Xuất bản thông tin

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành 6 văn bản QPPL trong tháng 4/2022
Ngày đăng 12/05/2022 | 08:19  | View count: 5303

Theo Thông cáo báo chí của Bộ Tư pháp, trong tháng 4 năm 2022, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 6 văn bản quy phạm pháp luật, gồm 5 nghị định của Chính phủ và 1 quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Ngày 05/4/2022, Chính phủ ban hành Nghị định số 23/2022/NĐ-CP về thành lập, sắp xếp lại, chuyển đổi sở hữu, chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu tại doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.

Nghị định này quy định chi tiết một số điều của Luật Doanh nghiệp, Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp về thành lập, sắp xếp lại (không bao gồm hình thức phá sản doanh nghiệp), chuyển đổi sở hữu (không bao gồm hình thức chuyển doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ thành công ty cổ phần), chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.

Nghị định số 26/2022/NĐ-CP ngày 14/4/2022 của Chính phủ về viên chức Lãnh sự danh dự nước ngoài tại Việt Nam quy định nguyên tắc thực hiện chức năng lãnh sự; thủ tục chấp thuận, chấm dứt hoạt động của Lãnh sự danh dự (LSDD); quy chế hoạt động của Lãnh sự danh dự.

 So với các quy định trước đây, Nghị định quy định cụ thể hơn về: thẩm quyền chấp thuận việc thành lập Cơ quan LSDD và trình tự thủ tục chấp thuận LSDD; quy định về khu vực lãnh sự; hồ sơ đề nghị chấp thuận LSDD; quyền và nghĩa vụ của LSDĐ, nhiệm kỳ của LSDD. Nghị định cũng bổ sung quy định mới về: tạm dừng thực hiện chức năng lãnh sự; nguyên tắc thực hiện chức năng lãnh sự, việc cấp, cấp lại, gia hạn Chứng minh thư LSDD; thay đổi trụ sở của LSDD; tạm dừng thực hiện chức năng lãnh sự.

Nghị định số 27/2022/NĐ-CP ngày 19/4/2022 của Chính phủ quy định cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia bổ sung, thay thế Nghị định số 161/2016/NĐ-CP chỉ có hiệu lực áp dụng cho các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020, không còn hiệu lực pháp lý áp dụng được cho các năm giai đoạn 2021-2025. Đồng thời, sửa đổi, thay thế một số quy định tại Quyết định số 41/2016/QĐ-TTg để đảm bảo thống nhất với quy định của Luật Đầu tư công năm 2019, Luật Ngân sách nhà nước.

Phạm vi điều chỉnh của Nghị định: Lập và giao kế hoạch thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 5 năm và hằng năm; huy động và sử dụng nguồn vốn thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia; cơ chế đặc thù trong tổ chức thực hiện dự án đầu tư xây dựng quy mô nhỏ, kỹ thuật không phức tạp; cơ chế tổ chức thực hiện hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc chương trình mục tiêu quốc gia; tổ chức quản lý các chương trình mục tiêu quốc gia; giám sát, đánh giá chương trình mục tiêu quốc gia.

Mở rộng tín dụng chính sách tạo sinh kế cho đồng bào dân tộc thiểu số

Việc ban hành Nghị định số 28/2022/NĐ-CP ngày 26/4/2022 của Chính phủ về chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn từ năm 2021 đến năm 2030, giai đoạn 1: từ năm 2021 đến năm 2025 để tiếp nối các chính sách tín dụng giải quyết vấn đề cấp bách về đất ở, nhà ở, đất sản xuất cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số đã hết thời hạn thực hiện từ năm 2020, đồng thời thực hiện mục tiêu mở rộng tín dụng chính sách tạo sinh kế cho đồng bào dân tộc thiểu số tham gia vào các dự án phát huy thế mạnh của địa phương, góp phần thực hiện mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Nghị định số 28/2022/NĐ-CP quy định 06 chính sách tín dụng được thực hiện thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội, cụ thể: 1- Cho vay hỗ trợ đất ở; 2- Cho vay hỗ trợ nhà ở; 3- Cho vay hỗ trợ đất sản xuất; 4- Cho vay hỗ trợ chuyển đổi nghề; 5- Cho vay hỗ trợ phát triển vùng trồng dược liệu quý; 6- Cho vay phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị.

Ngày 4/4/2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 09/2022/QĐ-TTg về tín dụng đối với học sinh, sinh viên (HSSV) có hoàn cảnh gia đình khó khăn để mua máy tính, thiết bị phục vụ học tập trực tuyến.

Quyết định ban hành để thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội và Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ. Đồng thời, với diễn biến dịch COVID-19 còn phức tạp, mức độ lây lan nhanh và rộng nên HSSV có thể phải tiếp tục học trực tuyến khi bị nhiễm COVID-19 hoặc tại địa phương có số ca nhiễm cao, do đó vẫn có nhu cầu vay vốn để mua máy tính. Bên cạnh đó, trong bối cảnh đất nước đang thực hiện công nghệ hóa, số hóa mọi lĩnh vực của đời sống, việc trang bị máy tính hoặc thiết bị điện tử cho HSSV là cần thiết.

Mức vốn cho vay tối đa 10 triệu đồng/HSSV. Thời hạn cho vay tối đa 36 tháng. Lãi suất cho vay 1,2%/năm. Nguồn vốn cho vay tối đa là 3.000 tỷ đồng từ nguồn phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh của NHCSXH theo quy định tại Nghị quyết số 11/NQ-CP.

Theo chinhphu.vn