo vét, phát dọn kênh Nam công trình thủy lợi Đắk Rồ; trám vá kênh chính Đắk Mâm… Nhờ vậy, việc thực hiện lịch gieo trồng của bà con diễn ra khá tập trung, không bị gián đoạn do gián đoạn nguồn nước tưới".

Theo ông Doãn Gia Lộc, Trưởng Phòng Nông nghiệp - PTNT huyện, để bảo đảm nguồn nước tưới, ngay từ đầu vụ, Phòng đã phối hợp với Nhà máy Thủy điện Buôn Kuốp cam kết và thống nhất văn bản điều tiết nước, trên cơ sở lịch sản xuất do tỉnh xây dựng; qua đó, cơ bản đáp ứng được yêu cầu sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện.

Chuyển đổi cây trồng nâng cao chất lượng

Vào thời điểm trung tuần tháng 2, hầu hết diện tích cây trồng của bà con nông dân trên địa bàn huyện Krông Nô đã cơ bản xuống giống xong. Ngoài diện tích lúa đang giai đoạn đẻ nhánh, nhiều diện tích ngô, bí, khoai lang, rau màu của nông dân đang ra trái non, phát triển củ.

Tại cánh đồng xã Nâm N'đir, nhờ năng lực tưới của các trạm bơm dọc bờ sông Krông Nô nên những năm gần đây, ngành Nông nghiệp huyện đã lựa chọn các giống cây trồng phù hợp và hướng dẫn bà con chuyển đổi nhằm mạng lại hiệu quả cao hơn. Cũng như các hộ khác, vụ này gia đình ông Lý Văn Sơn, một hộ dân trong xã chuyển đổi toàn bộ 1,2 ha đất ruộng của gia đình sang trồng ớt và khoai lang.

Ông Sơn cho biết: "Ba năm trở lại đây, tôi không trồng lúa nữa, vì trồng lúa vụ này nhu cầu nước tưới quá cao. Năm ngoái, tôi được cán bộ Phòng Nông nghiệp - PTNT hướng dẫn trồng ngô. Cây ngô cũng cho thu nhập khá, nhưng năm nay, huyện phối hợp với Công ty TNHH An Bình về đầu tư giống để tôi trồng ớt, rau màu và cam kết thu mua sản phẩm. Hy vọng, vụ này có sự tham gia của doanh nghiệp, sản phẩm bà con làm ra sẽ được thu mua thuận lợi và có giá cao hơn".

Cách đó vài thửa ruộng, chị Lê Thị Luận đang chăm sóc ruộng bí đã lác đác trổ hoa. Chị Luận cho hay: "Gia đình tôi trồng bí đã 2 năm nay. Cây bí rất phù hợp với đồng đất ở đây, nhưng có những thời điểm sản phẩm thu hoạch bị rớt giá nên lợi nhuận không cao, năm nay có doanh nghiệp về đặt vấn đề thu mua sản phẩm nên tôi mừng lắm".

Qua tìm hiểu, hiện nay, không riêng gì xã Nâm N'đir mà ở các xã Đắk D'rô, Buôn Choáh, Đức Xuyên…, bà con nông dân đều thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Các giống cây trồng cho hiệu quả kinh tế cao như: Bí, khoai lang, ngô biến đổi gen, bắp cải, ớt… được bà con trồng phổ biến trên những ruộng lúa bấp bênh nước tưới vào cuối vụ.

Cũng theo ông Doãn Gia Lộc thì việc thực hiện giải pháp chuyển đổi cơ cấu cây trồng tại địa phương mấy năm nay đã mang lại những kết quả tích cực. Vụ đông xuân 2016-2017 này, ngoài sự chủ động của các nông hộ, huyện còn huy động các tổ hợp tác, hợp tác xã cũng như khuyến khích các doanh nghiệp thực hiện liên kết với bà con nông dân để phát triển sản xuất. Từ mối liên kết này, địa phương sẽ tăng cường khuyến khích người dân đầu tư, mở rộng diện tích cũng như xây dựng thêm các mô hình sản xuất theo hướng nâng cao chất lượng, an toàn và bền vững.

Theo Đắk Nông Online