Xuất bản thông tin
Vừa qua, UBND tỉnh đã tổ chức Hội thảo khoa học nâng cao chất lượng đào tạo nghề gắn với việc làm sau đào tạo. Tham dự Hội thảo có đồng chí Tôn Thị Ngọc Hạnh, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh các chuyên gia, nhà tuyển dụng lao động đến từ Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Công ty TNHH RK Resources (Bình Dương), Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Toàn cảnh Hội thảo |
Theo báo cáo tại hội thảo, dân số tỉnh Đắk Nông khoảng 609.595 người (theo thống kê năm 2016), trong độ tuổi lao động là 381.273 người (chiếm 62,54% so với tổng dân số). Tỷ lệ lao động qua đào tạo tham gia hoạt động kinh tế tăng đều qua các năm: Năm 2015 tỷ lệ lao động qua đào tạo là 35%, qua đào tạo nghề là 27,75%; năm 2016 tỷ lệ lao động qua đào tạo là 37%, qua đào tạo nghề là 29%; Đến cuối năm 2017 tỷ lệ lao động qua đào tạo khoảng 39%, qua đào tạo nghề 30,5%.
Giai đoạn 2015-2017, số lao động được đào tạo việc làm mới và việc làm tăng thêm là 55.429 lượt người. Lao động đã qua đào tạo được tạo việc làm khoảng 16.488 lượt người chiếm tỷ lệ 29,74% tổng số lao động được tạo việc làm.
Tuy nhiên, lao động tham gia hoạt động kinh tế chưa qua đào tạo của tỉnh Đăk Nông còn chiếm tỷ lệ cao (61%), do đó, chất lượng lao động còn nhiều hạn chế, như: phân bổ nguồn lực lao động giữa thành thị và nông thôn chưa đồng đều, thiếu tính ổn định, năng xuất lao động nhìn chung còn thấp... Dẫn đến công tác giải quyết việc làm còn gặp nhiều khó khăn, chưa có tính bền vững, số lao động tập trung nhiều nhất trong lĩnh vực nông nghiệp.
Trong thời gian tới tỉnh phải đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp; người học ra trường phải đáp ứng yêu cầu thị trường lao động, có việc làm và thu nhập tốt hơn; người đáp ứng yêu cầu và có nguyện vọng học cần được theo học các chương trình liên thông; không để tình trạng đào tạo ra không có việc làm, thất nghiệp, lãng phí nguồn lực xã hội...
Tại buổi thảo luận các chuyên gia, nhà tuyển dụng lao động trình bày các tham luận như: Yêu cầu chất lượng nguồn nhân lực, trình độ tay nghề, kiến thức, kỹ năng cần thiết trong tuyển dụng lao động tại doanh nghiệp; những khó khăn, vướng mắc trong tuyển sinh, tổ chức đào tạo và giải quyết việc làm, hoàn thiện giải pháp thời gian tới; phương pháp xây dựng chương trình đào tạo và hợp tác đặt hàng đào tạo; yêu cầu kiến thức, kỹ năng cần thiết khi tuyển dụng nhận sự của doanh nghiệp tại địa phương.
Đ/c Tôn Thị Ngọc Hạnh, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại Hội thảo |
Phát biểu kết luận hội thảo, đồng chí Tôn Thị Ngọc Hạnh nhấn mạnh, đào tạo nghề gắn với việc làm sau đào tạo là một hoạt động quan trọng, có ý nghĩa xã hội sâu sắc. Qua hội thảo, các ngành liên quan tiếp tục nghiên cứu, tìm ra các giải pháp gắn kết nhằm triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả trong đào tạo, lao động việc làm ở địa phương. Các trường nghề, trung tâm giáo dục dạy nghề ở địa phương cũng cần nghiên cứu, thay đổi, sáng tạo trong hoạt động giảng dạy để đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực, định hướng việc làm trong thời gian tới.
Tấn Lê