Xuất bản thông tin
Mỹ để ngỏ cánh cửa đối thoại với Triều Tiên, Nga đình chỉ tham gia INF, Venezuela trục xuất Đại sứ Đức, căng thẳng Ấn Độ - Pakistan có dấu hiệu lắng dịu, nhiều nhà lãnh đạo từ chức... Đó là một số tin tức quốc tế đáng chú ý trong tuần qua.
Mỹ để ngỏ cánh cửa đối thoại với Triều Tiên
Ngày 7/3, Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ John Bolton cho biết, Tổng thống Donald Trump đang để ngỏ cánh cửa đối thoại với Triều Tiên về phi hạt nhân hóa.
Trả lời phỏng vấn tờ Fox News, ông Bolton bày tỏ: "Rõ ràng là Tổng thống đang để ngỏ cơ hội nối lại đối thoại (với Triều Tiên). Chúng ta sẽ chờ xem sự kiện này diễn ra vào thời điểm nào và với cách thức ra sao".
Quan chức an ninh này nhấn mạnh, hiện vẫn còn quá sớm để đưa ra quyết định dựa trên báo cáo về các hoạt động tên lửa của Triều Tiên. "Chúng tôi có rất nhiều cách thức để có thể thu thập thông tin… Chúng tôi sẽ phân tích tình hình một cách kỹ lưỡng. Như Tổng thống D.Trump đã từng tuyên bố, việc Triều Tiên hành động theo hướng này sẽ là điều rất, rất đáng thất vọng" – ông Bolton nói.
Thông điệp trên được ông Bolton đưa ra ngay sau khi 2 cơ quan cố vấn của Mỹ và hãng thông tấn Yonhap của Hàn Quốc, ngày 5/2 cho biết Triều Tiên đã nối lại việc khôi phục các hạng mục xây dựng tại bãi phóng tên lửa Dongchang-ri ở Sohae.
Phát biểu với báo giới tại Nhà Trắng ngày 8/3, Tổng thống Mỹ Donald Trump tái khẳng định ông có mối quan hệ tốt đẹp với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và sẽ rất thất vọng nếu Triều Tiên có ý định khôi phục các vụ thử vũ khí.
Trước đó, ngày 4/3, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov đã xác nhận, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un có kế hoạch sang thăm Nga trong thời gian tới. Tuy nhiên, thông tin chi tiết liên quan tới sự kiện này vẫn chưa được đưa ra.
Nga đình chỉ tham gia INF
Ngày 4/3, Điện Kremlin thông báo: Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký ban hành sắc lệnh đình chỉ tham gia Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) với Mỹ. Sắc lệnh có hiệu lực kể từ ngày ký.
Sắc lệnh của Tổng thống Putin cũng chỉ thị cho Bộ Ngoại giao Nga gửi thông báo về việc Moscow ngừng tham gia INF tới phía Mỹ.
Tuyên bố cùng ngày của Điện Kremlin nêu rõ: "Xét tính cần thiết của việc áp dụng những biện pháp cấp bách tiếp theo sau sự vi phạm của Mỹ đối với bản Hiệp ước do Liên bang Xô viết và Mỹ ký kết ngày 8/12/1987… Nga chấm dứt tuân thủ INF cho tới khi nào Mỹ ngừng những hành động vi phạm INF hoặc cho tới khi bản Hiệp ước này hết hiệu lực".
Hiệp ước INF được ký bởi Tổng thống Mỹ Ronald Reagan và lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev vào ngày 8/12/1987, bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/6/1988, quy định các bên liên quan không được sản xuất cũng như phóng thử hay triển khai các tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo mặt đất có tầm bắn từ 500-1.000 km (tầm ngắn) và từ 1.000 - 5.500km (tầm trung). Đây được xem là một thành tựu ngoại giao nổi bật trong thời kỳ chiến tranh Lạnh giữa Mỹ và Liên bang Xô viết trước đây. Hiệp ước này cũng được đánh giá là giúp chấm dứt thế đối đầu hạt nhân nhiều rủi ro trong quan hệ giữa Nga và Mỹ – vốn luôn trong trạng thái dễ dàng leo thang căng thẳng.
Venezuela trục xuất Đại sứ Đức
Ngày 6/3, chính quyền Caracas đã thông báo trục xuất Đại sứ Đức tại Venezuela – ông Daniel Kriener, sau khi liệt nhà ngoại giao này vào danh sách "những đối tượng không được hoan nghênh" vì đã cố gắng can thiệp vào công việc nội bộ của Venezuela.
Venezuela đưa ra quyết định trục xuất đối với ông Kriener chỉ 2 ngày sau khi Đại sứ Đức và một số nhà ngoại giao châu Âu khác ra đón lãnh đạo phe đối lập Juan Guaido tại sân bay Caracas sau khi ông trở về từ một chuyến công du nước ngoài bất chấp lệnh cấm xuất cảnh của tòa án tối cao Venezuela.
Giới chức ngoại giao Đức đã lên tiếng phản đối hành động trên của chính quyền Caracas. Liên minh châu Âu (EU) cũng bày tỏ hy vọng Venezuela sẽ xem xét lại quyết định trục xuất Đại sứ Đức.
Đáp lại, Ngoại trưởng Venezuela Jorge Arreaza yêu cầu EU phải xem xét lại những hành động mang tính can thiệp đối với nước này, coi đó là những động thái song hành với "lập trường hung hăng" của Chính phủ Mỹ đối với Venezuela trong thời gian qua.
Cũng trong tuần qua, vụ mất điện tại 21 trên tổng số 23 bang của Venezuela ngày 7/3 kéo dài tới 22 giờ trước khi được khôi phục lại tại một số địa phương khiến cho cuộc sống của người dân nước này bị đảo lộn. Giới chức Venezuela cho biết nguyên nhân mất điện diện rộng là do cuộc tấn công phá hoại vào hệ thống điều khiển tự động ở nhà máy thủy điện Guri thuộc bang Boliva, đồng thời cáo buộc một số đối tượng cực đoan tại Mỹ và phe đối lập Venezuela đứng đằng sau nhằm gây hỗn loạn tình hình chính trị - xã hội quốc gia Nam Mỹ này.
Căng thẳng Ấn Độ - Pakistan có dấu hiệu lắng dịu
Ngày 6/3, phát biểu với báo giới, Ngoại trưởng Pakistan Shah Mahmood Qureshi cho biết căng thẳng gần đây giữa nước này với Ấn Độ dường như đang giảm bớt và Islamabad hoan nghênh diễn biến này.
Trước đó, phát biểu tại một cuộc họp báo ở thành phố Lahore thuộc phía Đông Pakistan vào cuối tuần trước, ông Qureshi nêu rõ: "Hòa bình là ưu tiên của chúng tôi và chúng tôi không mong muốn xảy ra chiến tranh với Ấn Độ".
Ông Qureshi cho rằng, là một quốc gia Dân chủ, Pakistan tin tưởng vào việc giải quyết những bất đồng với Ấn Độ thông qua kênh ngoại giao và đối thoại vì ngoại giao nên được xem là tuyến phòng thủ đầu tiên thay vì tính đến phương án quân sự. Quan chức ngoại giao này cho biết, Pakistan đang tích cực thực hiện những bước đi nhằm hạ nhiệt căng thẳng với nước láng giềng.
Tuyên bố trên được ông Qureshi đưa ra vào thời điểm quan hệ giữa hai nước láng giềng Nam Á này đang leo thang căng thẳng kể từ sau vụ đánh bom cảm tử ở vùng Kashmir do Ấn Độ kiểm soát, ngày 14/2 khiến ít nhất 40 binh sỹ Ấn Độ thiệt mạng.
Bộ Ngoại giao Pakistan ngày 6/3 thông báo, nước này sẽ cử đại diện ngoại giao trở lại Ấn Độ nếu căng thẳng có dấu hiệu lắng dịu. Trước đó, ngày 5/3, Ấn Độ và Pakistanđã nối lại hoạt động thương mại tại thị trấn biên giới Uri, thuộc khu vực tranh chấp Kashmir.
Nhiều nhà lãnh đạo từ chức
Ngày 8/3, Chính phủ Peru cho biết ông Cesar Villanueva, người đảm nhận cương vị Thủ tướng nước này từ năm ngoái đã từ chức. Sự việc diễn ra trong bối cảnh Tổng thống Peru Martin Vizcarra đang đối mặt với kêu gọi cải tổ chính phủ và khôi phục tỷ lệ ủng hộ đang giảm sút. Các nguồn tin của chính phủ cho biết Bộ trưởng Tư pháp Vicente Zeballos đang được cân nhắc cho vị trí Thủ tướng Peru.
Cùng ngày, Văn phòng Tổng thống Phần Lan thông báo Thủ tướng nước này Juha Sipila đã đệ đơn từ chức sau khi thất bại trong việc thúc đẩy kế hoạch cải cách cải cách hệ thống an sinh xã hội và y tế. Tổng thống Phần Lan Sauli Niinisto đã chấp thuận đơn từ chức của Thủ tướng Sipila, đồng thời yêu cầu chính phủ hiện tại hoạt động như một chính phủ tạm thời cho đến khi một nội các mới được chỉ định.
Cũng trong ngày 8/3, các quan chức Mỹ cho biết, Bộ trưởng Không quân Mỹ Heather Wilson, người được cho là ứng cử viên hàng đầu để trở thành bộ trưởng quốc phòng kế tiếp, đã quyết định từ chức sau gần 2 năm để trở lại làm Giám đốc Đại học Texas ở El Paso. Cùng ngày, Nhà Trắng thông báo Giám đốc truyền thông của Tổng thống Mỹ Donald Trump, ông Bill Shine đã từ chức và đơn từ chức của ông này đã được Tổng thống chấp thuận.
Ngày 9/3, Bộ trưởng Y tế Tunisia Abdel-Raouf El-Sherif đã đệ đơn từ chức sau khi 11 trẻ sơ sinh tử vong không rõ nguyên nhân trong vòng 24 giờ tại một bệnh viện ở thủ đô Tunis.
Ngày 7/3, Hồng y Philippe Barbarin, Tổng Giám mục thành phố Lyon (Pháp) cho biết ông sẽ từ chức liên quan tới bê bối lạm dục tình dục trẻ em xảy ra tại giáo phận này.
Ngày 4/3, bà Jane Philpott, Chủ tịch Ủy ban Ngân khố Canada đã quyết định từ chức, với tuyên bố cho biết bà mất niềm tin vào chính phủ trong vụ truy tố tập đoàn xây dựng SNC-Lavalin./.
Theo dangcongsan.vn