Xuất bản thông tin
Sáng nay (16/4), tại Hà nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị trực tuyến về logistics, các giải pháp giảm chi phí, kết nối hiệu quả hệ thống hạ tầng giao thông. Các bộ, ngành, địa phương trên cả nước và các hiệp hội doanh nghiệp, doanh nghiệp sản xuất các ngành hàng, kinh doanh dịch vụ logistics, vận tải, hỗ trợ vận tải đã tham dự.
Tham dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Đăk Nông
Tham dự tại điểm cầu tỉnh Đăk Nông có UVBTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Trần Xuân Hải; lãnh đạo các sở, ngành có liên quan.
Hội nghị được nghe báo cáo của các Bộ liên quan, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Hiệp hội Các doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam, Ngân hàng Thế giới…về thực trạng dịch vụ logistics tại Việt Nam.
Logicstics được biết đến rất nhiều trong lĩnh vực kinh doanh, được xem như là một phương thức kinh doanh mới đem lại lợi nhuận lớn cho doanh nghiệp. Với tốc độ phát triển của kinh tế thế giới, logistics ngày càng được mở rộng và nâng cao, trở thành một ngành dịch vụ chiếm vai trò quan trọng trong hoạt động giao thương quốc tế.
Dịch vụ logistics Việt Nam bắt đầu phát triển trên cơ sở dịch vụ giao nhận vận tải từ những năm 1986. Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB) cho thấy, chỉ số hiệu quả dịch vụ logistics năm 2016 của Việt Nam đứng thứ 64/160 nước. Tốc độ phát triển bình quân hàng năm của ngành logistics Việt Nam khoảng 14-16%, là một trong những ngành dịch vụ tăng trưởng đều và vững chắc của Việt Nam trong thời gian qua.
Tuy nhiên, chi phí logistics của Việt Nam còn ở mức cao, theo nghiên cứu của WB, chi phí logistics của Việt Nam tương đương 20,9 % so với GDP, trong đó chi phí vận tải chiếm khoảng 59%. Do vậy, việc cắt giảm chi phí logisticsnói chung và chi phí vận tải nói riêng là một nhiệm vụ cấp thiết hiện nay và có ý nghĩa rất lớn trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển kinh tế.
Để giải quyết những vấn đề nêu trên, tại hội nghị, Bộ GTVT đã đưa ra các giải pháp làm giảm chi phí Logistics, kết nối hiệu quả hệ thống hạ tầng trong lĩnh vực giao thông vận tải: Hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế chính sách; nâng cao chất lượng công tác lập và tổ chức thực hiện quy hoạch; tăng cường kết nối, phát triển hợp lý các phương thức vận tải, vận tải đa phương thức và dịch vụ Logistics; phát triển vận tải thủy nội địa và vận tải ven biển; tăng cường hợp tác với các đối tác nước ngoài để mở rộng kết nối hạ tầng Logistics; nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng vốn đầu tư trong xây dựng kết cấu hạ tầng; khuyến khích, thu hút đầu tư ngoài ngân sách để xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý, khai thác vận tải; nâng cao chất lượng đào tạo và phát triển nguồn nhân lực; công tác thanh tra, kiểm tra.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng logistics là ngành dịch vụ quan trọng trong cơ cấu tổng thể của nền kinh tế và phát triển dịch vụ logistics thành một ngành kinh tế đem lại giá trị gia tăng cao. Do đó, cần phát triển thị trường dịch vụ logistics lành mạnh, tạo cơ hội bình đẳng cho các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, khuyến khích thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước phù hợp. Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT, Bộ Công Thương và các bộ, ngành, địa phương, tiếp thu ý kiến, khẩn trương giải quyết các kiến nghị của các hiệp hội, các doanh nghiệp vận tải, logistics, cắt giảm ngay các thủ tục không cần thiết, triển khai các nhiệm vụ trong đó cần tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ đề ra.
Song Nguyên