Thông tin đối ngoại
Luật Lý lịch tư pháp được Quốc hội khóa XII, kỳ họp thứ 5 thông qua ngày 17/6/2009 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2010. Sau hơn 10 năm triển khai thi hành, công tác xây dựng, quản lý, khai thác và sử dụng Cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Tuy nhiên, công tác xây dựng, quản lý, khai thác và sử dụng Cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp vẫn còn một số hạn chế, bất cập. Do đó để nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác lý lịch tư pháp trong thời gian tới, bảo đảm thực hiện hiệu quả nhiệm vụ xây dựng, quản lý, khai thác và sử dụng Cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp và cấp Phiếu lý lịch tư pháp trên địa bàn tỉnh nhằm đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới, UBND tỉnh vừa ban hành Chỉ thị số 06/CT-UBND yêu cầu Thủ trưởng các Sở, Ban, ngành; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố triển khai thực hiện các nội dung, cụ thể như sau:
Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt nội dung của Luật Lý lịch tư pháp và các văn bản có liên quan nhằm nâng cao nhận thức, ý thức và trách nhiệm của Thủ trưởng cơ quan, đơn vị, công chức, viên chức và người lao động về vị trí, vai trò của công tác lý lịch tư pháp.
Sở Tư pháp
Chủ trì, phối hợp với các Sở, Ban, ngành, cơ quan, đơn vị có liên quan tham mưu UBND tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện các quy định của Luật Lý lịch tư pháp và các văn bản có liên quan.
Chủ động phối hợp chặt chẽ, thường xuyên với các cơ quan Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, Công an, Thi hành án dân sự và các cơ quan, đơn vị có liên quan trong việc tra cứu, xác minh, trao đổi và cung cấp thông tin lý lịch tư pháp, bảo đảm thông tin lý lịch tư pháp được cung cấp đầy đủ, chính xác, kịp thời, đúng quy định của pháp luật. Đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác trao đổi, cung cấp thông tin lý lịch tư pháp.
Tăng cường xây dựng, quản lý, khai thác và bảo vệ Cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp trên địa bàn tỉnh; tiếp nhận, cập nhật, xử lý thông tin lý lịch tư pháp do Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia, các cơ quan, đơn vị có liên quan cung cấp; chủ động lập Lý lịch tư pháp, cập nhật thông tin lý lịch tư pháp bổ sung, từng bước xây dựng Cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp điện tử theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại; cung cấp thông tin lý lịch tư pháp cho Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia và Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo quy định; thực hiện đúng quy định việc cấp Phiếu lý lịch tư pháp theo thẩm quyền. Có giải pháp kiểm tra, kiểm soát công tác xử lý, cập nhật thông tin, bảo đảm tính chính xác, đầy đủ các dữ liệulý lịch tư pháp.
Chủ động kiện toàn, bố tríhợp lý công chức, bảo đảm biên chế chuyên trách làm công tác lý lịch tư pháp. Quan tâm, ưu tiên, bảo đảm sử dụng hợp lý, hiệu quả những cán bộ, công chức đã qua các lớp đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ lý lịch tư pháp.
Phối hợp với Sở Tài chính tham mưu UBND tỉnh bố trí kinh phí, trang thiết bị, cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật phục vụ hiệu quả hoạt động xây dựng, quản lý, khai thác và sử dụng Cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp trên địa bàn tỉnh.
Công an tỉnh
Chỉ đạo các Phòng, bộ phận chuyên môn liên quan thực hiện cung cấp thông tin lý lịch tư pháp đầy đủ, kịp thời cho Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia và Sở Tư pháp để xây dựng Cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp;đồng thời tra cứu, cung cấp thông tin lý lịch tư pháp về án tích đảmbảo thời gian theo quy định.
Chỉ đạo Công an các huyện, thành phố thực hiện nghiêm túc quy định của Luật Thi hành án hình sự, Hướng dẫn số 05/HD-C81-C83 ngày 20/8/2015 của Bộ Công an về cấp Giấy chứng nhận chấp hành xong án phạt cho người đã hết thời hạn chấp hành án tại xã, phường, thị trấn trước ngày 01/7/2011.
Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân
Chủ động trao đổi, cung cấp thông tin lý lịch tư pháp đầy đủ, kịp thời theo quy định của Luật Lý lịch tư pháp và Thông tư liên tịch số 04/2012/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BQP ngày 10/5/2012 của liên Bộ: Tư pháp - Tòa án nhân dân tối cao - Viện kiểm sát nhân dân tối cao - Công an - Quốc phòng hướng dẫn trình tự, thủ tục tra cứu, xác minh, trao đổi, cung cấp thông tin lý lịch tư pháp cho Sở Tư pháp để xây dựng Cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp và cấp Phiếu lý lịch tư pháp cho công dân đảm bảo thời gian theo quy định.
Cục Thi hành án dân sự
Chỉ đạo các phòng, bộ phận chuyên môn; Chi cục Thi hành án dân sự các huyện, thành phố cung cấpđầy đủ, kịp thời cho Sở Tư pháp các Quyết định thi hành hình phạt tiền, tịch thu tài sản, án phí và các nghĩa vụ dân sự khác của người bị kết án; Quyết định đình chỉ thi hành án; Giấy xác nhận kết quả thi hành án; Thông báo kết thúc thi hành án trong trường hợp người bị kết án đã thực hiện xong nghĩa vụ của mình để xây dựng Cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp và cấp Phiếu lý lịch tư pháp cho công dân đảm bảo thời gian theo quy định.
Hướng dẫn Chi cục Thi hành án dân sự các huyện, thành phố thực hiện nghiêm túc Công văn số 648/TCTHADS-NV2ngày 03/3/2020 của Tổng cục Thi hành án dân sự về việc thi hành án đối với trường hợp người phải thi hành án tự nguyện thi hành án để đủ điều kiện đương nhiên được xóa án tích, tạo điều kiện cho người chấp hành xong hình phạt được tái hòa nhập cộng đồng.
Sở Tài chính
Chủ trì, phối hợp với Sở Tư pháp tham mưu UBND tỉnh bố trí kinh phí đảm bảo nhiệm vụ xây dựng, quản lý, khai thác và sử dụng Cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp phục vụ yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp cho cá nhân, tổ chức theo quy định.
UBND các huyện, thành phố
Chỉ đạo Phòng Tư pháp; UBND cấp xã cung cấp đầy đủ, kịp thời cho Sở Tư pháp bản sao Trích lục thay đổi, cải chính hộ tịch cho người từ đủ 14 tuổi trở lên, bản sao Trích lục chứng tử và phối hợp xác minh điều kiện đương nhiên xóa án tích theo quy định của Luật Lý lịch tư pháp và các văn bản có liên quan.
Yêu cầu Thủ trưởng các Sở, Ban, ngành; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc nội dung Chỉ thị này. Giao Sở Tư pháp theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc triển khai thực hiện Chỉ thị, đồng thời tổng hợp tình hình, kết quả thực hiện báo cáo UBND tỉnh theo quy định.
Huy Hoàng