Xuất bản thông tin
Những năm gần đây huyện Chư Jút đã tập trung đẩy mạnh áp dụng khoa học kỹ thuật, quy trình sản xuất tiên tiến trong ngành nông nghiệp, góp phần quan trọng trong việc nâng cao đời sống, thu nhập cho người dân trên địa bàn.
Nông dân thôn 7, xã Nam Dong (Chư Jút) chăm sóc cây hồ tiêu. Ảnh: Y Sơn |
Liên kết trong phát triển đậu nành
Năm 2016, gia đình chị Lê Thị Lai, thôn 9, xã Nam Dong (Chư Jút) thuê 0,8 ha đất mới trồng cao su của Công ty TNHH MTV XNK 2/9 (Đắk Lắk) để trồng cây hoa màu. Vụ đầu tiên, chị Lai trồng cây đậu nành và thu được gần 2 tấn đậu khô. Tuy nhiên, lúc bán ra thị trường chỉ có giá 10.000 đồng/kg nên lợi nhuận chẳng đáng là bao.
Đầu năm 2017, chị Lai thấy Công ty Sữa đậu nành Việt Nam Vinasoy (gọi tắt là Vinasoy) về địa phương hỗ trợ giống và cam kết bao tiêu sản phẩm nên mạnh dạn đăng ký tham gia. Sau hơn 3 tháng xuống giống, chị Lai thu hoạch được hơn 3 tấn đậu nành khô cũng trên 0,8 ha đất.
Không chỉ cung cấp giống cho năng suất cao hơn hẳn giống địa phương, Vinasoy còn mua toàn bộ đậu nành của gia đình chị Lai với giá trên 15.000 đồng/kg. Vui mừng vì lợi nhuận cao hơn hẳn, chị Lai tiếp tục đăng ký với Vinasoy hợp tác trồng đậu nành trong năm 2018. Hiện vườn đậu nành của gia đình chị đang trong giai đoạn đơm hoa, kết trái. Theo đánh giá của chị Lai thì thời tiết năm nay khá thuận lợi nên gia đình có khả năng sẽ tiếp tục được mùa đậu.
Tương tự, anh Trương Văn Tuấn, ở thôn 4, xã Nam Dong cũng đăng ký hợp tác và trồng giống đậu nành của Vinasoy trên diện tích 2 ha từ năm 2017 tới nay. Theo anh Tuấn, giống của Vinasoy rất phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng vùng đất này nên tỷ lệ nảy mầm cao (đạt gần 100%) và sinh trưởng, phát triển tốt. Cây đậu nành lớn nhanh tới nỗi gia đình anh phải mua thuốc bảo vệ thực vật về phun để hãm thân, lá cây phát triển. Việc phun thuốc giúp cây tăng khả năng chống chọi với thời tiết (thân cứng, khó bị gió lay đổ) và tăng tỷ lệ kết trái thêm.
Anh Trương Văn Tuấn, ở thôn 4, xã Nam Dong (Chư Jút) tham gia hợp tác theo chuỗi sản xuất đậu nành với Công ty Vinasoy từ năm 2017 tới nay |
Theo ông Bùi Đình Tăng, Phó Chủ tịch UBND xã Nam Dong, Vinasoy đến địa phương đặt vấn đề liên kết trồng đậu nành với người dân địa phương từ năm 2017. Ban đầu, công ty hỗ trợ giống, hướng dẫn người dân kỹ thuật chăm sóc và bao tiêu toàn bộ sản phẩm đầu ra với giá cao hơn thị trường ít nhất 15 - 20%. Qua theo dõi, năng suất cây đậu nành giống Vinasoy đạt trung bình trên 3 tấn/ha. Không chỉ cho năng suất vượt trội hơn giống cũ (trung bình 2 - 2,5 tấn/ha), người dân trồng giống đậu nành của Vinasoy được hỗ trợ giống và bao tiêu toàn bộ đầu ra của sản phẩm với giá trung bình từ 13.000 đồng/kg trở lên. Trước những lợi thế dễ thấy đó, người dân trong xã đã đăng ký hợp tác với Vinasoy để mở rộng diện tích. Đến thời điểm hiện tại, toàn xã Nam Dong đã có 200 ha của hàng trăm hộ dân hợp tác sản xuất đậu nành theo chuỗi với Vinasoy.
Hình thành các chuỗi sản xuất
Huyện Chư Jút có diện tích đất nông nghiệp gần 28.000 ha và tổng diện tích gieo trồng hơn 42.000 ha/năm. Những năm qua, ngành nông nghiệp địa phương đã tích cực tuyên truyền, vận động bà con áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất và sử dụng những giống cây trồng có năng suất, chất lượng cao. Nhiều doanh nghiệp cũng đã đến địa phương và phối hợp với ngành nông nghiệp để liên kết với người dân, bước đầu hình thành các chuỗi sản xuất.
Để từng bước nâng cao vị thế sản xuất nông nghiệp của địa phương, UBND huyện Chư Jút đã phê duyệt Đề án thực hiện liên kết trong sản xuất nông nghiệp thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế giai đoạn 2016 - 2020. Mục tiêu của Đề án là xây dựng các chuỗi sản xuất có sự liên kết của 4 nhà (nhà nông - nhà nước - nhà doanh nghiệp - nhà khoa học) nhằm tạo ra những sản phẩm nông nghiệp có chất lượng, bảo đảm an toàn thực phẩm và mang lại giá trị kinh tế cao.
UBND huyện Chư Jút cũng đã quy hoạch hơn 30 ha đất tại xã Nam Dong để phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Huyện đã và đang tích cực kêu gọi các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đến địa phương phối hợp với người dân để triển khai các chuỗi liên kết có sự hỗ trợ, quản lý của nhà nước.
Theo ông Hồ Sơn, Trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Chư Jút, định hướng của huyện là xây dựng các chuỗi sản xuất các loại cây trồng chủ lực tại địa phương như: cà phê, hồ tiêu, đậu nành, đậu phộng, dược liệu và rau, củ, quả. Ngoài hợp tác sản xuất đậu nành tại Nam Dong, trên địa bàn huyện cũng hình thành những chuỗi sản xuất khác như: hồ tiêu tại xã Chư K'nia, ngô ở nhiều xã trên địa bàn huyện, dược liệu ở các xã Chư K'nia, Đắk Wil. Qua theo dõi, các chuỗi sản xuất bước đầu mang lại những kết quả khả quan. Cùng loại cây trồng và chi phí chăm sóc tương đương, việc sản xuất theo chuỗi tăng sản lượng từ 30 - 40% giá trị trên cùng 1 diện tích đất canh tác.
Nhờ những kết quả khả quan trong những năm gần đây, ngành nông nghiệp huyện Chư Jút đã có bước chuyển mình đáng kể, tương xứng với tiềm năng và thế mạnh của địa phương. Trong năm 2017, tổng sản lượng lương thực toàn huyện Chư Jút đạt trên 142.000 tấn. Giá trị thu nhập bình quân trên 1ha đất canh tác là 65 triệu đồng/năm. Tổng giá trị sản xuất ngành nông lâm nghiệp đạt gần 3.000 tỷ đồng, chiếm 28% giá trị trong nền kinh tế của huyện. Ngành nông nghiệp của huyện Chư Jút qua 28 năm hình thành và phát triển đã có bước phát triển sâu rộng, đóng góp đáng kể vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tăng trưởng kinh tế của huyện trong những năm gần đây luôn đạt trung bình 9%/năm. Thu nhập bình quân đầu người của huyện đạt 36 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo của toàn huyện liên tục giảm và hiện chỉ còn 9,03%. |
Góp phần thay đổi diện mạo nông thôn
Đời sống của người dân ngày càng cao đã giúp cho bộ mặt nông thôn trên địa bàn huyện Chư Jút dần "thay da đổi thịt". Người dân tích cực tham gia các phong trào thi đua xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, phong trào xây dựng nông thôn mới. Nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân có nhiều chuyển biến tích cực. Người dân ở nhiều xã trên địa bàn huyện tự nguyện hiến đất, hiến tiền của để xây dựng quê hương. Người dân không còn trông chờ, ỷ lại sự hỗ trợ của Nhà nước mà tích cực đóng góp nhân lực, vật lực và nhiều cách làm sáng tạo trong quá trình xây dựng nông thôn mới.
Theo Chủ tịch UBND huyện Chư Jút Nguyễn Thị Thanh Hà, trong thời gian tới, huyện phấn đấu tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và ổn định. Quan điểm phát triển kinh tế - xã hội của địa phương là gắn quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa với việc phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng như: giao thông, thủy lợi, y tế, giáo dục... Đối với ngành nông nghiệp, huyện tập trung phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo hướng bền vững, giá trị cạnh tranh cao. Huyện sẽ tiếp tục chú trọng việc tổ chức cơ cấu sản xuất, thực hiện liên kết giữa doanh nghiệp với nông dân thông qua các tổ hợp tác, hợp tác xã.
Bà Hà chia sẻ: "Việc liên kết trong lĩnh vực nông nghiệp vừa là hướng đi tất yếu, vừa là "động lực" để phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Chúng tôi luôn xác định tăng trưởng kinh tế phải theo hướng bền vững, gắn với công tác giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội. Bởi vì, mục tiêu lớn nhất của liên kết trong sản xuất nông nghiệp hay bất kỳ giải pháp phát triển kinh tế nào của huyện Chư Jút cũng nhằm hướng tới việc nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân".
Theo Đắk Nông Online