Xuất bản thông tin

Tăng cường công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng
Ngày đăng 29/11/2022 | 11:03  | View count: 8247

Thời gian vừa qua, công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng được Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các ngành quan tâm chỉ đạo sát sao; tình trạng phá rừng, khai thác, vận chuyển, tàng trữ, mua bán lâm sản trái phép có giảm theo các năm. Tuy nhiên tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng còn diễn ra thường xuyên, trong 11 tháng năm 2022, trên địa bàn tỉnh đã phát hiện 440 vụ vi phạm lâm luật, đứng thứ 4 về số vụ phá rừng lớn trên cả nước.

Ảnh minh hoạ

Để nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng; chủ động ngăn chặn, hạn chế thấp nhất thiệt hại về rừng; chấn chỉnh, nâng cao trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan trong công tác quản lý, bảo vệ rừng; Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các Sở, Ban, ngành; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố Gia Nghĩa và Thủ trưởng các đơn vị chủ rừng tập trung triển khai có hiệu quả các nội dung sau đây:

1. Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật để người dân địa phương hiểu rõ chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về bảo vệ, phát triển rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng, trong đó tập trung triển khai: Luật Lâm nghiệp và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Lâm nghiệp; Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 30/3/2016 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường các biện pháp cấp bách phòng cháy, chữa cháy rừng; Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12/01/2017 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 18/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng, xử lý tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng trái pháp luật; Chỉ thị số 31-CT/TU ngày 09/3/2018 của Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 19/8/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về quản lý, bảo vệ, khôi phục và phát triển rừng bền vững nâng cao tỷ lệ che phủ rừng giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; Chỉ thị số 07/CT-UBND ngày 19/4/2021 của UBND tỉnh về việc tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng; Công văn số 6123/UBND-NNTNMT ngày 26/10/2022 của UBND tỉnh về việc tăng cường công tác phòng cháy chữa cháy rừng mùa khô 2022-2023;...

2. Các đơn vị chủ rừng:

- Tăng cường các hoạt động chốt chặn, tuần tra; quản lý bảo vệ tốt diện tích rừng và đất lâm nghiệp được giao, cho thuê; kịp thời phát hiện và ngăn chặn các vụ phá rừng, lấn, chiếm đất rừng, khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép; kịp thời báo cáo cơ quan chức năng xử lý. Trường hợp, để xảy ra phá rừng, lấn, chiếm đất rừng trên lâm phần được giao quản lý mà không phát hiện, xử lý kịp thời thì đơn vị chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật.

- Rà soát, xây dựng, triển khai phương án quản lý, bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng phù hợp điều kiện thực tế của đơn vị. Tăng cường phát dọn, tu bổ các công trình phòng cháy, chữa cháy rừng, chăm sóc, xử lý thực bì, vật liệu cháy tại các khu vực rừng trồng; chủ động, sẵn sàng lực lượng, công cụ, phương tiện chữa cháy rừng theo phương châm 4 tại chỗ. Bố trí lực lượng thường trực 24/24 giờ tại các khu vực rừng có nguy cơ cháy cao để kịp thời phát hiện, tổ chức chữa cháy khi có cháy rừng xảy ra.

- Tích cực, chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương và các đơn vị liên quan để giải quyết dứt điểm tình trạng vi phạm trong quản lý, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản trên lâm phần được giao quản lý.

- Kiện toàn, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng theo quy định tại Nghị định số 01/2019/NĐ-CP ngày 01/01/2019 của Chính phủ về kiểm lâm và lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng.

3. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

- Phối hợp với cơ quan báo chí, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, UBND các huyện, thành phố Gia Nghĩa tăng cường các hoạt động tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về quản lý, bảo vệ, phát triển rừng nhằm nâng cao nhận thức của nhân dân và toàn xã hội đối với công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng trên địa bàn tỉnh.

- Chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm:

+ Tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra nhằm phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm Luật Lâm nghiệp ngay từ cơ sở; phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, chủ rừng và các đơn vị liên quan triển khai chốt chặn, truy quét đột xuất, dài ngày tại các địa bàn trọng điểm, các khu vực thường xuyên xảy ra tình trạng phá rừng, lấn chiếm rừng, khai thác, mua bán, vận chuyển lâm sản trái pháp luật, tập trung tại: Lâm phần một số chủ rừng như Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đức Hòa, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Quảng Sơn, Công ty TNHH MTV Đắk N'tao, Công ty TNHH MTV Nam Nung; Ban quản lý rừng phòng hộ Đắk Măng, Ban quản lý rừng phòng hộ Gia Nghĩa; các diện tích rừng và đất lâm nghiệp giao địa phương quản lý; ...

+ Thực hiện nghiêm túc công tác trực 24/24 giờ, đặc biệt trong thời kỳ cao điểm mùa khô, dịp nghỉ Lễ, Tết; tổ chức lực lượng, phương tiện theo phương châm 4 tại chỗ, sẵn sàng ứng phó, khống chế khi cháy rừng xảy ra; thường xuyên theo dõi thông tin cảnh báo cháy rừng trên hệ thống thông tin cảnh báo của ngành để kiểm tra, phát hiện sớm điểm cháy rừng, thông tin kịp thời trên các phương tiện thông tin đại chúng, các bản tin dự báo, cảnh báo cháy rừng đối với từng khu vực để chính quyền địa phương, các đơn vị có liên quan và chủ rừng chủ động triển khai phương án phòng cháy, chữa cháy rừng;

+ Đôn đốc các đơn vị chủ rừng xây dựng và triển khai thực hiện các phương án quản lý, bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng theo quy định của pháp luật;

+ Tăng cường công tác phối hợp với các lực lượng Công an, Quân đội trong công tác quản lý, bảo vệ rừng; thực hiện tốt quy chế phối hợp giữa tỉnh Đắk Nông với các tỉnh Bình Phước, Lâm Đồng và Đắk Lắk trong quản lý, bảo vệ rừng vùng giáp ranh.

4. UBND các huyện, thành phố Gia Nghĩa

- Tăng cường công tác quản lý nhà nước về lâm nghiệp tại địa phương; xác định công tác quản lý, bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng trên địa bàn là một trong những nhiệm vụ trọng tâm để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện. Chủ trì, phối hợp với các Sở, Ban, ngành và các đơn vị có liên quan quản lý, bảo vệ hiệu quả diện tích rừng hiện có. Xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật trong bảo vệ, phát triển rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng tại địa phương.

- Chỉ đạo Đoàn kiểm tra, thực hiện các biện pháp bảo vệ rừng, ngăn chặn tình trạng vi phạm pháp luật trong lĩnh vực Lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh (cấp huyện, xã) tăng cường triển khai hoạt động; tích cực hỗ trợ các chủ rừng ngăn chặn các hành vi vi phạm Luật Lâm nghiệp, đặc biệt là tình trạng phá rừng. Xây dựng phương án cưỡng chế, giải tỏa các trường hợp lấn, chiếm, các công trình xây dựng trái phép trên đất quy hoạch lâm nghiệp. Kiên quyết thu hồi diện tích đất rừng bị lấn chiếm, sử dụng sai mục đích theo quy định của pháp luật. Giám sát chặt chẽ việc triển khai các biện pháp khắc phục hậu quả trong xử lý vi phạm như: Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu; buộc tháo dỡ công trình xây dựng vi phạm.

- Xác định các khu vực thường xuyên xảy ra tình trạng phá rừng, lấn, chiếm đất rừng, khai thác lâm sản trái phép trên địa bàn quản lý (đặc biệt tại địa bàn 02 huyện Đắk Glong, Đắk Song); tập trung lực lượng, thành lập các tổ chốt chặn liên ngành tăng cường công tác tuần tra, quản lý, bảo vệ rừng tại các khu vực này; kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm theo quy định.

5. Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh

Tiếp tục thực hiện tốt quy chế phối hợp trong công tác bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng; chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tăng cường phối hợp chặt chẽ với lực lượng Kiểm lâm, chính quyền các cấp tổ chức lực lượng, phương tiện, trang thiết bị phòng cháy, chữa cháy rừng, đảm bảo kịp thời xử lý các tình huống cháy rừng xảy ra; đồng thời, hỗ trợ và phối hợp với lực lượng Kiểm lâm tuần tra, kiểm soát, phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các vi phạm về quản lý, bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng theo quy định của pháp luật.

6. Giao Công an tỉnh lập chuyên án điều tra để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các tổ chức, cá nhân có hành vi phá rừng, lấn chiếm đất rừng, mua bán, tàng trữ, vận chuyển trái phép lâm sản trên địa bàn tỉnh.

7. Báo Đắk Nông, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông

Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các đơn vị có liên quan tăng cường đưa tin, bài tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng; thông tin kịp thời diễn biến thời tiết, các bản tin dự báo, cảnh báo cấp độ nguy cơ cháy rừng, tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành nghiêm các quy định về quản lý, bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng.

8. Các Sở, Ban, ngành có liên quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao chủ động phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; UBND các huyện, thành phố Gia nghĩa trong công tác quản lý, bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng.

9. Giao Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan tham mưu UBND tỉnh kiểm điểm trách nhiệm của Giám đốc, Phó Giám đốc phụ trách lĩnh vực lâm nghiệp, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm và các tổ chức, cá nhân có liên quan để xảy ra tình trạng phá rừng trên địa bàn tỉnh. Báo cáo kết quả về UBND tỉnh trong tháng 12/2022.

10. Yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Sở Nội vụ khẩn trương hoàn thiện Đề án tăng cường quản lý, bảo vệ rừng, gắn trách nhiệm của lực lượng Kiểm lâm với Chủ rừng; Đề án tổ chức lại Hạt kiểm lâm liên huyện; các nhiệm vụ, đề án liên quan đến lĩnh vực lâm nghiệp để trình cơ quan có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt theo quy định. Báo cáo kết quả về UBND tỉnh trong tháng 12/2022.

M.L