Xuất bản thông tin
Ngày 24/5/2018, Đại biểu Quốc hội Võ Đình Tín – Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông đã tham gia góp ý kiến tại Hội trường Kỳ họp thứ 5 Quốc hội Khóa XIV về một số điều của dự thảo Luật Tố cáo (sửa đổi).
Đại biểu Võ Đình Tín góp ý kiến vào dự thảo Luật Tố cáo (sửa đổi) tại Hội trường Kỳ họp thứ 5 Quốc hội Khóa XIV. Ảnh Truyền hình Quốc hội. |
Theo đó, Đại biểu Võ Đình Tín đề nghị không mở rộng hình thức tố cáo như trong dự thảo Luật Tố cáo (sửa đổi) mà giữ nguyên quy định của Luật Tố cáo hiện hành.
Đại biểu Tín cho rằng việc dự thảo Luật quy định thêm một số hình thức mà thông qua đó, người dân có thể tố cáo, phản ánh, cung cấp thông tin đến cơ quan có thẩm quyền về những hành vi vi phạm pháp luật như email, bản fax, đường dây nóng... là rất thuận tiện cho người dân. Tuy nhiên, trong quan hệ tố cáo và giải quyết tố cáo, luôn cần phải có các chủ thể là người tố cáo, người bị tố cáo, người giải quyết tố cáo. Do vậy, nếu việc tố cáo được thực hiện thông qua thư điện tử, fax, điện thoại... thì trong nhiều trường hợp rất khó xác định người tố cáo là ai, đồng thời, cũng có thể tạo ra kẽ hở để một số người lợi dụng quyền tố cáo để vu cáo, vu khống, xúc phạm danh dự của người khác. Bên cạnh đó, việc mở rộng các hình thức tố cáo cũng cần các điều kiện về nhân lực, cơ sở vật chất, kỹ thuật để xác minh, kết luận đối với đơn tố cáo. Như vậy, trong bối cảnh hiện nay, việc mở rộng hình thức tố cáo qua thư điện tử, fax, điện thoại có thể nói là khó khả thi.
Liên quan đến vấn đề bảo vệ người tố cáo, đại biểu Võ Đình Tín nhận định, quy định của dự thảo Luật về bảo vệ người tố cáo đã có một bước phát triển lớn so với các quy định trước đây, vì đã làm rõ thẩm quyền, trình tự, thủ tục và các biện pháp bảo vệ người tố cáo.
Tuy nhiên, tại Khoản 3 Điều 48, dự thảo Luật quy định: "Khi có căn cứ về việc vị trí công tác, việc làm, tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm của người quy định tại khoản 1 Điều này đang bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị xâm hại ngay tức khắc hay họ bị trù dập, phân biệt đối xử tại nơi công tác, nơi làm việc do việc tố cáo, giải quyết tố cáo, cơ quan khác có thẩm quyền tự quyết định hoặc theo đề nghị của người tố cáo quyết định việc áp dụng biện pháp bảo vệ cần thiết".
Theo đại biểu Tín, việc hiểu như thế nào là "có căn cứ" theo quy định trên đang còn là một vấn đề vì quy định này chưa định lượng ở mức độ nào, những biểu hiện nào, những hành vi nào thì được coi là "có căn cứ". Vì vậy, trên thực tế có thể dẫn đến một trong hai tình huống: Một là, việc tố cáo chưa thực sự có thể gây nguy hại đến tính mạng, sức khỏe; chưa thực sự có thể xâm hại đến tài sản, uy tín, danh dự, nhân phẩm... của người tố cáo và người thân thích của người tố cáo nhưng khi được yêu cầu, người có thẩm quyền, trách nhiệm vẫn quyết định áp dụng các biện pháp bảo vệ. Trường hợp này không những gây tốn kém không cần thiết mà còn có thể dẫn đến những tình huống không hay về mặt tâm lý, dư luận xã hội. Hai là, tình huống thực sự rất cần phải bảo vệ người tố cáo nhưng có thể do quan điểm chủ quan là chưa đủ "căn cứ" nên người có thẩm quyền, trách nhiệm chưa kịp thời áp dụng các biện pháp bảo vệ dẫn đến hậu quả việc bảo vệ người tố cáo không đạt yêu cầu theo quy định.
Do vậy, để nâng cao tính khả thi của các quy định này, đại biểu Võ Đình Tín đề nghị cần phải rà soát, tiếp tục nghiên cứu, bổ sung để làm rõ một số tình huống, hành vi có thể được coi là "căn cứ", đồng thời, đưa ra một số tiêu chí cho việc được coi là có "căn cứ" để làm cơ sở cho việc yêu cầu được áp dụng biện pháp bảo vệ của người tố cáo; hoặc để cơ quan có thẩm quyền quyết định áp dụng biện pháp bảo vệ người tố cáo trong trường hợp cần thiết.
Trần Long