Xuất bản thông tin
Sáng 07/6, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Sở Nông nghiệp tỉnh Đắk Nông tổ chức diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp với chủ đề: "Giải pháp phát triển hồ tiêu bền vững". Diễn đàn có sự tham gia của các cán bộ, chuyên gia khuyến nông của các Cục, Vụ, Viện, Trung tâm Khuyến nông quốc gia, Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, các nhà khoa học, nhà doanh nghiệp cung ứng vật tư và thu mua chế biến, xuất khẩu và gần 200 hộ nông dân tiêu biểu thuộc 7 tỉnh có diện tích trồng tiêu lớn nhất của vùng Đông Nam bộ và Tây Nguyên. Đồng chí Trương Thanh Tùng - TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh tham dự với vai trò là chủ tọa của diễn đàn.
Quang cảnh nơi tổ chức diễn đàn |
Diễn đàn tập trung vào đánh giá thực trạng sản xuất hồ tiêu của Việt Nam, đặc biệt là các tỉnh tập trung diện tích trồng tiêu lớn vùng Đông Nam bộ và Tây Nguyên, trong đó có tỉnh Đắk Nông. Cùng với đó, những định hướng và giải pháp phát triển hồ tiêu bền vững trong tương lai cũng đã được nêu lên tại diễn đàn.
Ông Trần Văn Khởi - Quyền Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phát biểu tại diễn đàn |
Theo ông Trần Văn Khởi - Quyền Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia thì hiện nay, Việt Nam đã trở thành nước xuất khẩu tiêu lớn nhất thế giới. Năm 2016, cả nước xuất khẩu 177 nghìn tấn tiêu, đạt kim ngạch 1,42 tỷ USD, chiếm hơn 40% thị phần tiêu thụ thế giới và xuất khẩu đến 95 quốc gia và vùng lãnh thổ thế giới. Tuy vậy, bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc sản xuất hồ tiêu trong nước vẫn đang tiềm ẩn nhiều rủi ro và thách thức, trong đó nổi lên 3 vấn đề lớn.
Một là, sự bùng nổ về diện tích. Trong những năm gần đây, giá hồ tiêu hấp dẫn so với nhiều loại cây trồng khác nên diện tích hồ tiêu đang phát triển hết sức nóng, hiện đã phá vỡ quy hoạch gần 75.000 ha. Năm 2016, diện tích trồng tiêu cả nước đạt 124,5 ngàn ha, tăng 22,5% so với năm 2015 và vượt xa so với quy hoạch. Trong đó, diện tích trồng hồ tiêu ở vùng Tây Nguyên và Đông Nam bộ chiếm hơn 120 nghìn ha, chiếm hơn 96% diện tích cả nước. Trong đó, các tỉnh có diện tích hồ tiêu lớn gồm: Đắk Lắk ,Đắk Nông, Gia Lai, Bình Phước, Đồng Nai, Bà Rịa Vũng Tàu. Đến thời điểm hiện nay, khi giá hồ tiêu suy giảm thì nhiều hộ trồng hồ tiêu đang đối mặt với tình trạng "được mùa – mất giá".
Hai là, sự canh tác chưa bền vững. Diện tích tăng nhanh cùng với sự thâm canh quá mức bới tâm lý nôn nóng muốn thu năng suất sản lượng nhiều nhất trong thời gian ngắn nhất đang là cách làm hiện nay của nhiều nông dân trồng hồ tiêu, đặc biệt những nơi trồng mới, nông dân thiếu kinh nghiệm về canh tác bền vững. Giống tiêu chưa được nghiên cứu chọn lọc có hệ thống, có độ đồng đều chưa cao, dễ nhiễm sâu bệnh; kỹ thuật canh tác còn nhiều hạn chế về thiết kế vườn, bón phân chăm sóc; chưa có giải pháp đồng bộ phòng trừ dịch hại, đặc biệt là các bệnh chết nhanh, chết chậm, tuyến trùng và các bệnh trong đất.
Ba là, chất lượng chưa đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Do hồ tiêu là cây gia vị độc đáo chủ yếu dùng trong chế biến thực phẩm nên yêu cầu đảm bảo ATTP rất cao, trong khi diện tích trồng mở rộng, nhưng phần lớn người trồng tiêu chưa thực hiện tốt, quy trình sản xuất theo hướng an toàn, việc thiếu kiểm soát chất lượng đang là trở ngại cho xuất khẩu, và là rủi ro lớn cho ngành và nhà trồng tiêu.
Đại diện nông dân tiêu biểu chia sẻ kiến thức về trồng tiêu bền vững tại diễn đàn |
Đối với tỉnh Đắk Nông, diện tích hồ tiêu trong những năm gần đây cũng đang không ngừng mở rộng và tăng nhanh. Năm 2014 diện tích hồ tiêu của tỉnh mới chỉ khoảng 14 ngàn ha nhưng đến năm 2016 diện tích hồ tiêu của tỉnh là gần 28 ngàn ha, vượt gấp đôi diện tích quy hoạch hồ tiêu của tỉnh đến năm 2020. Bên cạnh những rủi ro và thách thức chung như đã nêu thì việc sản xuất hồ tiêu trong những năm qua ở Đắk Nông vẫn chưa có sự kết nối theo chuỗi giá trị, mạnh ai nấy làm nên chất lượng sản phẩm không đồng đều, chủ yếu là sơ chế khô, xuất hàng thông qua các đại lý, thương lái. Đến nay, trên địa bàn tỉnh vẫn chưa có nhà doanh nghiệp nào đủ lớn để đầu tư chế biến sâu, nâng cao chất lượng sản phẩm để tăng giá trị gia tăng đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng của thị trường thế giới.
Tại diễn đàn, các chuyên gia, nhà khoa học, đại diện Trung tâm Khuyến nông Quốc gia và Hiệp hội hồ tiêu Việt Nam đã chia sẻ và đưa ra những giải pháp khả thi nhất để khắc phục thực trạng đã nêu trong thời gian tới; giải đáp thắc mắc và phổ biến cho nông dân một số biện pháp, kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh cho cây tiêu; các mô hình phát triển và sản xuất hồ tiêu theo hướng bền vững; giúp nông dân hiểu thêm về chủ trương chính sách của ngành, nhà nước để áp dụng vào sản xuất tiêu nông hộ, hợp tác xã mình một cách hiệu quả.
Theo đó, một số giải pháp phát triển hồ tiêu bền vững trong tương lai được nêu ra tại diễn đàn đó là: Quản lý, rà soát lại quy hoạch, vận động tuyên truyền, kiểm tra và giám sát không để cho người dân tự ý phát triển cây hồ tiêu ngoài vùng quy hoạch, đặc biệt ở những vùng không phù hợp; Tổ chức lại sản xuất theo hướng liên kết, tổ hợp tác, hợp tác xã để chia sẻ kinh nghiệm, ứng dụng quy trình kỹ thuật canh tác, phòng trừ dịch hại. Trong sản xuất, cần tuyên truyền, khuyến khích người dân áp dụng đồng bộ, có hệ thống các giải pháp đối với cây hồ tiêu từ chọn tạo giống, quy trình canh tác, quy trình thực hành sản xuất tốt (GAP), sơ chế, bảo quản.
Đối với các doanh nghiệp, trước hết là các doanh nghiệp lớn, cần phối hợp, liên minh, liên kết chặt chẽ xung quanh Hiệp hội, đóng vai trò chi phối thị trường, thống nhất tiêu chuẩn, chất lượng, giá cả; Tăng cường đầu tư, đổi mới công nghệ chế biến, nâng cao chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm để nâng cao giá trị gia tăng cho ngành hồ tiêu trong nước; đầu tư xây dựng nhà máy chế biến gắn liền với vùng nguyên liệu, áp dụng công nghệ tiên tiến để tạo ra sản phẩm đạt yêu cầu của thị trường góp phần nâng cao giá trị hồ tiêu; Đẩy mạnh xúc tiến thương mại hồ tiêu ở các thị trường lớn, khó tính như Mỹ, EU, Nhật Bản, tìm kiếm và mở rộng thêm thị trường tiềm năng ở Trung Đông và Châu Phi; Tăng cường mối liên kết giữa doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu với nông dân, hình thành mạng lưới thu mua trực tiếp tại các vùng hồ tiêu, thường xuyên thông tin tình hình thị trường, giá cả…
Đồng chí Trương Thanh Tùng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại diễn đàn |
Phát biểu tại diễn đàn, đồng chí Trương Thanh Tùng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các nhà doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh cần cung ứng dịch vụ đầu vào, đầu ra có trách nhiệm, có đạo đức kinh doanh, cung ứng các sản phẩm có chất lượng, rõ nguồn gốc xuất xứ; thực hiện bao tiêu sản phẩm, chế biến sâu, xây dựng thương hiệu, nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm hồ tiêu đủ sức cạnh tranh và chi phối thị trường thế giới.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung tâm khuyến nông quốc gia và Hiệp hội hồ tiêu Việt Nam cần đứng ra tổ chức chuỗi liên kết vùng, liên kết giữa các tỉnh có diện tích sản xuất hồ tiêu lớn, khu vực Tây Nguyên và Đông Nam bộ thành một chuỗi từ khâu sản xuất, bảo quản, chế biến, tiêu thụ nhằm sớm xây dựng thương hiệu hồ tiêu Việt Nam vững mạnh trên thị trường thế giới.
Đối với nông dân trồng tiêu, Phó chủ tịch Trương Thanh Tùng đề nghị sau diễn đàn, bà con cần tập trung vào các vấn đề mà các nhà khoa học, nhà quản lý cũng như các doanh nghiệp đã khuyến nghị để đúc rút kinh nghiệm và triển khai các giải pháp trồng hồ tiêu bền vững. Đặc biệt, trong sản xuât cần có sự liên kết, hợp tác với nhau trong cộng đồng để sản xuất đồng loại, đồng chất và liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp để cùng đồng hành sản xuất hồ tiêu bền vững trên mọi khía cạnh.
Nhà cung ứng vật tư giới thiệu và hướng dẫn nông dân sử dụng chế phẩm sinh học trên cây tiêu tại nơi tổ chức diễn đàn |
Sam Nguyễn